Các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội là bước chuyển động mạnh mẽ của giao thông Hà Nội, ngày càng chiếm được niềm tin và thu hút đi lại người dân.
Đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã vận hành khai thác đoạn trên cao từ ngày 8/8/2024. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Thành phố Hà Nội đã đưa vào khai thác 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn-Ga Hà Nội đã thu hút được rất đông người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại.
Theo nhận định của các chuyên gia, đường sắt đô thị là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sẽ là “xương sống” của giao thông đô thị Thủ đô.
Mở không gian phát triển
Trong thời gian vừa qua, những tuyến xe buýt đầu tư mới, xe buýt chạy bằng năng lượng điện hay đường sắt đô thị được đưa vào khai thác đã làm thay đổi bộ mặt vận tải hành khách công cộng của thành phố Hà Nội. Mạng lưới khung giao thông kết nối giữa các loại hình đã và đang hoàn thiện dần để hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Xanh.
Đường sắt đô thị đã làm thay đổi thói quen đi lại và tạo dựng một nét văn hóa giao thông mới cho Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại. |
Quê ở Hà Nam, học đại học và sinh sống làm việc tại Hà Nội cũng ngót nghét 20 năm, anh Phạm Thành An (phố Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) đã có những trải nghiệm tất cả các loại hình vận tải công cộng và thấy rằng đã có những bước chuyển biến rõ rệt so với trước kia.
Nhớ lại thời sinh viên từ những năm 2004 vốn thường xuyên bắt xe buýt đi học tại trường Đại học Giao thông Vận tải, sau 20 năm, anh An thấy các tuyến xe buýt có sự đổi mới về phương tiện, chất lượng dịch vụ và vẫn là loại hình giao thông vận tải công cộng chủ lực của Hà Nội.
Các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông hay Nhổn-Ga Hà Nội đã thu hút đông đảo người dân lựa chọn làm phương tiện di chuyển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
“Xe buýt mới đã giảm thiểu khói bụi, đặc biệt buýt điện đi rất êm và không xả thải ra môi trường. Thời gian gần đây, 2 tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác thương mại đã thu hút rất đông người dân lựa chọn làm phương tiện đi lại bởi có điều hòa mát mẻ, không khói bụi, thời gian di chuyển nhanh, không lo tắc đường. Đường sắt đô thị đã làm thay đổi thói quen đi lại và tạo dựng một nét văn hóa giao thông mới cho Hà Nội theo hướng văn minh, hiện đại,” anh An hồ hởi nói.
Ngày 8/8/2024, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành. Trong vòng 4 ngày, tuyến đã phục vụ hơn 256.000 lượt hành khách trải nghiệm. Đáng chú ý, ngày 11/8/2024, có hơn 100.515 lượt hành khách đặt chân trải nghiệm đi tàu, đây là một con số kỷ lục, vượt xa mong đợi của đơn vị vận hành, khai thác là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro).
Trước đó, ngày 6/11/2021, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước là Cát Linh-Hà Đông đã đưa vào khai thác thương mại. Tuy nhiên, kỷ lục vận chuyển hành khách của tuyến này được xác lập vào ngày Quốc khánh 2/9/2023 cũng chỉ đạt 55.980 lượt hành khách.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông là tuyến đầu tiên Hà Nội và cả nước được đưa vào khai thác. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Vào thời điểm đó, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Hanoi Metro đã nhiều lần trăn trở và ví von đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn là “ngôi sao cô đơn” khi là tuyến đầu tiên và chưa thể kết nối với các tuyến khác. Hiện, các cấp chính quyền thành phố đang rất quyết tâm và người dân Thủ đô rất mong đợi sẽ có thêm nhiều “ngôi sao” nữa.
“Các tuyến đường sắt đô thị là bước chuyển động mạnh mẽ của giao thông Hà Nội, ngày càng chiếm được niềm tin của người dân. Đường sắt đô thị không chỉ chứng minh một loại hình vận tải công cộng hiện đại giúp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, mà còn là công cụ để tái cấu trúc đô thị, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy Thủ đô sớm đạt mục tiêu là thành phố Xanh, văn minh, hiện đại và đáng sống,” ông Trường khẳng định.
Cần hơn 55,4 tỷ USD để làm 15 tuyến đường sắt đô thị
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị cập nhật theo quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, thành phố Hà Nội có tổng số 15 tuyến đường sắt đô thị, trong đó đến năm 2035 là 397,8km và đến năm 2045 là 196,2km.
Hiện, thành phố Hà Nội đã dự kiến lên kế hoạch nguồn vốn đầu tư tổng thể hệ thống các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch và bổ sung nhằm thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, mở ra không gian phát triển đô thị theo đúng xu thế của các nước trên thế giới.
Cụ thể, thành phố đang chuẩn bị đầu tư tiếp đoạn thứ hai của tuyến số 3 Ga Hà Nội-Hoàng Mai; tuyến số 5 Văn Cao-Hòa Lạc; chuẩn bị đầu tư tuyến số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; tuyến số 8 Sơn Đồng-Mai Dịch-Dương Xá…
MRB cũng tính toán sơ bộ nhu cầu vốn đầu tư các tuyến đường sắt đô thị đến năm 2045 cần khoảng 55,44 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn cần huy động giai đoạn đến 2030 đầu tư 96,9km với khoảng 16,2 tỷ USD; giai đoạn đến 2035 làm 301km với vốn đầu tư khoảng 20,9 tỷ USD; giai đoạn đến 2045 đầu tư 196,2km và nguồn vốn 18,2 tỷ USD.
Dựa trên thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công bao gồm vốn ngân sách, vốn vay trái phiếu, vốn vay ODA và các nguồn vốn huy động khác theo quy định hiện hành, Hà Nội dự kiến đến năm 2035 cân đối được khoảng 28,560 tỷ USD.
Đến năm 2045, thành phố có thể cân đối được khoảng 29,21 tỷ USD, đủ đáp ứng nhu cầu giai đoạn này. Như vậy, giai đoạn từ nay đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng 8,614 tỷ USD.
Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị nhằm mở ra không gian phát triển đô thị theo đúng xu thế của các nước trên thế giới. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
“Theo Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 Hà Nội phải xây dựng được khoảng 200km đường sắt đô thị. Đây là mục tiêu và kỳ vọng rất lớn, đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp đột phá, đồng thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội, Chính phủ,” ông Minh nói.
Thành phố Hà Nội đã dự kiến lên kế hoạch nguồn vốn đầu tư tổng thể hệ thống các tuyến đường sắt đô thị. |
Vị Trưởng ban MRB cũng nhấn mạnh phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới, gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô, phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
Hướng ra cho “bài toán khó” giao thông
Có thể thấy rằng trong thời gian dài qua, những thách thức lớn nhất đối với đường sắt đô thị Hà Nội đó là thiếu vốn; cơ chế chính sách, trình tự, thủ tục đầu tư còn phức tạp khó khăn; năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa đạt hiệu quả cao.
Bày tỏ quan điểm phải thay đổi cách làm, phương thức đầu tư các tuyến đường sắt đô thị là rất cần thiết, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội khẳng định mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông) chính là lối đi, hướng ra để giải “bài toán” khó cho giao thông đô thị hiện nay.
“Việc nghiên cứu, áp dụng mô hình TOD cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị sẽ bảo đảm tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn của phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng, đưa giao thông công cộng trở thành động lực của sự phát triển,” ông Thường đánh giá.
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng Ban MRB đưa ra chính kiến cần xây dựng cơ chế cho phép thành phố Hà Nội được chủ động, tự quyết trong việc huy động các nguồn vốn để xây dựng đường sắt đô thị; thu thuế phí, đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác thương mại tại các khu vực TOD được quy hoạch.
Đường sắt đô thị chính là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông tại các đô thị. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Xác định phát triển TOD, coi đó là nguồn lực chính để đầu tư đường sắt đô thị, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Hanoi Metro cho rằng thành phố phân loại các khu vực có khả năng xây dựng, phát triển mô hình TOD. Với những tuyến đường sắt đô thị đi qua khu vực dân cư ở đông chỉ có thể tận dụng quanh các nhà ga để làm dịch vụ, thương mại. Với khu vực còn chưa hoặc đang đô thị hóa, Hà Nội hoàn toàn có thể làm TOD được và nên làm trước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thành phố đã kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, để phân cấp phân quyền chủ động cho thành phố tập trung nguồn lực, rút ngắn trình tự thủ tục; cân đối nguồn vốn để đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành.
Ngay lúc này, đoàn tàu của các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-Ga Hà Nội vẫn vun vút lao đi. Các “thượng đế” mong ước sẽ có thêm các tuyến khác để có thể ngồi trên tàu qua ô cửa kính ngắm thành phố Hà Nội với diện mạo hạ tầng, không gian đô thị thay đổi qua từng ngày./.
Hà Nội sẽ có các cơ chế, chính sách nhằm đầu tư hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN). |
Theo Việt Hùng/(TTXVN/Vietnam+)