(Xây dựng) - Người nước ngoài có được đầu tư hoạt động thiết kế nội thất hay không là thắc mắc của bà Nguyễn Đình Vân Ngọc gửi tới Bộ Công Thương nhờ hướng dẫn giải đáp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Nội dung thắc mắc như sau: Bà Nguyễn Đình Vân Ngọc đang hỗ trợ cho một nhà đầu tư quốc tịch Malaysia đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực “thiết kế nội thất” (CPC-89707). Theo bà Ngọc biết, ngành dịch vụ này không được cam kết tại Biểu cam kết của Việt Nam tại WTO, nên nếu nhà đầu tư áp dụng Hiệp định WTO trong hồ sơ đầu tư, việc cấp phép sẽ phải có ý kiến của các Bộ ngành liên quan.
Do đó, bà Ngọc chọn áp dụng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) vì Malaysia và Việt Nam đều là thành viên của Hiệp định này. Trong quá trình nghiên cứu Hiệp định CPTPP, bà Ngọc nhận thấy một số điều sau: Theo Điều 10.5 (Tiếp cận thị trường) và Điều 10.7 (Các biện pháp không tương thích), Việt Nam sẽ không được áp dụng các biện pháp hạn chế việc cung cấp dịch vụ qua biên giới của nhà đầu tư thuộc nước thành viên (ví dụ Malaysia), ngoại trừ các biện pháp hạn chế tại Phụ lục I và II.
Theo Phụ lục I và II, ông Ngọc không thấy có bất kỳ hạn chế cụ thể nào áp dụng đối với dịch vụ “thiết kế nội thất” (CPC-89707).
Tuy nhiên, bà Ngọc nhận thấy Phụ lục II có ghi nhận rằng “Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo Điều XVI của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ của WTO (GATS) và vì mục tiêu của bảo lưu này, Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam theo WTO được điều chỉnh tại Tiểu Phụ lục II.A của Hiệp định CPTPP”. Theo đó, sau khi kiểm tra Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam theo WTO và Tiểu Phụ lục II.A của Hiệp định CPTPP, bà Ngọc cũng không thấy có bất kỳ hạn chế cụ thể nào áp dụng đối với dịch vụ “Thiết kế nội thất” (CPC-89707).
Từ các quy định ở trên, bà Ngọc hiểu rằng theo Hiệp định CPTPP, Việt Nam hoàn toàn mở cửa cho nhà đầu tư (quốc tịch Malaysia) được đầu tư hoạt động “Thiết kế nội thất” tại Việt Nam, bao gồm việc nhà đầu tư thành lập công ty con thuộc sở hữu 100% của mình để cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam. Bà Ngọc hỏi, cách hiểu của bà như trên có phù hợp với tinh thần của Hiệp định CPTPP và pháp luật Việt Nam hay không?
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời như sau:
Theo phân loại của WTO tại tài liệu MTN.GNS/W/120 và tài liệu Hệ thống phân loại sản phẩm trung tâm tạm thời (PCPC 1991) của Liên hợp quốc, dịch vụ “thiết kế nội thất – Interior Design” được phân loại dịch vụ “thiết kế đặc biệt – Special Design services – CPC 87907” (không phải là ngành dịch vụ phân loại mã CPC 87907 như bà Nguyễn Đình Vân Ngọc hỏi).
Trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam trong WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ theo phương thức chọn – cho. Theo đó, đối với dịch vụ “thiết kế đặc biệt” (bao gồm dịch vụ “thiết kế nội thất”), Việt Nam không cam kết. Do đó, Việt Nam có toàn quyền áp dụng các biện pháp quản lý lĩnh vực này đối với các nhà cung cấp dịch vụ đến từ bất kỳ nước thành viên WTO nào.
Đối với Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư theo phương thức chọn – bỏ. Theo đó, đối với lĩnh vực này, các nước CPTPP được quyền đưa ra các biện pháp bảo lưu trái với 4 nghĩa vụ chính của chương Dịch vụ (Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Tiếp cận thị trường, và Hiện diện tại nước sở tại) và 4 nghĩa vụ chính của Chương Đầu tư (Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Yêu cầu thực hiện, và Quản lý nhân sự cấp cao và ban giám đốc) dưới hình thức là một danh mục gọi là “Danh mục các biện pháp bảo lưu không tương thích với nghĩa vụ tài chính của chương Dịch vụ và chương Đầu tư” (danh mục NCM dịch vụ - đầu tư). Ngoài ra, mọi biện pháp quản lý, nếu không có yếu tố phân biệt đối xử, đều được phép duy trì mà không cần phải bảo lưu trong Hiệp định.
Danh mục NCM dịch vụ - đầu tư
Danh mục NCM dịch vụ - đầu tư đều bao gồm 2 Phụ lục:
Phụ lục I: gọi là Phụ lục bảo lưu các biện pháp hiện hành, bao gồm các biện pháp không tương thích với các nghĩa vụ về đầu tư và thương mại dịch vụ được quy định tại các văn bản pháp luật hoặc chính sách hiện hành của một nước thành viên. Đối với các biện pháp được liệt kê trong Phụ lục này, các nước được tiếp tục áp dụng theo đúng nội dung đã được mô tả. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau:
Các nước được quyền sửa đổi nội dung bảo lưu nhưng với điều kiện việc sửa đổi không được kém thuận lợi hơn nội dung đã được bảo lưu trong Phụ lục. Nguyên tắc này gọi là nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng (standstill)”.
Các nước được quyền đơn phương sửa đổi các nội dung đã bảo lưu theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã đưa ra rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi (ratchet)”.
Lưu ý: Trong thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam không phải tuân thủ nguyên tắc ratchet. Đây là linh hoạt mà các nước CPTPP dành riêng cho Việt Nam.
Phụ lục II: gọi là Phụ lục bảo lưu các biện pháp lâu dài, bao gồm các biện pháp không tương thích với các nghĩa vụ về đầu tư và thương mại dịch vụ mà các nước không muốn loại bỏ trong giai đoạn hiện tại và muốn bảo lưu lâu dài. Đối với Phụ lục này, các nước được toàn quyền đưa ra các nội dung trái với các nghĩa vụ chính của Hiệp định hoặc toàn quyền hạn chế nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực được bảo lưu.
Trong Phụ lục I và II của Danh mục NCM này, hiện nay, Việt Nam không đưa ra bảo lưu riêng đối với dịch vụ “thiết kế đặc biệt” (CPC 87907). Tuy nhiên, tại Phụ lục II, Việt Nam có một bảo lưu quét liên quan tới nghĩa vụ Tiếp cận thị trường của Chương 10 – Cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Theo đó, Việt Nam bảo lưu quyền thông qua và duy trì bất kỳ biện pháp nào không trái với Điều 16 – Tiếp cận thị trường đối với một số phân ngành dịch vụ, trong đó không bao gồm dịch vụ thiết kế đặc biệt (CPC 87907), bao gồm dịch vụ thiết kế nội thất.
Do đó, Việt Nam toàn quyền ban hành các biện pháp hạn chế Tiếp cận thị trường đối với dịch vụ này trong tương lai, bao gồm 5 loại như sau: Hạn chế về số lượng nhà cung cấp dịch vụ; Hạn chế về tổng giá trị các giao dịch hoặc tài sản; Hạn chế về tổng số hoạt động dịch vụ hoặc số lượng dịch vụ cung cấp; Hạn chế về số lượng lao động; Hạn chế về hình thức thành lập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong Phụ lục I và II nêu trên, Việt Nam không bảo lưu đối với nghĩa vụ Đối xử quốc gia của Chương 10. Do đó, nếu quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam có cho phép nhà cung cấp dịch vụ trong nước kinh doanh dịch vụ này thì Việt Nam có nghĩa vụ dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, “trong hoàn cảnh tương tự”.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng đến nay, Malaysia là một trong 4 nước CPTPP còn lại chưa hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định này nên Hiệp định này chưa có hiệu lực giữa Việt Nam và Malaysia. Do đó, Việt Nam chưa có nghĩa vụ phải thực hiện cam kết này đối với nhà cung cấp dịch vụ đến từ Malaysia ngay cả trong trường hợp chứng minh được đầy đủ việc quy định pháp luật Việt Nam có cho phép nhà cung cấp dịch vụ trong nước kinh doanh dịch vụ này và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cũng có “hoàn cảnh tương tự” với nhà cung cấp dịch vụ trong nước.
Tuyết Hạnh
Theo