(Xây dựng) – Mới đây, Công ty Cổ phần văn hoá và truyền thông Nhã Nam đã cho ra mắt độc giả hai tác phẩm: “Tiểu thuyết 2666” và “Người máy có mơ về cừu điện không?”. Đây là hai tác phẩm này đã được độc giả đón chờ trong thời gian dài.
Tiểu thuyết 2666 là một trong những tác phẩm được độc giả chờ đợi. |
Tiểu thuyết 2666 là một trong số ít những cuốn tiểu thuyết được một bộ phận độc giả văn chương sành sỏi háo hức mong đợi. Roberto Bolaño (1953 – 2003) là nhà văn kiệt xuất người Chile, tác giả nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận văn chương. Thời báo New York gọi Bolaño là “tiếng nói văn chương Mỹ Latin quan trọng nhất trong thế hệ của ông”. Nổi bật nhất trong di sản đó là dự án khổng lồ mang tên 2666. Tiểu thuyết lọt vào danh sách 10 cuốn sách hay nhất 2008 của The New York Times Book Review, trở thành Tiểu thuyết hay nhất 2018 do Time bình chọn. Và sau hơn một thập kỷ, sức nóng của 2666 dường như vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt.
Cuốn tiểu thuyết có bố cục gồm năm phần và trọn vẹn như năm tiểu thuyết riêng biệt. Ở đó có bốn người châu Âu nghiên cứu văn chương. Một giáo sư đại học ở Mexico. Một nhà báo Mỹ đưa tin về một trận quyền Anh. Một nhà văn Đức kiệt xuất, ẩn dật, từng là lính Quốc xã. Cảnh sát, nhiều cảnh sát. Gái điếm. Và nhiều, rất nhiều câu chuyện riêng tư thoạt nhìn chẳng liên quan đến nhau. Nhưng rồi, đọc kỹ, ta sẽ thấy rằng tất cả các câu chuyện đó, giống như những thế giới rất khác nhau, chồng lớp lên nhau, thảy đều xoay quanh một lỗ đen khổng lồ, hắc ám: Santa Teresa – thành phố bên rìa sa mạc phía Bắc Mexico, giáp giới nước Mỹ. Một thành phố lớn, đầy sức sống. Một thành phố lớn, nơi hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào.
2666 là một nhan đề vĩnh viễn bí ẩn. Con số 2666, thật ra là một niên đại, đóng vai trò như một điểm ảo mà các phần khác nhau của cuốn tiểu thuyết đều xoay quanh. Nếu không có điểm ảo này, phối cảnh của cái toàn thể sẽ trở nên chông chênh, bất toàn, treo lơ lửng giữa hư không. Có thể nhận thấy ý tưởng và kết cấu cho cuốn tiểu thuyết để đời này vốn đã nhen nhóm trong vài cuốn sách khác của Roberto Bolaño. Đúng là, có một ma lực khó cưỡng bao quanh 2666, khiến nó trở thành “một cuốn sách phong phú và chói sáng đến độ chắc chắn sẽ thu hút người đọc và giới học giả suốt nhiều đời sau”.
Philip K. Dick (1928-1982) là tác giả của 44 tiểu thuyết và hơn 100 truyện ngắn, giành giải Hugo và John W. Campbell cùng 4 lần đề cử giải Nebula, nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh và phim truyền hình. Ông là nhà văn khoa học viễn tưởng đầu tiên được đưa vào tủ sách danh giá Library of America. Tác phầm “Người máy có mơ về cừu điện không?” kể câu chuyện đặc trưng của ông xoay quanh một nhân vật “người đương thời”, “người bình thường”, một nhân viên văn phòng sống cuộc đời buồn tẻ, nhưng bỗng thấy mình phải giáp mặt với những câu hỏi lớn về sự tồn tại của bản tính con người. Trên nền cốt truyện ly kỳ hấp dẫn dần mở ra một câu chuyện nhân sinh giàu triết lý và phảng phất màu tôn giáo. Khi “thấu cảm” là ranh giới mong manh duy nhất giữa người và máy, liệu ta có lỡ chân bước sang bên kẻ khác trong cuộc đấu tranh quyết liệt để sinh tồn?
Một cá tính bão táp, một sức sáng tạo mãnh liệt, một đời sống chật vật tới lúc chết vẫn không thoát khỏi đói nghèo, cùng thói nghiện thuốc gây ảo giác và những trải nghiệm siêu nhiên đã tạo cho tác phẩm của Dick một thế giới và thế giới quan pha trộn giữa thực tế trần trụi và kỳ bí vào bậc nhất. “Người máy có mơ về cừu điện không?” là điểm khởi đầu thích hợp để bước vào khám phá nhà văn được giới phê bình và người hâm mộ mệnh danh “nhà tiên tri”, “triết gia sci-fi”, “Kafka giữa giới truyện ba xu” này.
Mộc Miên
Theo