Thứ hai 29/04/2024 17:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhiều đổi thay ở Trung du và miền núi

14:10 | 31/08/2023

(Xây dựng) – Xuất phát điểm là vùng nhiều khó khăn, giao thông đi lại bất lợi, kinh tế - xã hội kém phát triển, nhưng nhờ các quyết sách, Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng, sự chung sức đồng lòng của Nhân dân; vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vươn lên mạnh mẽ; phát triển mạnh toàn diện mọi mặt.

Nhiều đổi thay ở Trung du và miền núi
TP Lai Châu đang trên đà phát triển hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc riêng biệt.

Là vùng chiến lược, quan trọng

Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững, với nhiều loại tài nguyên, khoáng sản quý, hiếm; diện tích đồi rừng rộng lớn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp và nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số; tuy nhiên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều địa phương thuộc diện khó khăn, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu.

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 01/7/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW và Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ban hành Kết luận số 26-KL/TW, ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.

Sau khi Nghị quyết số 37-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng như: Quyết định 186/2001-QĐ-TTg về phát triển kinh tế - xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc; Quyết định 120/2003/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung đến 2010, Chương trình 134, 30a; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Nhiều địa phương đã tận dụng, phát huy tối đa cơ chế, chính sách và hỗ trợ của Trung ương; đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo vùng.

Phát triển mạnh hạ tầng giao thông

Xác định phát triển giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược, là huyết mạch, động lực để phát triển kinh tế; những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã ưu tiên, tập trung đầu tư hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các tuyến giao thông đường bộ đối ngoại quan trọng được đầu tư, hoàn thành, đặc biệt là cao tốc. Một trong những tuyến cao tốc quan trọng là cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Từ khi được đưa vào khai thác tháng 9/2014 đến nay, tuyến cao tốc này mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, giúp các địa phương phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển giao thương trong nước và quốc tế.

Nhiều tuyến đường kết nối với cao tốc này đã và đang triển khai, từng bước tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh. Mới đây, 2 tuyến đường kết nối Lai Châu và Nghĩa Lộ (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được khởi công. Ngoài ra, trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc, sẽ có thêm nhiều dự án như Đường nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Bảo Hà - Lai Châu - Ma Lù Thàng; nâng cấp, cải tạo các QL4, 4D, 4E, 70, 279; xây dựng hầm Hoàng Liên nối Sa Pa với Lai Châu…

Với quan điểm phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, những năm qua, cả ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đã dồn phần lớn nguồn lực phát triển giao thông. Giai đoạn 2020 - 2025, các tỉnh dự kiến đầu tư khoảng 5.000 tỷ để triển khai những dự án trọng điểm, kết nối liên tỉnh; thi công đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) hình thành vòng cung du lịch lịch sử từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, tới Bắc Kạn và kết nối đến Cao Bằng.

Ngoài ra, các tỉnh cũng tập trung đầu tư giao thông nội tỉnh, giúp bà con Nhân dân đi lại, thông thương dễ dàng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi.

Nhờ phát triển hạ tầng giao thông, cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ du lịch, phát triển nông nghiệp sạch công nghệ cao. Nhiều địa phương khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp như: Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Lào Cai...

Thái Nguyên, Bắc Giang - phát triển công nghiệp

Trong các tỉnh miền núi phía Bắc, Thái Nguyên và Bắc Giang là hai tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao, công nghiệp đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Để phát triển công nghiệp hiện đại, bền vững, tỉnh Thái Nguyên chủ trương cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, quy mô lớn, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng công nghiệp xanh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5/7 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút 269 dự án đăng ký đầu tư; có 22/35 cụm công nghiệp có chủ đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.650 tỷ. Những năm qua, Thái Nguyên ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 14%, vốn đăng ký FDI lên đến 7,64 tỷ USD, là một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh phía Bắc. Lĩnh vực công nghiệp giải quyết việc làm cho trên 250 nghìn lao động.

Năm 1997, Bắc Giang chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép hoạt động, vốn đăng ký gần 793 nghìn USD; Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, là tỉnh thuần nông, kinh tế chậm phát triển, đời sống Nhân dân rất khó khăn. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra quyết sách phát triển công nghiệp. Ngày 07/12/1999, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bắc Giang quy hoạch xây dựng KCN Đình Trám diện tích 101 ha, thuộc huyện Việt Yên. Ngày 11/10/2003, KCN Đình Trám được khởi công xây dựng, tổng vốn đầu tư 210 tỷ.

Đến nay, sau 26 năm kể từ 1997, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng diện tích quy hoạch là 1.967 ha, có 27 quốc gia và lãnh thổ có dự án đầu tư. Hiện có 401 DN đang sản xuất, kinh doanh, với hơn 195 nghìn lao động đang làm việc. Trong đó, có 4 KCN đã thu hút đầu tư lấp đầy 100% (KCN Đình Trám, Quang Châu, Vân Trung và Song Khê - Nội Hoàng), 2 KCN thu hút đầu tư cơ bản lấp đầy (KCN Hòa Phú và KCN Việt Hàn). Những năm gần đây, Bắc Giang luôn ở trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Để có kết quả đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng thời, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Bắc Giang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình, thủ tục bảo đảm minh bạch, thông thoáng; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...

Với mục tiêu phát triển đến năm 2030 thành tỉnh công nghiệp hiện đại, Bắc Giang sẽ quy hoạch 29 KCN, với diện tích 7.000 ha (trong đó, có 12 KCN - đô thị - dịch vụ); quy hoạch 63 cụm công nghiệp với diện tích 3.006 ha.

Lào Cai - đổi thay đô thị vùng biên

Sau gần 120 năm thành lập, với những phố cổ nơi biên cương Tổ quốc, trước đây, đô thị Lào Cai vẫn nghèo nàn, dân cư, nhà cửa thưa thớt. Sau 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là từ khi tái lập tỉnh đến nay, với những quyết sách đúng cùng sự chung tay, góp sức của Nhân dân, từ hoang tàn, đổ nát, Lào Cai nhanh chóng được xây dựng khang trang, phát triển mạnh mẽ kinh tế, đô thị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, với sự hình thành của Khu thương mại Kim Thành diện tích quy hoạch 250 ha, trở thành khu thương mại lớn mang tầm quốc tế. Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai được mở rộng, giao thương tấp nập, là khu vực quan trọng để thu hút và thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu, dịch vụ, góp phần phát triển mạnh kinh tế của tỉnh vùng biên...

Đến nay, toàn tỉnh có 10 đô thị, trong đó 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V. Hoạt động kinh tế tại các khu vực thuộc đô thị đóng góp trên 70% GRDP cho tỉnh. Lào Cai đã hoàn thành phủ kín quy hoạch chung tất cả 10 đô thị; phủ kín 100% quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 127 xã; khoảng 50% quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển đô thị, khu vực chức năng trên địa bàn. Không gian đô thị được mở rộng và đã hình thành một số cực tăng trưởng chủ đạo. Chất lượng các đô thị ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước tại TP Lào Cai đạt khoảng 93%; tại các trung tâm các huyện lỵ, thị xã đạt khoảng 90% (bằng và cao hơn trung bình cả nước là 90%). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt của đô thị và khu công nghiệp được thu gom và xử lý đạt 95%. Tỷ lệ chiếu sáng đường phố chính và khu nhà ở đạt 100% tại TP Lào Cai và hơn 90% tại các đô thị còn lại…

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35% và đạt trên 45% vào năm 2030. Phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lào Cai theo mô hình mạng lưới, xanh; đến năm 2030, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững.

Nhiều đổi thay ở Trung du và miền núi

Hà Giang - phát triển du lịch cộng đồng

Tỉnh Hà Giang là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, giữ vị trí là cầu nối du lịch giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc, tiếp giáp với thị trường du lịch Vân Nam (Trung Quốc). Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy ngành Du lịch, thu hút đầu tư. Với sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của các cấp lãnh đạo, được sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, Hà Giang trở thành điểm sáng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc.

Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch. Thứ nhất, đó là không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh.

Thứ hai, không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia, gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và thể thao mạo hiểm.

Thứ ba, không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Du lịch cộng đồng là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Giang, được xây dựng theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng tiến tới áp dụng phù hợp một số tiêu chí trong xây dựng Làng văn hóa du lịch theo tiêu chuẩn ASEAN. Hà Giang hiện có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó có 16 làng đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí theo từng giai đoạn. Du lịch đã và đang trở thành kinh tế mũi nhọn cho Hà Giang.

Yên Bái - đẩy mạnh thu hút đầu tư

Xác định thu hút đầu tư, là chìa khóa để phát huy thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, ngày 10/10/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái, đã ban hành Chỉ thị số 29 về tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn. Nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ DN giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh ban hành thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư khi đến với tỉnh, được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung pháp luật hiện hành của Nhà nước về miễn, giảm thuế thu nhập DN; tiền thuê đất, thuê mặt nước; thuế nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính...

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, môi trường đầu tư tại Yên Bái ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn. Qua đó, đã thu hút được các tập đoàn lớn, có uy tín đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư vào một số lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: Khai khoáng, đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch... Trong đó, có một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động của địa phương.

Thống kê từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đến nay, toàn tỉnh đã có 104 dự án được cấp mới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 20 nghìn tỷ. Năm 2022, Yên Bái đứng thứ 38/54 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tỉnh đã và đang trở thành điểm đến có sức hấp dẫn và quan trọng trong chiến lược đầu tư kinh doanh của nhiều tập đoàn, DN như: Tập đoàn BB Group, Tổng công ty Viglacera, Flamingo Holding Group…

Sơn La - phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Với quan điểm thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tận dụng tiềm năng, lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, thuận lợi phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả; Sơn La đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, trở thành động lực tăng trưởng, đưa kinh tế Sơn La phát triển.

Tỉnh có trên 1.056.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 74,89% diện tích đất tự nhiên, canh tác các loại rau, quả nhiệt đới, cận ôn đới, đặc biệt là các loại rau, củ, quả, trái mùa. Toàn tỉnh có 84.800 ha cây ăn quả các loại như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn..., với sản lượng trên 450.000 tấn/năm; đã có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn.

Sơn La có 241 mã số vùng trồng, diện tích trên 3.860 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 5.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; đã có 83 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước, tiêu thụ trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; đã có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như:Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE…

Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 1 vùng chè, 1 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê tại huyện Mai Sơn. Dự kiến, năm 2023 toàn tỉnh công nhận thêm 4 vùng quả, cây công nghiệp trên địa bàn huyện Sông Mã, Yên Châu, Thuận Châu và hoàn thành chỉ tiêu công nhận 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ có quyết sách và hướng đi đúng, đời sống Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao; bộ mặt đô thị nông thôn đổi mới, phát triển.

Trở thành vùng phát triển xanh, bền vững

Để tiếp tục đưa vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển, năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thể hiện rõ khát vọng, ý chí,quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trong vùng.

Xác định rõ vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 495/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo tiền đề đưa vùng phát triển.

Do đó, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực, quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết đồng lòng của Nhân dân, việc đưa các Nghị quyết vào thực tế cuộc sống chắc chắn sẽ giúp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vươn lên mạnh mẽ; góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và phát triển bền vững.

Thư Kỳ

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hưng Yên: Khi ý Đảng hợp lòng dân

    (Xây dựng) - Giải phóng mặt bằng phần đất nghĩa địa vốn là công việc khó nhất trong công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 qua xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Thế nhưng bằng cách tuyên truyền, vận động hợp lòng người, nhân dân thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở đã đồng lòng di chuyển mồ mả tổ tiên từ nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới, bàn giao toàn bộ diện tích cho đơn vị thi công trong một thời gian rất ngắn.

  • Bình Dương: Hỏa hoạn lớn ở xưởng pallet gỗ, huy động 7 xe chữa cháy dập lửa

    7 xe chữa cháy, 1 xe Robot, 1 xe chỉ huy, 47 cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực khống chế đám cháy lớn tại xưởng pallet gỗ ngoài trời rộng khoảng 400m2 thuộc Công ty TNHH MTV Minh Thành Trung.

  • Như hoa xương rồng

    (Xây dựng) – Nếu không có tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương, hẳn những thế hệ thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ ngày ấy không bao giờ làm được những điều diệu kỳ đến thế. Dành cả cuộc đời để tận hiến, những nữ thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ giống như những bông hoa xương rồng luôn khoe sắc rực rỡ, dù thời tiết có khắc nghiệt, đất cằn, nắng cháy…

  • Hạ Long: Rút ngắn khoảng cách vùng cao với thành thị

    (Xây dựng) - Khu vực vùng núi của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gọi là vùng rừng Hoành Bồ hiện có 12 xã, số đông là người thiểu số. Các xã đang sôi nổi hưởng ứng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 78-NQ/TU của Thành ủy ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Đồng bào rẻo cao phấn khởi gọi là Nghị quyết rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các xã vùng cao với thành thị.

  • Lộc Hà (Hà Tĩnh): Hỗ trợ xây mới 1.054 ngôi nhà cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn

    (Xây dựng) - Chương trình hỗ trợ sửa chữa xây dựng nhà ở cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua đã đem lại ý nghĩa thiết thực, giúp người dân thuộc diện khó khăn trên địa bàn huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) sớm ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

  • Chính quyền thành phố Okayama thăm Cảng quốc tế Long An

    (Xây dựng) - Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại tỉnh Long An, Đoàn công tác chính quyền thành phố Okayama (Nhật Bản) đã đến thăm Cảng quốc tế Long An do Dongtam Group đầu tư. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác và giao lưu giữa hai địa phương.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load