(Xây dựng) - Dù Bộ Giao thông Vận tải đã công bố danh sách 43 nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu khi tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và yêu cầu các chủ đầu tư phải có biện pháp xử lý nhà thầu theo đúng quy định nhưng thực tế vẫn có nhiều dự án do các nhà thầu trên thi công vẫn còn dang dở, chậm tiến độ dù đã được gia hạn vài lần… Có những doanh nghiệp bị “bêu tên” trong công bố nhưng vẫn tham gia đấu thầu tại các dự án lớn.
Công ty CP Việt Ren có đến 10 gói thầu không đáp ứng yêu cầu
Thi công đối phó
Theo khảo sát của phóng viên trong danh sách công bố 43 nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu có nhà thầu có đến 113 số lượng gói thầu thực hiện không đáp ứng yêu cầu như Công ty CP Xây dựng & Thương mại 229, Công ty CP Việt Ren 10 gói, công ty TNHH MTV 470 có 6 gói, Tập đoàn xây dựng Miền Trung 6 gói…
Có một thực tế hiên nay là rất nhiều gói thầu đang chậm tiến độ, thậm chí có những gói thầu đã gia hạn đến vài lần nhưng tình trạng chậm tiến độ vẫn không được cải thiện, thậm chí có những dự án đã được ứng đủ vốn nhưng vẫn chậm tiến độ. Điển hình, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra dự án nâng cấp cửa sông Ninh Cơ (Cửa Lạch Giang- Nam Định) thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã yêu cầu thay ngay nhà thầu thi công để công trình này chậm tiến độ. Theo Tổng giám đốc Ban quản lý các dự án đường thủy nội địa phía Bắc Lê Huy Thăng, tất cả các gói thầu của dự án này đều đang chậm tiến độ. Thậm chí, nhiều hạng mục mới đạt khối lượng 16- 24%.
Nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ hầu hết là do nhà thầu này chưa hề có kinh nghiệm thi công công trình nên năng lực không đáp ứng yêu cầu. Tình trạng phải thay nhà thầu đã diễn ra đối với nhiều công trình giao thông, thậm chí có những dự án đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng phải ra quyết định thay nhà thầu như dự án đê chắn sóng ở Dung Quất (Quảng Ngãi) trước đây do Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô không làm nổi đã phải thay ngay nhà thầu Hà Lan mới đáp ứng được yêu cầu.
Theo kết luận của Thanh tra Bộ GTVT, hàng loạt nhà thầu thi công các công trình giao thông đã bị cấm đấu thầu, không được xem xét chỉ định thầu. Đáng chú ý, trong danh sách “đen” này có cả những “tên tuổi” như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hà Nội số 44, Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Xây dựng Vinashin, Công ty TNHH Xây dựng giao thông Hoàng Mai, Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng thương mại Mekong miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng công trình 747…
Hiện nay Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo quy định xếp hạng toàn diện năng lực nhà thầu. Kết quả đánh giá, xếp hạng năng lực sẽ là cơ sở để Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giao thông tham khảo trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, kết quả xếp hạng năng lực là cơ sở để nhà thầu đưa ra những biện pháp kịp thời điều chỉnh, khắc phục thiếu sót, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia các dự án giao thông. Việc đánh giá và xếp hạng năng lực nhà thầu cũng sẽ hướng tới cả các nhà thầu nước ngoài tham gia với tư cách độc lập hoặc liên doanh trong các dự án giao thông.
Phải kiên quyết loại bỏ
Dư luận bức xúc bởi có quá nhiều nhà thầu không đủ năng lực vẫn đang trúng các gói thầu mới, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh cho rằng, thực tế này xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo của không ít chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn giám sát. Tình trạng này đã tạo kẽ hở cho nhiều nhà thầu dù không có năng lực thực sự về kỹ thuật, tài chính, nhưng vẫn tìm mọi cách tham gia đấu thầu, trúng thầu giá thấp rồi lại “bán” dự án cho nhà thầu khác.
Cùng với việc áp dụng Luật Đấu thầu mới và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 vào thực tế, Bộ GTVT đang thực hiện quyết liệt việc công khai danh sách nhà thầu kém sẽ xử lý triệt để tình trạng này. Theo đó, tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật của các nhà thầu sẽ được ưu tiên khi lựa chọn nhà thầu, sau đó mới xét đến các tiêu chuẩn về tài chính. Điều này được cho là thay đổi bước ngoặt, nhằm khắc phục tình trạng trên.
Tiêu chí đánh giá khá rõ ràng, doanh nghiệp không đạt cũng đã rõ nhưng dường như việc công bố công khai danh tính các đơn vị yếu kém này trên các phương tiện truyền thông vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Phê bình mà không công khai, liệu các gói thầu mới có không lặp lại câu chuyện chậm trễ, kém chất lượng? Tập đoàn xây dựng Miền Trung (Thanh Hóa) là đơn vị bị “bêu” tên trong danh sách đen nhưng có lẽ do Bộ giao thông không công bố rộng rãi nên đơn vị này vẫn tham gia đấu thầu, trúng thầu nhiều dự án hàng trăm tỉ đồng gây bức xúc trong dư luận về tính nghiêm minh của công tác thanh tra, kết luận.
Một điểm đáng lưu ý nữa trong công bố 43 nhà thầu xây lắp chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ giao thông vận tải có khá nhiều đơn vị đang thi công những gói thầu lớn, đến 1/3 doanh nghiệp không xác minh được trụ sở hoạt động. Tại sao những doanh nghiệp xây lắp không đáp ứng yêu cầu vẫn có thể thi công gói thầu lớn? Doanh nghiệp không có trụ sở rõ ràng lại có thể trúng những gói thầu quan trọng như vậy?
Thanh Thanh
Theo