(Xây dựng) - Những năm qua, diện mạo đô thị Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Hàng loạt công trình giao thông, khu đô thị mới văn minh, hiện đại được hoàn thiện và đưa vào sử dụng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng và phát triển đồng bộ là tiền đề quan trọng để phát triển đô thị bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, sớm hoàn thành mục tiêu trở thành “Đô thị xanh - Thành phố thông minh - Hiện đại”.
Cầu Nhật Tân nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Kết cấu nhịp của cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng, bắt đầu tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đến điểm cuối giao với Quốc lộ 5 tại km 7+100, xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Công trình được khánh thành vào ngày 4/1/2015 kết nối trung tâm thành phố với các khu công nghiệp ở phía Bắc, đồng thời hoàn thiện tuyến đường Vành đai 2 và rút ngắn khoảng cách đến sân bay quốc tế Nội Bài. Đây là một trong những cây cầu quan trọng trong lưu thông của Thành phố Hà Nội và là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện tại.
Lotte Center Hà Nội là một trong 3 tòa nhà cao nhất Việt Nam, tọa lạc tại vị trí vàng quận Ba Đình với 2 mặt tiền trên phố Đào Tấn và Liễu Giai. Tòa nhà có 65 tầng với phong cách kiến trúc hiện đại lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống của người Việt Nam. Dự án được đầu tư với tổng vốn lên đến hơn 400 triệu đô la Mỹ, diện tích xây dựng 14.094 mét vuông, diện tích sàn 247.075 mét vuông, 5 tầng hầm, 65 tầng bên trên, cao 272m, bao gồm tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ và văn phòng hạng A, cung cấp các tiện ích cao cấp. Được khai trương vào tháng 9/2014, tòa nhà được xem là “biểu tượng mới” của Thủ đô Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long hoàn thành vào tháng 10/2010 là tuyến đường huyết mạch kết nối quận, huyện phía Tây Thủ đô với trung tâm thành phố. Chiều dài của toàn tuyến là gần 30km, chiều rộng 140m. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng.
Đường Vành đai 3 trên cao được khởi công từ tháng 6/2012 với tổng mức đầu tư trên 5.500 tỷ đồng, thiết kế 4 làn xe chạy tốc độ thiết kế 100km/h. Con đường này kết nối 3 trục giao thông huyết mạch ở khu vực phía Bắc gồm Quốc lộ 1, Quốc lộ 5 và đại lộ Thăng Long, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông của Thủ đô Hà Nội.
Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 được khởi công từ tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng; cầu có thiết kế giống cầu Vĩnh Tuy 1 với tổng chiều dài và đường dẫn là hơn 3,4km. Công trình này dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những công trình trọng điểm cấp bách của Thành phố Hà Nội. Sau khi hoàn thành, khớp nối với đường Vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc của thành phố. Cầu sẽ giảm áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.
Đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội
Tuyến đường sắt Metro Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011, toàn tuyến có tổng chiều dài là 13,05km với 12 ga trên cao, với hướng tuyến từ ga Cát Linh ở quận Đống Đa và kết thúc ở ga Yên Nghĩa ở quận Hà Đông. Tháng 11/2021, tuyến đường sắt này chính thức được đưa vào sử dụng, đây cũng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào khai thác thương mại.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội tạo nên nhu cầu bức thiết trong giao thông hiện đại, Thành phố Hà Nội đã chú trọng đầu tư xây dựng các công trình giao thông nội đô như cầu vượt, hầm chui, đường sắt đô thị... tạo điều kiện cho người dân trong khu vực đi lại thuận tiện hơn. Trong đó, phải kể đến một số cây cầu vượt như:
Cầu vượt An Dương – Thanh Niên.
Cầu vượt Hoàng Minh Giám – Nguyễn Chánh.
Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt.
Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 được thông xe ngày 5/10/2022. Công trình trọng điểm này có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Tình trạng giao thông tại nút giao Lê Văn Lương – Vành đai 3 được cải thiện đáng kể so với trước khi có công trình này.
Ngoài những cây cầu trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông Thủ đô, tạo điều kiện cho người dân trong khu vực đi lại thuận tiện hơn, còn phải kể đến những khu đô thị văn minh sang trọng mọc lên trong 10 năm qua, giúp Thủ đô chuyển mình mạnh mẽ.
Royal City - khu đô thị sang trọng tại quận Thanh Xuân nằm trên đường Nguyễn Trãi, khu vực có đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chạy qua. Được đưa vào sử dụng cuối năm 2013, dự án được biết đến với khu tổ hợp, trung tâm thương mại, giải trí dưới lòng đất. Tổ hợp Royal City Nguyễn Trãi được xây dựng với kiến trúc mang phong cách hoàng gia châu Âu, sử dụng các tiện nghi công nghệ hiện đại, an toàn.
Khu đô thị Vinhomes Ocean Park – được ví như “Quận Ocean” sở hữu kết nối giao thông thuận tiện khi nằm tại vị trí cửa ngõ phía Đông của Thủ đô. Với điểm nhấn là biển hồ nước mặn 6,1ha, Khu đô thị Vinhomes Ocean Park cung cấp đầy đủ các tiện ích như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, mua sắm... mang đến những trải nghiệm cuộc sống mới mẻ và hiện đại.
Thu Hằng
Theo