(Xây dựng) – Tuyến sông Sui là tuyến sông thoát lũ chính cho hồ Yên Quang vào các mùa mưa bão trong năm hoặc có lũ lụt bất thường. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, tuyến sông này đã bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc thoát lũ của vùng thượng nguồn huyện Nho Quan.
Sông Sui là sông đào nhân tạo được quân dân vùng Cố đô căng sức, gồng mình đào từ thập niên 70 của thế kỷ trước, đến giờ đã gần 50 năm tuổi. Và cũng ngần ấy năm, sông Sui chưa một lần nào được nạo vét, khơi thông dòng chảy. |
Sông Sui chảy qua địa bàn 3 xã: Văn Phương, Văn Phong, Lạng Phong của huyện Nho Quan với tổng chiều dài trên 5km. Đây là tuyến sông được đào với mục đích thoát lũ cho hồ Yên Quang - hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh Ninh Bình nằm trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. |
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua sông Sui đã và đang bị bồi lắng nghiêm trọng, qua hàng chục năm đất đá sau những trận lũ tích tụ gần như đã vùi lấp hết lòng sông. Nhìn từ trên cao, sông Sui với hai bờ rộng hơn trăm mét, nhưng giờ đây lòng sông nước chảy chỉ khoảng chục mét. |
Nhiều người dân tại đây cho biết: Sông Sui giờ đây nhìn không khác cánh đồng vì người dân có thể thoải mái trồng cấy hoa màu ngay giữa lòng sông, thậm chí chăn thả gia súc, vì bùn đất bồi lắng nhiều năm đã tạo thành những lớp đất đá cực kỳ rắn chắc. |
Theo quan sát của PV Báo điện tử Xây dựng, tại một số khúc sông thuộc địa bàn xã Văn Phương, đất đá tích tụ cao gần chục mét nếu tính từ mép nước của sông. Nếu tình trạng bồi lắng này không được xử lý, nạo vét thì khi xảy ra lũ lụt, ngập úng thì sông Sui sẽ không thể phát huy hết nhiệm vụ của mình và ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thoát lũ cho vùng thượng nguồn Nho Quan. |
Anh Tú
Theo