(Xây dựng) - Quá trình đô thị hóa đang tạo ra những hệ lụy của nó mà rõ nhất là những tác động tiêu cực đến môi trường. Việc phát triển quá độ, không kiểm soát đã đem lại những hệ quả không mong muốn, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân và tương lai đô thị.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Đô thị hóa đồng nghĩa với sự gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên như vật liệu, đất, nước... Sự̣ thay đổi về chức năng sử dụng đất nhanh chóng cũng gây nên mất cân bằng sinh thái ở nhiều khu vực như: Mất kiểm soát về chức năng và mô hình kiến trúc đô thị, thiếu sự kiểm soát phát triển đồng bộ, thiếu hệ thống dịch vụ xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu nước biển dâng… Đó đang là những rủi ro tiềm ẩn.
Từ nay đến năm 2040, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 20 triệu người chuyển đến sinh sống tại các đô thị. Dự báo đến năm 2025 dân số đô thị của Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm khoảng 50% dân số cả nước. Xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị đang đặt ra những thách thức về quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, tổ chức tốt cuộc sống xã hội.
Đô thị hóa thiếu kiểm soát với việc phát triển quá nhanh các khu đô thị cũng đang gây ảnh hưởng đến môi trường thông qua ba con đường: Chuyển đổi đất vào mục đích sử dụng ở đô thị, khai thác và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sinh ra nhiều chất thải rắn đô thị. Sự gia tăng số người sống tại các đô thị sẽ kéo theo xu hướng thay đổi thiên nhiên và phạm vi tác động của con người lên môi trường.
Số người tăng lên, tất yếu sẽ đòi hỏi đất, năng lượng, nước, và lương thực, bất chấp họ sống trong thành phố hoặc ở nông thôn. Khi thu nhập tăng, họ sẽ tiêu thụ số hàng hóa với lượng lớn và đa dạng hơn. Kết quả là, chất thải đô thị có thể nhanh chóng vượt quá khả năng của hệ sinh thái sở tại để đồng hóa chúng.
Hiển nhiên, soi vào thực tiễn Việt Nam thì mối nguy hại đang tập trung vào các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại 2 thành phố được xếp vào loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở các thành phố này trong thời gian qua đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý đã đẩy nhanh mức độ ô nhiễm trong đô thị; không gian cây xanh, mặt nước, không gian giải trí, thể dục, thể thao… cũng ngày càng bị thu hẹp. Môi trường xung quanh con người trở nên ngột ngạt, khả năng tiếp xúc với thiên nhiên trong đô thị ngày càng giảm. Các không gian nghỉ ngơi, giải trí cận kề khu ở gần như biến mất.
Điều đáng nói là, đã có không ít quy hoạch được làm rất có chất lượng nhưng vẫn không thực hịên được. Quy hoạch chưa đi vào cuộc sống hay nói một cách khác là chưa quản lý được việc xây dựng theo quy hoạch.
Thêm nữa, sự dịch chuyển của một bộ phận nhập cư từ nông thôn đến nông thôn, đô thị đến đô thị (27,1%), nông thôn đến đô thị (22,7%) cũng là vấn đề cần lưu tâm khi phát triển thành bộ phận dân cư từ trung tâm ra các khu vực ven đô, các khu đô thị mới.
Sự dịch chuyển lớn dân cư vào đô thị trong khi các hệ thống dịch vụ chưa đồng bộ cũng gây ra sự mất cân bằng sinh thái. Nhiều khu vực dân cư chất lượng sống thấp tăng hơn.
Nói thì như thế, nhưng trong hoàn cảnh vừa qua cũng phải nhìn nhận rằng chúng ta không thể dùng các bịên pháp áp đặt buộc người dân phải tuân theo trong khi vấn đề chủ quyền sử dụng đất đai chưa được xác định rõ ràng, đầy đủ, nhu cầu nhà ở của nhân dân lại quá lớn khiến họ phải cơi nới, xây dựng bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, cho đến nay công tác thiết kế đô thị vẫn còn rất yếu. Hầu như trong các đô thị lớn số tuyến phố có thiết kế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không những thế, các điều kiện về thu nhập, khả năng tạo lập nhà ở của người dân còn hạn chế nên người ta phải làm lều, làm lán ngay bên đường mới mở... những việc làm đó đã góp phần tạo nên các khu phố nhếch nhác không theo quy hoạch.
Và như thế, hàng loạt những thách thức đối với công tác quản lý quy hoạch đô thị vẫn là nhãn tiền mà để giải quyết được rất cần những quyết sách cụ thể cùng một bộ máy thực thi minh bạch.
Ngọc Lý
Theo