Ngôi nhà 4 tầng của bà Nguyễn Thị Bích bị xô nghiêng, trần nhà nứt, rạn nhiều chỗ cùng thời điểm công trình metro Nhổn-ga Hà Nội thi công ngầm nhà ga S9 Kim Mã.
Chỉ cách công trường thi công dự án tuyến đường metro Nhổn - ga Hà Nội khoảng 3m, ngôi nhà 4 tầng của bà Bích (số 431 Kim Mã, Hà Nội) bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy những vết nứt tại những vị trí chịu lực.
Ga S9 Kim Mã là ga đầu tiên của tuyến đường sắt metro Nhổn-ga Hà Nội bắt đầu đi ngầm.
Bà Nguyễn Thị Bích chỉ rõ nhiều vị trí bị nứt vỡ trong ngôi nhà của mình.
Tầng hầm ngôi nhà 431 Kim Mã bị nứt toác tại vị trí chịu lực. Theo bà Bích, sau khi có phản ảnh về hiện tượng lún, nứt tại những ngôi nhà nằm sát công trình ngầm nhà ga S9 Kim Mã, nhiều chuyên gia thuộc dự án đã đến đây đo độ rung chấn, khảo sát hiện trạng ngôi nhà.
“Dự án triển khai, gây tiếng ồn lớn, thường xuyên rào chắn quây tôn đã ảnh hưởng đến công việc kinh doanh, nhưng phần lớn người dân chúng tôi vẫn rất ủng hộ dự án. Vấn đề người dân lo lắng nhất hiện nay là tình trạng hư hỏng về thiết kế, kết cấu của ngôi nhà chạy dọc theo tuyến phố Kim Mã. Đối với gia đình nào mà nhà ở bị hư hỏng nặng thì phải có phương án sớm đền bù để làm sao cho hợp tình hợp lý" - bà Bích cho hay.
Sinh sống lâu năm tại số nhà 26 phố Quốc Tử Giám, nơi đang thi công nhà ga S11 dự án tuyến đường sắt metro Nhổn - ga Hà Nội, ông Vũ Ngọc Tiến (SN 1956) nói: “Ban quản lý dự án đã nhiều lần cử người đến kiểm tra, đặt thiết bị đo tại các nhà dân dọc tuyến phố trong đó có nhà tôi".
Thiết bị đo độ lún được đặt tại nhà ông Tiến và nhiều hộ dân trên phố Quốc Tử Giám.
Tại điểm nhà S11 của dự án có các công trình văn hóa cấp quốc gia là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Văn, nên việc thi công cần được giám sát nghiêm ngặt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ dân trên phố Kim Mã, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có kiến nghị lên chính quyền cơ sở, mong muốn ban quản lý dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đảm bảo an toàn cho cư dân trong quán trình thi công, hoặc bố trí chỗ ở mới tương xứng.
Trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, Phó trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội - ông Lê Trung Hiếu - cho biết, trước khi đào hầm, nhà thầu đã phân tích vùng ảnh hưởng khi thiết kế để tiến hành khảo sát "điều kiện tình trạng tòa nhà" cho toàn bộ nhà nằm trong vùng ảnh hưởng.
Dựa trên báo cáo, nhà thầu thiết kế lắp đặt các thiết bị quan trắc cho các tòa nhà và mặt đất, bao gồm: Quan trắc lún, nghiêng, khe nứt (nếu có), mực nước ngầm... Các thiết bị này sẽ được lắp đặt trước khi thi công và sẽ được quan trắc trong suốt quá trình thi công nhằm cảnh báo bất thường (nếu có).
Trường hợp quan trắc có bất thường, nhà thầu sẽ phân tích nguyên nhân, đánh giá mức độ nguy hiểm... và căn cứ vào kết quả đó để có phương án cho công tác thi công tiếp tục hoặc dừng lại để xử lý vấn đề.
Theo NHÓM PV/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-lo-lang-khi-duong-sat-nhon-ga-ha-noi-bat-dau-dao-ham-900342.ldo