(Xây dựng) – Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã thực hiện một nghiên cứu chỉ ra tác động của nhiệt điện than tới chất lượng không khí, sức khỏe con người và đề xuất các giải pháp phát triển năng lượng hợp lý để giảm ô nhiễm không khí cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiệt điện than vẫn là thành phần chính trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. |
Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xuất bản báo cáo “Ô nhiễm không khí xung quanh: đánh giá toàn cầu về phơi nhiễm và gánh nặng bệnh tật”, trình bày kết quả cập nhật về tỷ lệ tử vong và mắc bệnh do ô nhiễm không khí tại các vùng lãnh thổ, các quốc gia.
Mặt khác, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng tiến hành nhiều nghiên cứu làm rõ mức độ ô nhiễm không khí và ước tính tử vong, tổn hại kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Kết quả những nghiên cứu này đều khẳng định, ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Trong đó, nhiệt điện than là một nguồn gây tác động đáng kể tới chất lượng không khí.
Từ năm 2018 đến năm 2020, GreenID đã phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của nhiệt điện than tới chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng. Kết quả cho thấy, sự thay đổi công suất nhiệt điện than sẽ có tác động lớn tới lượng phát thải và nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí.
Cụ thể, quá trình đốt than sẽ sản sinh ra nhiều khí độc hại với môi trường như CO2 (chất gây hiệu ứng nhà kính), tro bụi (bao gồm bụi mịn PM2.5 có tác động xấu tới sức khỏe con người), khí SO2 (tác nhân gây mưa axit và tạo bụi PM2.5 thứ sinh), khí NOx, khí CO, tro xỉ…
Tổng số ca tử vong sớm do nhiệt điện than gây ra tại Việt Nam vào năm 2017 ước tính khoảng 4.359 ca. |
Nhưng hiện nay, nhiệt điện than vẫn là thành phần chính trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Trong quy hoạch ngành Điện tới năm 2030, công suất dự kiến của nhiệt điện than tăng từ khoảng 18.500 MW vào cuối năm 2018 lên khoảng 55.300 MW vào năm 2030. Dù Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm kiểm soát phát thải của các nhà máy nhiệt điện than nhưng vẫn không thể tránh khỏi tác động tới môi trường.
Nghiên cứu của GreenID cho biết, sự thay đổi công suất nhiệt điện than sẽ có tác động lớn tới lượng phát thải và nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí. Với kế hoạch phát triển nhiệt điện than tới năm 2030 theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, lượng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí (SO2, NOx, tro bụi…) sẽ tăng lên khoảng 4 – 4,7 lần so với các nhà máy đang vận hành năm 2017. Nồng độ PM2.5 trung bình năm theo trọng số dân số cũng tăng khoảng 4 lần.
Trong hoàn cảnh này, việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và kết hợp với việc sử dụng năng lượng tái tạo (kịch bản EE&RE) để giảm nhiệt điện than sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí. Nếu làm theo kịch bản EE&RE, lượng phát thải SO2, NOx và tro bụi sẽ giảm khoảng 40 – 45% so với kịch bản Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Nồng độ PM2.5 trung bình năm theo trọng số dân số của kịch bản này cũng thấp hơn 15% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ngoài ra, GreenID cũng đánh giá việc thắt chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn phát thải là giải pháp căn cơ để mang lại hiệu quả cải thiện chất lượng không khí đáng kể, giúp giảm 78 – 95% lượng phát thải SO2, NOx, tro bụi và 85% nồng độ PM2.5 trung bình năm theo trọng số dân số vào năm 2030 so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Về tác động tới sức khỏe, tổng số ca tử vong sớm do nhiệt điện than gây ra vào năm 2017 ước tính khoảng 4.359 ca. Ở kịch bản Quy hoạch điện VII điều chỉnh, số ca tử vong sớm tăng lên khoảng 6,5 lần (28.136 ca). Với kịch bản EE&RE, số ca tử vong sớm giảm 20% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, còn khoảng 22.761 ca. Nếu áp dụng thêm biện pháp thắt chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn phát thải, con số này có thể giảm tới 80% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, còn khoảng 4.404 ca, chỉ cao hơn một chút so với năm 2017.
So sánh giữa các vùng địa lý, đồng bằng sông Hồng là khu vực có nồng độ PM2.5 do nhiệt điện than gây ra ở mức cao nhất và cũng là vùng có số ca tử vong sớm cao nhất. Tây Nguyên là khu vực có nồng độ ở mức thấp nhất.
Nghiên cứu cũng cho thấy, 10 tỉnh, thành phố chịu tác động sức khỏe lớn nhất bởi các nhà nhiệt điện than đang vận hành và sẽ xây dựng trong tương lai gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, và Hưng Yên (sắp xếp theo thứ tự mức tử vong sớm từ cao nhất tới thấp nhất). Từ những kết quả nghiên cứu trên đây, GreenID đưa ra 2 kiến nghị với Bộ Công Thương và 2 kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo để giảm nhiệt điện than sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam. |
Đối với Bộ Công Thương, GreenID đề nghị bổ sung đánh giá về tác động ô nhiễm không khí, đặc biệt là phát thải bụi mịn PM2.5 và các chất tiền thân của PM2.5, từ đó tính toán gánh nặng bệnh tật, tử vong sớm để có thêm cơ sở đưa ra quyết định về lựa chọn các nguồn năng lượng trong tương lai, trước mắt là Quy hoạch điện VIII.
Bộ Công Thương cũng nên có những chính sách ưu tiên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả kết hợp với năng lượng tái tạo để thay thế gần 30.000 MW điện than chưa xây dựng. Điều này cũng phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, GreenID đề nghị nâng cấp các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải liên quan tới nhiệt điện than tiệm cận quốc tế, tham khảo kinh nghiệm của các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu… Bộ cũng nên tham khảo hướng dẫn của WHO về giới hạn cho phép các chất ô nhiễm không khí trong môi trường để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ nên công bố số liệu phát thải của các nhà máy theo thời gian thực và hàng năm. Điều này sẽ hỗ trợ công tác đánh giá tác động tới môi trường và sức khỏe được chính xác hơn, đồng thời cũng giúp tăng cường công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước, tăng tính thực thi các quy định về bảo vệ môi trường của các nhà máy.
Dịch Phong - Ảnh: Internet
Theo