Theo dõi số liệu nhập khẩu thép hợp kim của nước ta trong những năm gần đây, Hiệp hội Thép Việt Nam thấy có một số dấu hiệu bất thường.
Theo Hiệp hội thép, năm 2008, số thép hợp kim nhập khẩu mới chỉ là 302,8 nghìn tấn với mức giá 1.110 USD/tấn. Nhưng đến 8 tháng năm 2014 đã tăng vọt lên mức 2,68 triệu tấn với mức giá giảm gần một nửa, còn 603 USD/tấn.
Hiệp hội Thép cho rằng: Số lượng thép nhập khẩu có sự tăng vọt, đặc biệt từ năm 2011 đến nay với tốc độ ngày càng gia tăng và vượt quá rất nhiều nhu cầu thực của nền kinh tế. Mặt khác, dù là thép hợp kim nhưng giá cả chỉ ngang với giá thép cacbon xây dựng thông thường.
Từ tháng 6/2014, Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu có hiệu lực, Hiệp hội Thép đã hy vọng lượng thép hợp kim nhập khẩu sẽ giảm và trở lại với nhu cầu thực tế của thị trường. Trái lại, lượng thép hợp kim nhập khẩu không những không giảm mà còn tăng mạnh.
Cụ thể số lượng thép hợp kim nhập khẩu trong các tháng 6, 7 và 8/2014 lần lượt là 98,6 nghìn tấn, 392 nghìn tấn và 456,6 nghìn tấn.
“Thông tư 44 chưa được thực thi một cách hiệu quả” - Hiệp hội Thép đánh giá.
Vì vậy, mới đây, Hiệp hội Thép đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ Tài chính đề nghị có biện pháp kiểm tra và hậu kiểm hữu hiệu để thực hiện nghiêm chỉnh Thông tư 44, nhất là đối với thép hợp kim chứa Bo, nhằm ngăn chặn hiện tượng gian lận thương mại làm thiệt hại đến các nhà sản xuất thép trong nước và thất thu tiền thuế của Nhà nước.
Thông tư 44 quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu thép phải công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa trong hợp đồng nhập khẩu. Việc kiểm tra chất lượng thép được thực hiện theo hình thức kiểm tra tại nguồn (nước xuất khẩu) hoặc đánh giá sự phù hợp theo lô hàng hóa.
Theo Hải quan
Theo