(Xây dựng) - Cây cầu 110 nằm trên Quốc lộ 14, nối hai tỉnh Đắk Lắk - Gia Lai, được khởi công xây dựng năm 2017, hoàn thành năm 2018. Điều đáng nói từ đó đến nay cây cầu vẫn nằm “phơi nắng” gây lãng phí khi chưa thể đưa vào sử dụng.
Các phương tiện vẫn phải lưu thông trên cầu 110 cũ (bên trái) dù cây cầu 110 mới, xây dựng hoành tráng nhưng bỏ hoang nhiều năm. |
Mỗi người dân có dịp đi ngang qua cây cầu 110 cũ, sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi nằm cạnh cây cầu này là một cây cầu 110 mới được đầu tư xây dựng hoành tráng. Điều khiến ai cũng thắc mắc, là vì lý do gì cây cầu 110 mới lại không được sử dụng để giảm tải, cũng như an toàn cho các phương tiện mà vẫn lưu thông trên cây cầu cũ.
“Nhà tôi ở bên tỉnh Kon Kum, một năm có vài lần đi qua tỉnh Đắk Lắk công tác nhưng mỗi lần đi qua cây cầu 110 cũ, tôi lại suy nghĩ tại sao cây cầu mới to đẹp thế kia lại không đưa vào sử dụng mà cứ đi trên cây cầu cũ? Đã nhiều năm trôi qua mỗi lần đi ngang tôi vẫn thấy cây cầu 110 mới nằm “đắp chiếu” để đấy phơi sương, phơi nắng thật lãng phí vô cùng”, anh Hồ Văn Chiến tâm sự.
Đường dẫn vào cầu 110 (bên phải) phía tỉnh Gia Lai đã được thảm nhựa. |
Trái ngược với bên kia đầu cầu, phía tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa thể thi công đường dẫn do vướng mặt bằng. |
Không chỉ riêng anh Chiến, những người dân đi ngang qua đây khi được hỏi về cây cầu mới đều tỏ ra tiếc nuối, bởi nhìn cây cầu 110 xây mới to đẹp để hoang hóa, xót xa vô cùng. “Chúng tôi bán nước ở đây ngày nào cũng nhìn thấy đoàn xe trọng tải lớn đi qua cây cầu 110 cũ mà xót xa, bởi cây cầu này vừa thấp lại nhỏ hẹp nhưng gánh xe vậy “oằn lưng” cháu ơi. Tôi không hiểu sao cây cầu xây to đẹp, bài bản thế lại bỏ hoang nhiều năm nay. Quá lãng phí!”, ông N.H băn khoăn.
Người dân ví von, cầu 110 mới và 110 cũ như 2 anh em. Tuy nhiên, do người anh lười biếng nên người em vẫn phải “gánh còng lưng”. |
“Chúng tôi người dân không biết sâu xa về nguyên nhân vì sao cây cầu 110 xây xong lại bỏ hoang nhiều năm nay, nhưng người dân mong rằng chính quyền các cấp phải có trách nhiệm vào cuộc để nhanh chóng đưa cây cầu vào sử dụng nhằm đảm bảo cho người dân và các phương tiện tham gia lưu thông qua đây. Để cầu “đắp chiếu” vậy không những lãng phí tiền ngân sách mà còn gây phản cảm cho người dân, bởi cây cầu to đẹp, an toàn để hoen rỉ, trong khi đó phải lưu thông trên cây cầu cũ tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm về tai nạn giao thông”, ông Lê văn Dương tài xế xe tải nói.
Người dân tận dụng phơi nông sản trên đường dẫn vào cầu 110 mới. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cây cầu 110 mới được khởi công xây dựng vào năm 2017, một năm sau đó được hoàn thành phần thi công thân cầu. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng phía xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) nên chưa thể thi công phần đường dẫn đi lên cầu. Lý do không giải phóng được mặt bằng được người dân cho biết, là phía tỉnh Gia Lai người dân được đền bù tiền đất với giá cao hơn, chính vì vậy người dân bên đầu cầu Đắk Lắk không đồng ý nhận bồi thường. Từ đó đến nay, trải qua hơn 5 năm ròng rã cây cầu 110 mới vẫn chưa thể đưa vào sử dụng gây lãng phí.
Được biết, cây cầu 110 mới có chiều dài hơn 110m, nằm song song với cầu 110 cũ, với tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Ngọc Giang
Theo