Thứ bảy 20/04/2024 05:19 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những dự án hạ tầng ở TP.HCM đang bị tắc

14:59 | 12/05/2021

Vành đai 2, 3... nằm trong số dự án giao thông trọng điểm được TP.HCM ưu tiên thực hiện. Song những vướng mắc về vốn, thủ tục, mặt bằng đang làm chậm tiến độ những công trình này.

Mấy năm gần đây, nhiều công trình giao thông ở phía đông TP.HCM được khởi công xây dựng, mang theo nhiều kỳ vọng của người dân để giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo mỹ quan đô thị.

Tuy nhiên, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của thành phố đang chậm tiến độ, bắt nguồn từ việc vướng mặt bằng, vốn và thủ tục.

Vành đai 2

Đường Vành đai 2 từ khi được phê duyệt đầu tư đến nay đã 14 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hiện, tuyến đường này đã được hoàn thành 50 km, còn khoảng 14 km (chia làm 4 đoạn) chưa thể khép kín.

Cụ thể, đoạn 1 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3 km, rộng 60 m; đoạn 2 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (nút giao Bình Thái) dài 3,3 km. Đoạn 3 từ xa lộ Hà Nội (nút giao Bình Thái) đến đường Phạm Văn Đồng dài hơn 2 km. Dự án cuối từ đoạn nối Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - quốc lộ 1, dài gần 3 km.

Riêng đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (TP Thủ Đức), đến nay, công trình trên đạt 50% nhưng đang tạm dừng để chờ rà soát lại hợp đồng BT, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
Đường Vành đai 2 (hình phải) từ khi được phê duyệt đầu tư đến nay đã 14 năm nhưng vẫn chưa thể khép kín. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo Sở GTVT TP.HCM, dự án Vành đai 2 gặp vướng mắc khi tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm trễ ở đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa. Việc chi trả bồi thường mới đạt gần 79%, còn diện tích mặt bằng bàn giao thi công xấp xỉ 75%.

Sở GTVT TP.HCM cho rằng khó khăn đầu tiên của dự án là hai Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Tài chính chưa hoàn tất rà soát, dự thảo văn bản để TP trình Thủ tướng chấp thuận các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng.

Thứ hai là tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng ở khu vực TP Thủ Đức chậm làm ảnh hưởng tiến độ hoàn thành dự án. Thứ ba là việc xác định thời gian hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ điều chỉnh dự án còn chậm.

Tương tự, Sở GTVT nhận định đoạn 1 và 2 của Vành đai 2 cũng gặp vướng mắc vì chưa được thông qua chủ trương đầu tư để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Vành đai 3

Đường Vành đai 3 dài hơn 90 km, đi qua TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, Long An, được Thủ tướng phê duyệt 10 năm trước.

Ðây là dự án trọng điểm quốc gia, giúp TP.HCM phát triển, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Toàn tuyến chia làm 4 đoạn, trong đó chỉ mới có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km hoàn thành.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện dự án, Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện đoạn 1 (Nhơn Trạch - Tân Vạn), với 2 dự án thành phần gồm 1A (từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) và 1B (từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến nút giao Thủ Ðức) đang gấp rút triển khai. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án thành phần được tách thành các tiểu dự án và giao địa phương tổ chức thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi đất.

nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
Đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7 km (hình phải) đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, đưa vào khai thác. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hôm 20/2, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết dự án 1A sẽ được khởi công vào quý III năm nay sau khi Công ty Pyunghwa Engineering Consultant Ltd (Hàn Quốc) trúng thầu.

Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h. Bề rộng nền đường từ 20,5-26 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Vốn đầu tư công trình khoảng 5.329 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Các đoạn còn lại của dự án vành đai 3 đang được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025.

Cầu Thủ Thiêm 2

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 được khởi công từ năm 2015, thiết kế có quy mô 6 làn xe với tổng chiều dài 1.465 m. Trong đó phần cầu dài 885 m được thiết kế là cầu dây văng với trụ tháp chính có hình dáng kiểu kiến trúc cầu rồng cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm.

Đến nay dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng. Song từ tháng 8/2020, chủ đầu tư dự án phải tạm dừng thi công do vướng vấn đề mặt bằng.

nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
Cầu Thủ Thiêm 2 được lùi thời gian dự kiến hoàn thành đến năm 2023. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hiện nhà thầu không thể lắp dây văng nối nhịp cầu cuối cùng để thông cầu chính từ quận 2 sang quận 1, nhánh cầu N1 bắt đầu từ Công trường Mê Linh chạy dọc đường Tôn Đức Thắng cặp theo sông Sài Gòn kết nối vào cầu chính và nhánh cầu N2 kết nối từ TP Thủ Đức đáp xuống đường Tôn Đức Thắng phía quận 1 trước nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Lê Thánh Tôn.

Mới đây, trong báo cáo đánh giá điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức đầu tư BT (xây dựng, chuyển giao) trình UBND TP, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP cho biết dự án đã triển khai thi công và hoàn thành đạt 90% khối lượng trên phần diện tích mặt bằng đã được bàn giao.

Công tác giải phóng mặt bằng thi công phía quận 1 còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, không đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Cầu Nam Lý

Cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Cầu có chiều dài khoảng 750 m (gồm cầu và đường dẫn), rộng 30 m với tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng.

Cầu được khởi công nhằm đồng bộ với đường Đỗ Xuân Hợp, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với mức độ đô thị hóa của khu vực quận 2, quận 9 và đảm bảo yêu cầu giao thông đường thủy của sông Rạch Chiếc sau khi cải tạo.

Đến nay, công trình đã đạt khoảng 39% khối lượng, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm do chưa được Sở TN-MT và UBND TP.HCM duyệt giá bồi thường. UBND TP Thủ Đức kiến nghị sở và TP.HCM sớm duyệt giá bồi thường, đồng thời cam kết giao mặt bằng trong 6 tháng nếu không có khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Cầu Long Kiểng

Cầu Long Kiểng qua rạch Long Kiểng thuộc huyện Nhà Bè nằm trên tuyến đường huyết mạch nối TP.HCM với tỉnh Long An. Dự án được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2001, dài 318 m, rộng 15 m với tổng mức đầu tư 557 tỷ đồng.

Cầu được khởi công từ năm 2018, dự kiến hoàn thành một năm sau đó. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, cây cầu vẫn chưa thành hình.

nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
Sau 3 năm khởi công, cầu Long Kiểng nối 2 xã của huyện Nhà Bè (TP.HCM) vẫn chưa thể thành hình vì vướng giải phóng mặt bằng. Ảnh: Chí Hùng.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết nguyên nhân dự án cầu Long Kiểng phải tạm ngưng thi công là do vướng giải phóng mặt bằng.

Dự án ngăn triều

Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án ngăn triều) nhằm kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 cùng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Công trình sau khi hoàn thành giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
Dự án đạt 78% khối lượng nhưng hiện vướng mặt bằng thi công các hạng mục phụ trợ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tổng tiến độ dự án đã đạt 78% khối lượng, hiện công trình còn vướng một số vị trí mặt bằng để thi công các hạng mục phụ trợ.

Ga Bình Triệu, ga Thủ Thiêm

Theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, đường sắt Bắc Nam khu vực TP.HCM, đoạn từ Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt trên cao; các ga hành khách phía TP.HCM gồm ga khách trung tâm (ga Sài Gòn hiện hữu với diện tích khoảng 6,14 ha) và ga Bình Triệu với diện tích khoảng 41 ha.

Ðến nay, dự án ga Bình Triệu chưa được triển khai dù Cục Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc cắm mốc giới ở thực địa theo ranh quy hoạch đã được phê duyệt của ga Bình Triệu và bàn giao cho TP.HCM quản lý. Lý do là trong phạm vi ranh quy hoạch ga Bình Triệu có nhiều tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng nên việc chậm thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống của người dân.

nhung du an ha tang o tphcm dang bi tac
Dự án ga Bình Triệu được phê duyệt từ 2002 nhưng đến nay vẫn bị "treo". Ảnh: Người Lao Động.

Ðối với dự án ga Thủ Thiêm (ga đầu mối bao gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các loại hình phương tiện giao thông công cộng khác), dù được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, đến nay vẫn chưa được triển khai.

Hiện TP đã cập nhật phạm vi nhà ga Thủ Thiêm vào đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu đô thị chỉnh trang kế cận khu đô thị mới Thủ Thiêm, diện tích nhà ga là 14,7163 ha.

Theo Hoài Thanh/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load