(Xây dựng) – Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng Tư lệnh, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12) cho biết, trong tình trạng bão giá vật liệu xây dựng thời gian qua, các nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “càng làm nhiều, càng lỗ nhiều”.
Đồng thời, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cũng cho rằng, để bảo vệ được quyền lợi của nhà thầu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng cần có kiến nghị khẩn cấp đến Chính phủ và Quốc hội để giữ lại thương hiệu Tổng Công ty, doanh nghiệp Nhà nước mạnh về lĩnh vực xây dựng.
Đại hội lần thứ V của Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng bàn đến nhiều nội dung khó khăn của doanh nghiệp ngành Xây dựng trong điều kiện dịch bệnh Covid và giá vật liệu xây dựng tăng cao. |
Mất thương hiệu nhà thầu xây dựng Việt
Trong Đại hội Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), khóa V, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa diễn ra ngày 30/3/2022 tại Hà Nội, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho rằng, nếu không có cơ chế, hành động sớm bảo vệ nhà thầu, chỉ trong 5-6 năm nữa, các thương hiệu xây dựng đầu đàn trong nước như Tổng Công ty Sông Đà, Licogi, LiLima... sẽ tụt hậu về năng lực tài chính, năng lực thi công, công nghệ quản lý và dẫn đến tình trạng bị mất thương hiệu nhà thầu xây dựng Việt.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Newtecons, Phó Chủ tịch VACC nêu thực trạng, hiện nhà thầu xây dựng bị các chủ đầu tư lợi dụng nhà thầu xây dựng cho họ, bắt nhà thầu lấy nhà đất bán đi mới lấy tiền được từ họ. Nhà thầu xây dựng phải nhìn mặt nhân viên chủ đầu tư, quỵ luỵ đơn vị tư vấn giám sát. Không còn cách nào khác là nhà thầu xây dựng phải vươn lên và thay đổi. Văn hóa doanh nghiệp xây dựng phải đủ tầm, đủ văn hóa để đàm phán với chủ đầu tư và các nhà thầu phải bắt tay nhau, chia sẻ với nhau. Phải cùng nhau thống nhất và kiến nghị với chủ đầu tư không trả tiền thì nhà thầu đồng loạt không tham gia. Chủ đầu tư gây khó dễ phải có đội luật sư làm việc.
Biên độ lợi nhuận giảm
Ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Tổng Giám đốc Nhà thầu xây dựng Delta cho biết, nhìn chung biên độ lợi nhuận trong các năm gần đây đối với nhà thầu xây dựng rất thấp và có xu hướng giảm dần. Nếu bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, giá nguyên vật liệu biến động lớn thì hầu như không còn lợi nhuận.
Mặt khác, ông Hoàng Ngọc Tú cho rằng, quy định của Nhà nước trong quản lý vốn đầu tư công và tư nhân đang được áp dụng trên cùng khung pháp lý như nhau. Nhưng để linh hoạt và chủ động thì cần có điều chỉnh để phù hợp hơn và tạo tính chủ động, hiệu quả đặc biệt với các dự án vốn tư nhân. Bên cạnh đó, cần có thẩm định về sức khỏe tài chính của chủ đầu tư phải được đảm bảo bằng quy định chặt chẽ hơn, giám sát chấp hành tuyệt đối hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước trước khi cấp phép xây dựng và trong quá trình triển khai để dự án về đích đúng hạn. Đồng thời, các bên phải quyết liệt trong công tác giảm nợ đọng trong xây dựng bằng các hình thức mạnh, tránh tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng vốn của nhà thầu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Theo tổng hợp, nước ta có 3,8 triệu lao động trong ngành Xây dựng, trong đó 1,9 triệu - 2 triệu là tự do, còn lại đi vào doanh nghiệp khoảng 1,7-1,8 triệu người có công việc ổn định, thường xuyên. Dịch Covid vừa rồi rất khó khăn, lao động nghề nghiệp phải về quê, lao động tự do không có việc làm, con số này trong ngành Xây dựng, chưa có đánh giá chính xác.
Tuy đóng góp lớn trong tạo công ăn việc làm cho người dân, nhưng tính chi phí, kết cấu giá thành hiện nay thì các nhà thầu không có tích lũy. Nhà thầu yếu khoa học công nghệ, gần như đều đi thuê thiết bị. Trong nước không chế tạo, không nghiên cứu được, toàn bộ hệ thống công nghệ cho hạ tầng kỹ thuật phần ngầm còn yếu, dù đạt những thành tựu ngành Xây dựng rất lớn trong giai đoạn vừa qua, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ so với sự phát triển của thế giới.
Theo Thứ trưởng Bùi Hồng Minh, Vành đai 3, 4 Hà Nội trong thời gian qua đã mở ra không gian cho đô thị, nếu không tập trung hạ tầng kỹ thuật của các đô thị sẽ gặp nhiều khó khăn, từ đó có thể thấy tích lũy đến từ rất nhiều vấn đề chứ không phải chi phí trong xây dựng. Sự cạnh tranh của các thành viên hiệp hội cũng là vấn đề, cho nên trong cấu trúc VACC làm sao bố trí được các doanh nghiệp giảm sự cạnh tranh nội bộ với nhau, tập trung vào đầu tư khoa học công nghệ, đầu tư sức mạnh theo từng nhóm, thì mới phát triển không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Nhiều chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của nhà thầu xây dựng và tình trạng nợ đọng kéo dài. |
“Đại diện Bộ Xây dựng khi nhận nhiệm vụ này rất sẵn sàng, lắng nghe Hiệp hội và các doanh nghiệp về thể chế, cơ chế, chính sách làm sao cho minh bạch, thúc đẩy phát triển xã hội làm sao cho đội ngũ phát triển mạnh hơn. Trước đây, có những thời điểm ứng cho nhà thầu 50% và vừa rồi đã điều chỉnh 30% nếu chúng ta tổng hợp được thực tiễn thì chúng ta sẽ cùng làm việc với nhau để kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để sửa nếu có. Chúng tôi hết sức cầu thị, lắng nghe, làm việc hết sức nghiêm túc trên cơ sở đánh giá thực tiễn, khoa học, lý luận để có cơ chế, thể chế giúp doanh nghiệp mạnh hơn” – Thứ trưởng Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam đóng vai trò phân cấp và đánh giá phân loại các chủ đầu tư và nhà thầu. Có những dự báo kịp thời thông tin, dự báo từ các nguồn thông tin chính thống, các vấn đề liên quan đến ngành Xây dựng. Đồng nhất nội dung thông tin giúp các nhà thầu có đường hướng rõ ràng trong hoàn cảnh tình hình thế giới và khu vực phức tạp. |
Ninh Nhi
Theo