Trong thời gian chờ chính sách bồi thường và di dời, hàng ngàn hộ dân sống trên và ven kênh, rạch tại TP.HCM vẫn đang sống trong những căn nhà tạm bợ, ô nhiễm.
Sống chung với rác, nước thải
TP.HCM còn bộ phận người dân sinh sống tạm bợ trên các tuyến kênh, rạch. Ban đầu nơi ở của người dân chỉ là nhà sàn trên cọc gỗ, lâu dần hình thành những căn nhà kiên cố hơn.
Theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn có 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch. Tập trung nhiều nhất ở Quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), Quận 7 (hơn 1.700 căn), Quận 4 (1.600 căn)…
Tại khu vực nhà ven Kênh Tẻ, quận 4, hầu hết các căn nhà ven kênh được xây dựng tạm bợ với kết cấu mái và các vách xung quanh chắp vá bằng tôn.
Căn nhà tạm bợ này là nơi sinh sống của 6 người gia đình bà Thảo. |
Trong căn nhà lụp xụp chừng 10m2, bà Thảo (32 tuổi) cho biết, điều kiện sống của gia đình rất khó khăn. Trời mưa thì dột, nắng thì nóng ran người. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có tiền để sửa chữa nhà.
“Bất kể trời mưa hay nắng thì cũng phải sống chung mùi hôi từ rác và nước thải ứ đọng dưới kênh bốc lên. Căn nhà chỉ 10m2 này là nơi sinh sống của 6 người trong gia đình tôi. Mong thành phố sớm có chính sách để gia đình được di dời đi nơi khác, các cháu có điều kiện đến trường”, bà Thảo nói.
Căn nhà chật chội, ẩm thấp ven rạch Văn Thánh của gia đình bà Liễu. |
Sống tại căn nhà ẩm thấp trên rạch Văn Thánh, trục đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh gần 20 năm, bà My (39 tuổi) cho hay, vì dựng tạm bợ nên căn nhà nhiều lần xuống cấp, gia đình bà phải dùng ván chắp vá. Mùa mưa nước ngập vào nhà
“Nhiều năm qua tôi cứ nghe nói chính quyền sẽ có chính sách giải toả cho các hộ dân sống ven rạch khu vực này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Gia đình mong sớm được di dời để cuộc sống tốt hơn, chứ nhà này chỉ sống tạm thôi chứ không ở lâu dài được”, bà My chia sẻ.
Sàn nhà là những tấm ván mục nát ghép lại, có thể sập bất cứ lúc nào. |
Hầu hết các hộ dân có nhà ven kênh, rạch là lao động nghèo, thu nhập thấp, như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (51 tuổi). 5 người cư ngụ trong căn nhà chật chội trên rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh từ năm 1992 đến nay. Nền nhà là những tấm ván ghép lại, nhiều chỗ mục nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Gia đình có hai người là lao động chính nhưng công việc bấp bênh.
Chưa đạt kế hoạch
Tại quận Bình Thạnh, ngoài rạch Văn Thánh còn có rạch Xuyên Tâm (phường 15), rạch Bùi Hữu Nghĩa là các tuyến rạch ô nhiễm nặng, có vai trò giải quyết ngập úng, khơi thông dòng chảy và tiêu thoát nước trên địa bàn. Cùng với rạch Hàng Bàng (Quận 5 - Quận 6) giai đoạn 2 – 3 và rạch Bàu Trâu (quận Tân Phú – Quận 6), đây là những tuyến rạch được UBND TP.HCM dự kiến sẽ giải toả 13.350 căn nhà.
Giai đoạn 3 dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM, dự kiến sẽ giải toả 7.031 căn nhà trên toàn tuyến Kênh Đôi – Kênh Tẻ thuộc các quận 4, 7 và 8. Các tuyến kênh rạch đang thực hiện bồi thường 304 căn nhà có tuyến Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, cù lao Nguyễn Kiệu, công viên Hồ Khánh Hội giai đoạn 3 -4…
Tính đến cuối năm 2019, TP.HCM chỉ mới di dời được 2.467 căn nhà trên và ven kênh, rạch. |
Để thực hiện di dời 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch nói trên, UBND TP.HCM có kế hoạch triển khai 61 dự án. Trong đó, 52 dự án thực hiện bằng vốn ngân sách, 6 dự án theo hình thức đối tác công tư PPP và 3 dự án xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị.
Trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2019, tổng số căn nhà đã bồi thường và di dời chỉ đạt 2.467 căn, tương ứng 12,34% so với kế hoạch. Dự kiến, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM sẽ bồi thường và di dời được 7.231. căn nhà, tỷ lệ 36,2%.
Công tác bồi thường, di dời nhà trên và ven kênh, rạch tại TP.HCM chưa đạt như kế hoạch vì nhiều lý do. |
Theo UBND TP.HCM, kết quả di dời nhà trên và ven kênh, rạch trên địa bàn chưa đạt như kỳ vọng vì nhiều nguyên nhân, như cơ chế, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn vướng mắc khi áp dụng; chưa tạo được sự đồng thuận của người dân. Công tác lập chủ trương đầu tư công, phê duyệt dự án, phương án bồi thường… còn kéo dài.
Chưa có quy định riêng, đặc thù trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng cho các trường hợp thực hiện dự án chỉnh trang đô thị. Nguồn vốn dành cho chương trình chưa tương xứng với nhu cầu.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn cho rằng, các dự án di dời nhà trên và ven kênh, rạch chưa thu hút được nhà đầu tư vì thiếu tính khả thi và hiệu quả. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quỹ đất thanh toán, nguồn nhà và đất tái định cư…
Theo Phúc Nguyễn - Tiến Dương/Vietnamnet.vn