(Xây dựng) - Tình cờ nhận được thông tin từ người dân địa phương chúng tôi đã giành thời gian đến tận nơi xem thực hư thế nào, và khi vừa bước chân đến nơi, chúng tôi hiểu rằng nguồn thông tin là có thật.
Một căn nhà gỗ cũ kỹ hiện ra phía trước mặt, khi vừa bước chân lên bậc thềm nhà, chúng tôi chợt nghe tiếng nói từ góc nhà vọng ra: “Ai hỏi gì đó”. Tiếng cụ già ngồi trong giường cất lên, thì ra cụ đã nhìn thấy chúng tôi khi bước vào sân nhà, chúng tôi chào cụ, cụ không trả lời mà lại hỏi tiếp ai hỏi gì đấy? Hóa ra tai cụ bị điếc nặng nên cụ không trả lời câu hỏi của chúng tôi, tôi giơ tay ra hiệu ý hỏi rằng cụ ăn cơm chưa, cụ hiểu và đáp: “Vừa mới ăn lúc trưa”, và sau đó cụ ngồi yên với vẻ mặt tư lự như đang nghĩ điều gì sâu xa lắm.
Chiếc giường cụ đang ngồi bề bộn chăn, màn, gối và vài thứ đồ dùng khác, có cảm giác lúc nào cũng sẵn những tư thế ấy để cụ sinh hoạt mà chẳng cần được sắp đặt gọn gàng, có lẽ tuổi già là thế - và có lẽ ai già cũng thế, nhất là cụ lại là người đã đi qua một thế kỷ rồi, với cụ gọn gàng mà làm chi, thích thì ngồi, thích thì nằm, mọi thứ chăn, màn, gối cứ sẵn thế mà dùng (chắc là cụ nghĩ vậy).
Người mẹ mà chúng tôi đang nói đến là bà Tạ Thị Nhật, sinh năm 1923, cư trú tại thôn Bình Trà, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Chồng của mẹ là một người nông dân hiền lành, chất phác nhưng đã sớm về với tổ tiên từ năm 1968, vợ chồng mẹ sinh được 8 người con, 4 trai, 4 gái. Bốn người con trai của mẹ đều tham gia quân đội thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, hai người con lớn sau chiến tranh 1975 trở về do thương tích và bệnh tật cũng đã mất, con thứ ba của mẹ đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Tây Ninh năm 1978, chỉ còn lại người anh cả sau khi bị thương trong chiến đấu được phục viên trở về quê thì nay cũng gần 80 tuổi rồi. Bốn người con gái của mẹ được sinh ra và lớn lên như bao cô gái khác trong thôn xóm, nhưng số phận và định mệnh đã không cho họ được tồn tại để chăm sóc hầu hạ mẹ, vào năm 1982, cả ba người cùng lúc vĩnh viễn xa lìa khỏi vòng tay của mẹ khi tuổi họ chỉ vừa từ 18 đến 23 tuổi trong một cơn lũ sông Hồng, chỉ còn một chị lớn nay lấy chồng ở xa do cuộc sống khó khăn chỉ thỉnh thoảng mới về thăm mẹ.
Chúng tôi ngồi nghe người con dâu út của mẹ là bà Phạm Thị Oanh năm nay bà cũng trên 60 tuổi, chồng bà là con út của mẹ sau khi đi bộ đội trở về xây dựng gia đình cùng bà, rồi cũng do thương tích và bệnh tật nên cũng qua đời vào năm trước. Trong căn nhà “xa xưa” cũ kỹ này chỉ còn lại hai người phụ nữ gầy yếu. Bà kể: “Mẹ chồng tôi già nên sức khỏe thay đổi hằng ngày, tai cụ bị điếc không nghe thấy gì cả, lòng cụ luôn trầm tư và có lẽ cụ suy nghĩ về cuộc đời nhiều lắm, cụ còn sống đó nhưng 6 người con của cụ đã về với đất, tôi rất thương cụ và cụ cũng rất thương tôi, ông anh cả nhiều lần ngỏ ý muốn đón cụ về chăm sóc cho phải lẽ nhưng cụ kiên quyết không đi đâu, cụ chỉ muốn sống cùng tôi”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn biết về thu nhập của gia đình như thế nào bà nói: “Mẹ chồng tôi được Nhà nước chợ cấp hàng tháng là 1.624.000 đồng, tôi và mẹ mỗi người được trợ cấp 360.000 đồng tiền người cao tuổi như vậy tổng thu nhập của hai mẹ con mỗi tháng là 2.344.000 đồng, ngoài ra mỗi tháng tôi cũng thu nhập thêm được 200 ngàn đồng từ trồng cây chè và hoa màu. Số tiền này cũng chẳng đủ để ổn định cuộc sống vì ngoài sinh hoạt hằng ngày, tôi còn phải thường xuyên chi tiền khám chữa bệnh, thuốc men cho mẹ. Vừa qua Nhà nước thu hồi đất làm đường, gia đình tôi bị thu hồi 4.000m2 đất ruộng được bồi thường 423 triệu đồng thì phải chi phí xây dựng lại 7 ngôi mộ cho 7 người đã mất đi gần 100 triệu đồng, số còn lại chữa bệnh ung thư phổi cho chồng tôi cũng không đủ và chồng tôi cũng đã mất, thế là ruộng cũng mất mà tiền cũng hết”.
Nhìn căn nhà đã cũ kỹ được làm từ 70 năm về trước, phần mái lập cọ được đè tấm proximăng lên trên có chỗ đã trông thấy trời vì mái hư hỏng, xung quanh nhà những tấm phên đan bằng nứa để che chắn gió mưa đã mục nát phải lấy giấy báo và những miếng bạt tận dụng dán vào mặt trong nhà vừa để trang trí vừa để ngăn gió, ngăn mưa. Phần cột nhà, xà gồ đã hư hỏng do bị mối ăn và thực tế nó đã tồn tại trên dưới 70 năm rồi thì mục nát cũng là điều tất yếu. Chúng tôi hỏi người con dâu của mẹ tại sao không sửa hoặc làm lại nhà, nếu chẳng may gió bão làm đổ thì sao? Bà nói: “Nhà tôi không phải hộ nghèo vì đã có thu nhập do Nhà nước trợ cấp (2.344.000 đồng) rồi nên không được nằm trong diện được Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Tuy vậy cũng đã mấy lần cán bộ xã xuống đặt vấn đề sẽ xem xét, hỗ trợ kinh phí để làm nhà nhưng tôi không dám nhận lời vì số tiền hỗ trợ không đủ để xây dựng, trong khi đó gia đình tôi không có một nguồn kinh phí nào đối ứng cả và cũng không có một thứ tài sản nào có thể bán được nên mẹ con tôi cũng phải như chịu đựng như thế này mà thôi, biết làm sao được”.
Nghe bà nói vậy - chúng tôi nhìn quanh căn nhà, thì có lẽ tài sản quý giá nhất của người mẹ liệt sĩ và đứa con dâu chỉ là cái bàn thờ trên đó có tấm ảnh liệt sĩ và ảnh của chồng bà, không tivi, không xe máy, không tủ lạnh và không rất nhiều thứ mà lẽ ra phải có trong cuộc sống sinh hoạt của mỗi gia đình bình thường…
Cuộc đời của người phụ nữ thọ 100 tuổi với bao mất mát, đau thương cả thể chất lẫn tinh thần, ý chí và sự chịu đựng là vô kể và đó là sự nghiệt ngã của cuộc sống đối với thân phận của người mẹ liệt sĩ, trước những khó khăn và hoàn cảnh hiện hữu mẹ vẫn ngồi đó trầm tư, ánh mắt mẹ đôi lúc nhìn vào đâu đó rất xa thẳm, có lẽ mẹ đang thả hồn mình về với hình ảnh của chồng và các con đã khuất, mẹ ngồi đó không hề có một lời kêu ca oán trách gì, có lẽ mẹ bằng lòng với số phận mà ông trời đã định đoạt cho mình. Người mẹ liệt sĩ đã sống trọn vẹn một thế kỷ rất đáng thương và rất đáng trân trọng, thầm nghĩ nếu đất nước này không có chiến tranh, không có những cơn lũ quái ác chắc là hôm nay mẹ sẽ được sống sum vầy giữa đàn con, đàn cháu và chắc chắn là ngôi nhà mẹ đang ở sẽ khang trang như những gia đình khác.
Đến thăm mẹ, biết được hoàn cảnh của hai người phụ nữ goá bụa đang nương tựa vào nhau để sống, để tồn tại trong những năm tháng cuối cuộc đời, lòng chúng tôi nặng trĩu, là những người thương binh đã từng từng chiến đấu ở chiến trường chúng tôi thấu hiểu nỗi đau và sự khát khao của những người mẹ hậu phương, chiến tranh đã qua đi mấy chục năm rồi sao giờ đây vẫn còn những mảnh đời éo le như thế, vẫn biết rằng chính quyền cơ sở đã có sự quan tâm đến mẹ nhưng quy định trợ cấp làm nhà cho người nghèo của địa phương chỉ ở mức 50 triệu đồng/nhà. Tuy mẹ không được xếp vào diện hộ nghèo nhưng chính quyền cơ sở vẫn có sự quan tâm để giúp đỡ theo mức quy định, nhưng vì không có vốn đối ứng nên gia đình không dám nhận số kinh phí đó vì không có nguồn tiền nào để bù đắp. Theo giá thị trường hiện nay, muốn làm được ngôi nhà cấp 4 bình thường cũng phải mất từ 130 triệu đồng trở lên, và như thế thì dù có còn thọ thêm tuổi nào nữa thì mẹ vẫn phải chấp nhận sinh sống trong căn nhà “xa xưa “đã xuống cấp để thờ chồng, thờ đứa con liệt sĩ của mình ở đó mà thôi.
Yên Bái vốn dĩ là một tỉnh miền núi trung du, điểm xuất phát thấp, đất rộng, người thưa, người dân nơi này làm nhiệm vụ giữ đất, giữ rừng, giữ nguồn nước cho các tỉnh miền xuôi phát triển kinh tế… Mặc dù cấp uỷ, chính quyền địa phương đã không ngừng phấn đấu, lãnh đạo các cấp, các ngành và nhân dân trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và từng bước vượt qua khó khăn, dần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho công cuộc phát triển xã hội. Xong tuy vậy, mọi nguồn lực hiện tại cơ bản vẫn là nguồn trợ cấp phân bổ từ ngân sách Trung ương. Cho đến nay, Yên Bái vẫn còn vài ngàn hộ nghèo đang ở nhà tạm và nằm trong lộ trình xóa nhà tạm của những năm tới.
Hoàn cảnh của người mẹ liệt sĩ 100 tuổi nói trên và các gia đình nghèo ở địa phương rất cần đến sự chung tay góp sức của xã hội, hỗ trợ kinh phí từ các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm và nguồn tài trợ đó là đáng quý hơn bao giờ hết.
Thông qua bài viết này, tác giả kính mong các cơ quan, doanh nghiệp, các tấm lòng nhân ái hãy quan tâm giúp đỡ kinh phí dù ít, dù nhiều từ khả năng của mình để đồng hành cùng với chính quyền địa phương xây dựng căn nhà dù là cấp 4, để đủ che nắng, che mưa cho người mẹ liệt sĩ và người vợ bộ đội goá bụa những năm tháng cuối của cuộc đời. Nếu một vài năm nữa, chẳng may mẹ ra đi, thì ngôi nhà mới sẽ là nơi để thờ cúng liệt sĩ và thờ mẹ được trang trọng. Chắc hẳn linh hồn người con liệt sĩ sẽ an lòng và thanh thản khi biết rằng căn nhà” xa xưa” của mình đã được thay bằng một căn nhà mới từ tấm lòng nhân ái, yêu thương của các nhà tài trợ.
Nguồn kinh phí hỗ trợ từ các nhà hảo tâm xin được gửi về Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Yên Bái, số tài khoản: 8700201006934 Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Yên Bái.
Sơn Lâm
Theo