Khảo cổ tin, sinh học ngờ?
Di chỉ thành Dền có diện tích hơn 20.000m2 được phát hiện từ năm 1970. Theo truyền thuyết, thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân Mã Viện. Gắn với di chỉ này là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng với sự tuẫn tiết của hai bà bên dòng Hát Giang. Hiện di chỉ thành Dền nằm lọt giữa cánh đồng lúa thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội. Thành Dền đã trải qua 2 lần thám sát, 6 lần khai quật với tổng diện tích 280m2. Lần thứ 7 được khai quật từ giữa tháng 4/2010, với 3 hố, mỗi hố rộng trên 200m2, sâu từ 1 - 1,2m. |
Di chỉ thành Dền có diện tích hơn 20.000m2 được phát hiện từ năm 1970. Theo truyền thuyết, thành Dền còn có tên gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ được bà Trưng Nhị cho xây đắp để chống quân Mã Viện. Gắn với di chỉ này là cuộc khởi nghĩa oanh liệt của Hai Bà Trưng với sự tuẫn tiết của hai bà bên dòng Hát Giang. Hiện di chỉ thành Dền nằm lọt giữa cánh đồng lúa thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội. Thành Dền đã trải qua 2 lần thám sát, 6 lần khai quật với tổng diện tích 280m2. Lần thứ 7 được khai quật từ giữa tháng 4/2010, với 3 hố, mỗi hố rộng trên 200m2, sâu từ 1 - 1,2m.
Sáng 16/6 tại khu vực khai quật di chỉ thành Dền (xã Tự Lập, Mê Linh, Hà Nội) khá đông các nhà khoa học tham dự cuộc họp báo cáo kết quả khảo cổ. Phần đông vẫn nặng về hoài nghi bởi trên thế giới cũng đã có vô khối chuyện “lạ” về các loại hạt rồi. Những hạt thóc thành Dền có thể 3.000 tuổi, hay 300, thậm chí 30 và biết đâu chỉ là 3 năm tuổi (?). Những hạt thóc nảy mầm kia biết đâu chỉ là sản phẩm của quá trình xáo trộn tầng địa chất cùng các dịch chuyển cơ học, các sơ suất trong khi khảo cổ…
PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (phụ trách đoàn khai quật) khẳng định: Những hạt thóc tìm thấy ở địa tầng văn hóa không có sự xáo trộn. Không bàn cãi gì nữa đó là vết tích thóc gạo của văn hóa Đồng Đậu và cư dân thành Dền là một bộ phận cư dân nông nghiệp cổ. Hạt thóc nảy mầm chắc chắn có niên đại 3.000 - 3.500 năm.
Được biết, hiện nhóm khảo cổ đã gửi 3 mẫu sang Nhật để tiến hành xác định niên đại vỏ trấu. Chi phí này hoàn toàn do Nhật tài trợ và sẽ có kết quả sau vài tuần nữa. Về việc này, PGS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp (nơi nuôi cấy các hạt thóc nảy mầm) lại cho rằng: Việc lấy vỏ trấu để giám định tuổi cho ra kết quả tương đối ảo. Tốt nhất vẫn là theo dõi hạt lúa trên ruộng đồng. Nếu đúng là lúa cổ thì ra hạt sẽ dài ngày hơn (khoảng 5 - 6 tháng). Thân lúa cao, cây lúa xòa rộng… Nhanh thì 2 tháng, chậm thì 4 tháng là có kết quả.
Vậy là trái với chờ mong của nhiều người là chỉ sau vài tuần có thể xác định niên đại của hạt thóc từ kết quả gien do Nhật xác định thì nay lại phải mất đến vài tháng để “mục sở thị” hạt thóc “cổ” trổ bông kết trái. Nói như TS Nguyễn Việt thì: Nếu không làm rõ được quy trình lấy mẫu có tuân thủ đúng quy định không thì ngay cả khi có kết quả giám định gien từ Nhật chúng ta vẫn tiếp tục tranh cãi.
Rõ ràng các nhà sinh học đều tỏ ra ngờ vực chuyện này bởi trên thế giới chưa ghi nhận bất kỳ một trường hợp nào như vậy trong điều kiện tự nhiên.
Chuyện đồn đại về những hạt cổ đại
Ngay từ thế kỷ XIX, trên tạp chí khoa học Nature số ra ngày 31/3/1887 đã đăng thông tin với lời công bố của GS.Judd khẳng định về các hạt lúa mạch (Barley) tìm thấy được trong kim tự tháp có niên đại 3.000 năm và cái tên “mummy seeds” bắt đầu có từ đó. Liên tục trên các số Nature sau đó, GS.Judd thông báo việc mummy seeds nảy mầm. Nhưng 3 tuần sau (21/4/1887) cũng trên Nature, GS.G.Murray cho biết sau khi điều tra sự thật về cái gọi là các hạt mummy seeds kia chỉ là trò lừa bịp của các tay lái buôn Arab nhằm kiếm lời từ các du khách tới thăm kim tự tháp. Sau bài viết sự thật của G.Murray, dư luận nhiều nơi trên thế giới đồng loạt lên tiếng cung cấp thêm các câu chuyện về các hạt mummy seeds giả mạo. Năm 1922, dư luận một lần nữa rộ lên quanh việc tìm thấy hạt đậu sống trong lăng mộ của vua Tutankha men (chết năm 1334 trước Công nguyên) nảy mầm rồi sau đó lại khám phá ra hạt đậu này rút cục chỉ là giống địa phương bán ở chợ. Năm 1967, trên tạp chí Science số 158, Porsild và đồng sự công bố tìm ra hạt Lupinus arcticus (họ Đậu) có tuổi trên 10.000 năm khai quật từ hồ băng tuyết Pleistocene vẫn nảy mầm. Suốt 40 năm tiếp theo, các nhà khoa học đều tin tưởng vào hạt có niên đại kỷ lục này. Chỉ đến năm 2009, trên tạp chí New Scientists số 182, Zazula và đồng sự mới chứng minh hạt trên chỉ là hạt giống thương mại ngày nay chứ không phải có từ 10.000 năm trước và có lẽ nó bị lọt vào tầng băng giá Pleistocene do một loài gặm nhấm mang tới tích trữ để dành.
Cũng đáng để hy vọng
Có lẽ đến lúc này cũng cần phải tin theo các nhà sinh học chờ đến 20/10 để cây trổ bông và 20/11 để cây cho hạt thì mọi việc mới rõ. Đáp lại sự lo lắng nếu cây lúa đó không cho hạt thì sao? PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, Giám đốc Viện nghiên cứu lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội nói: “Nếu trổ bông mà lúa không nở thì vẫn có thể nuôi cấy mô, đưa hooc-môn vào. Với khoa học, kiểu gì cũng làm cho nó ra hạt được, chỉ cần có tiền”.
Chuyện hạt thóc thành Dền đến lúc này phải công nhận là câu chuyện đáng chờ đáng xem bởi nó là chuyện lạ thuộc dạng “chưa từng có” vừa khó hiểu bởi quá vô lý, không thể có trong tự nhiên, vừa háo hức bởi nếu quả thật chuyện đúng như vậy thì sẽ là một phát kiến thực sự vĩ đại…
Vậy thì cũng đáng để hy vọng lắm chứ.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Viện nghiên cứu lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội: Đây là một sự lạ. Trên thế giới có thể chưa biết đến. Hạt lúa xuất hiện cách đây khoảng 16.000 năm trên thế giới, ở Việt Nam thì xuất hiện khoảng 7.000 năm và chưa bao giờ có hiện tượng lạ như thế xuất hiện. Nếu đúng đây là hạt lúa 3.000 năm tuổi thì bộ gien của nó là thứ đáng quan tâm nhất. Sau đó sẽ là việc lý giải tại sao nó lại có thể được bảo quản chừng đó năm trong điều kiện tự nhiên. Yếu tố nào làm nên sức sống của hạt thóc? Trả lời được câu hỏi này, sẽ là một phát kiến mới lạ trong khoa học. Sẽ không chỉ là cách để bảo quản hạt giống nói riêng mà còn có thể áp dụng để bảo quản rất nhiều thứ khác. |
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan - Giám đốc Viện nghiên cứu lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội:
Đây là một sự lạ. Trên thế giới có thể chưa biết đến. Hạt lúa xuất hiện cách đây khoảng 16.000 năm trên thế giới, ở Việt Nam thì xuất hiện khoảng 7.000 năm và chưa bao giờ có hiện tượng lạ như thế xuất hiện. Nếu đúng đây là hạt lúa 3.000 năm tuổi thì bộ gien của nó là thứ đáng quan tâm nhất. Sau đó sẽ là việc lý giải tại sao nó lại có thể được bảo quản chừng đó năm trong điều kiện tự nhiên. Yếu tố nào làm nên sức sống của hạt thóc? Trả lời được câu hỏi này, sẽ là một phát kiến mới lạ trong khoa học. Sẽ không chỉ là cách để bảo quản hạt giống nói riêng mà còn có thể áp dụng để bảo quản rất nhiều thứ khác.
Khánh Vy
Theo baoxaydung.com.vn