Thứ bảy 27/04/2024 06:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Những đột phá chiến lược

14:00 | 24/01/2020

(Xây dựng) - Bộ Xây dựng xác định rõ nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 với các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, góp phần đưa kinh tế Việt Nam vươn cao.

nhung dot pha chien luoc
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chúc tết công nhân lao động Công ty CP Lilama 69-1.

Bảo đảm chất lượng thể chế

Một mùa Xuân mới đã về, mùa Xuân năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đà cho kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) và Chiến lược 10 năm (2021 - 2030). Ở thời khắc quan trọng, Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2020 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” với 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành cùng 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 2019 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, kế thừa những kết quả quan trọng, toàn diện và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và thực thi pháp luật. Trong đó, trước tiên là bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014, hoàn chỉnh Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị và Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp nước, đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở 2014, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh BĐS. Triển khai Luật Kiến trúc, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ban hành có liên quan đến Luật Kiến trúc, hoàn thành xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.

nhung dot pha chien luoc
Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh và Chủ tịch CĐXDVN Nguyễn Thị Thủy Lệ thăm và động viên công nhân trên công trường vào dịp Tết

Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc để thiết lập kỷ cương trong công tác quản lý phát triển đô thị. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chính sách về quản lý đầu tư, đấu thầu, các mô hình đầu tư, làm cơ sở triển khai các công trình đầu tư xây dựng.

Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, hoàn thiện bộ phận một cửa liên thông. Xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động xây dựng, đề xuất các giải pháp để nâng hạng chỉ số Cấp phép xây dựng.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước, công tác kiểm tra sự tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động và vệ sinh môi trường của các chủ thể trong các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình, việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

nhung dot pha chien luoc
Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn kiểm tra thực địa công tác lập quy hoạch Vùng Thủ đô.

Quản lý quy hoạch kiến trúc, đô thị

Góp phần phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn cũng như nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển hạ tầng luôn phải song hành và đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế đất nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị cũng được Bộ Xây dựng đặc biệt chú trọng triển khai: Tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 định hướng 2050; Tổ chức lập, thẩm định hợp phần quy hoạch xây dựng để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng; Phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn địa phương lập, hình thành nội dung quy hoạch xây dựng trong Quy hoạch tỉnh.

Thẩm định và hoàn thiện báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ các đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Quy hoạch chung đô thị theo chức năng được giao. Hoàn thành rà soát việc áp dụng Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng trong các đồ án Quy hoạch xây dựng.

Nghiên cứu đổi mới công tác lý luận, phương pháp xây dựng quy hoạch, tăng cường công tác nghiên cứu, lý luận về quy hoạch và quản lý phát triển đô thị trên cơ sở phân tích thực tiễn trong nước và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Tiếp tục triển khai thực hiện phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo rà soát nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị phù hợp với tốc độ phát triển đô thị, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tốc độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết ở các đô thị, gắn kế hoạch đầu tư phát triển đô thị với quy hoạch xây dựng nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhà ở và đất đai, bảo vệ môi trường.

Hoàn thiện khung định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng các công cụ pháp lý về quản lý phát triển đô thị. Hoàn thành các nghiên cứu về xây dựng khung chính sách đối với quản lý phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

nhung dot pha chien luoc
Thứ trưởng Lê Quang Hùng kiểm tra một công trình trọng điểm.

Nghiên cứu xây dựng, điều chỉnh các định hướng, chiến lược, đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2021 - 2030. Tổ chức lập các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2020 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo.

Tổ chức thực hiện các Đề án Đổi mới phương pháp luận quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và các công cụ để quản lý, kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị, An ninh kinh tế trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn.

Triển khai định hướng phát triển cấp nước đô thị và KCN, Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn, Chương trình Quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch, Định hướng thoát nước đô thị và KCN, Điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn 2050.

Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm cấp nước an toàn sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành, rà soát, bổ sung quy định về điều kiện năng lực doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch, quy định chứng nhận công trình cấp nước đạt kết quả về thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn. Xây dựng Đề án tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, trong đó tập trung xây dựng các giải pháp, thể chế pháp luật quản lý về cấp nước (an ninh cấp nước, quản lý rủi ro, kiểm soát tài sản công trình cấp nước, kiểm soát giá nước sạch).

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu đô thị, thực hiện và quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác, xúc tiến dự án hợp tác mới, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh.

Triển khai hiệu quả chính sách nhà ở, VLXD

Trong khi nhiều thành phố đầu tàu truyền thống như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều thành phố khác bắt đầu nổi lên và ngày càng trở thành nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Để góp phần bảo đảm phát triển cơ bản, bền vững và ổn định kinh tế - xã hội ở các địa phương này, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, phát triển nhà ở xã hội, các Chương trình, chính sách về nhà ở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách cho các chương trình hỗ trợ nhà ở.

nhung dot pha chien luoc
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh trao thưởng Cuộc thi thiết kế điển hình chung cư nhà ở xã hội cao tầng.

Theo dõi sát diễn biến, cập nhật thông tin về tình hình thị trường BĐS bảo đảm ổn định, tăng trưởng bền vững. Đôn đốc các địa phương báo cáo tình hình, tổng hợp các ý kiến góp ý, đề xuất để có giải pháp kiến nghị với Chính phủ bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tái cơ cấu thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, khắc phục lệch pha cung - cầu, phát triển đa dạng các loại hàng hóa BĐS nhà ở, đẩy mạnh phát triển phân khúc nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho thuê, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, mô hình hợp lý để huy động các nguồn lực, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch và khai thác hiệu quả quỹ đất đô thị dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Hoàn thành quy chế về quản lý vận hành loại hình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel). Tiếp tục rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, từ đó đề xuất cơ chế tháo gỡ.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát các địa phương trọng điểm triển khai các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị, dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn, sử dụng nhiều diện tích đất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện nhất quán thông điệp của Chính phủ “Không đánh đổi/ hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển kinh tế là Kinh tế - Xã hội và Môi trường”, Bộ Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm VLXD thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, triển khai Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045, hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực VLXD.

Tiếp tục hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực VLXD và khoáng sản làm VLXD gắn với giải pháp phát triển ổn định, bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu cho khu vực biển đảo, quản lý tốt việc đánh giá hợp quy, chất lượng hàng hóa VLXD để vừa bảo vệ sản xuất trong nước vừa quản lý tốt các vật liệu nhập khẩu.

Nắm chắc diễn biến thị trường VLXD, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu. Thực hiện hiệu quả Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong các công trình xây dựng, Đề án nghiên cứu phát triển VLXD phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

Nhằm góp phần tiếp tục củng cố niềm tin, nâng cao uy tín của toàn ngành Xây dựng ở trong nước và quốc tế, Bộ Xây dựng thúc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị. Hoàn thành quyết toán vốn Nhà nước bàn giao sang công ty cổ phần đối với các tổng công ty đã cổ phần hóa. Tiếp tục thoái vốn Nhà nước hoặc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước các tổng công ty trong giai đoạn 2019 - 2020 theo nội dung phương án được duyệt, bảo đảm hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn Nhà nước, công khai, minh bạch và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các đơn vị sự nghiệp. Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tiến độ thực hiện cơ chế tự chủ.

Tổ chức thực hiện các đề án, đề tài, nhiệm vụ khoa học trong kế hoạch năm 2020 bảo đảm chất lượng, tiến độ. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến.

Tăng cường chỉ đạo, định hướng hoạt động thanh tra, xây dựng kế hoạch thanh tra sát với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ, nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập kinh tế theo lộ trình cam kết của Chính phủ và của ngành Xây dựng. Mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương, hỗ trợ các đơn vị trực thuộc ngành mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu, thương mại, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tại các nước bạn hoặc nước thứ ba. Vận động tài trợ ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án, chương trình thuộc các lĩnh vực ưu tiên.

Tốc độ đô thị hóa của đất nước đang diễn ra rất nhanh, diện mạo đô thị ở các địa phương ngày càng trở nên hiện đại trong đó có sự đóng góp không nhỏ của toàn ngành Xây dựng, thể hiện vai trò và trọng trách của ngành Xây dựng ngày một lớn. Cần lắm những đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy sự chủ động, quyết liệt, sáng tạo của mỗi cá nhân để họ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2020

Giá trị sản xuất xây dựng toàn ngành theo giá hiện hành tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2019.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%.

Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%.

Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 86,5 - 87%.

Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch còn 18%.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 95%, nhà thiếu kiên cố và đơn sơ khoảng 5%.

Sản lượng sản phẩm xi măng khoảng 103 triệu tấn.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load