Thứ sáu 26/04/2024 16:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngoài Covid-19, còn một "bệnh dịch" khác phải giải quyết

08:19 | 13/06/2021

Mục tiêu "kép" vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - quyết tâm là có, song để đạt được là khó, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.

ngoai covid 19 con mot benh dich khac phai giai quyet

"Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là người lao động, nhưng các công ty dừng hoạt động, không có nguồn thu để giữ chân họ. Số người lao động trong ngành mất việc lên tới hàng chục nghìn, rất đau xót".

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Công ty Vietravel, đại diện ngành du lịch tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 10/6. Theo đó, Covid-19 đã gây tác động nặng nề nhất trong lịch sử ngành du lịch, tất cả các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước gần như dừng hoạt động.

Ông Kỳ lấy ví dụ ngay tại doanh nghiệp của mình, chỉ còn 50 người trên tổng số hơn 1.700 lao động đang làm việc.

Không chỉ du lịch, rất nhiều hoạt động khác từ sản xuất, chế biến đến cung ứng dịch vụ đều gặp khó với Covid-19. Một số địa phương phải giãn cách hoặc tạm dừng một số hoạt động dịch vụ không thiết yếu, các khu công nghiệp bị Covid-19 tấn công.

Mục tiêu "kép" vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - quyết tâm là có, song để đạt được là khó, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.

Vấn đề nằm ở chỗ, ngay cả khi chúng ta kiểm soát được dịch thì câu chuyện phía sau công cuộc hồi phục của cộng đồng doanh nghiệp cũng vô cùng gian nan.

Tại TPHCM, 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5% so với cùng kỳ; 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 23%; hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân.

Tại cuộc tọa đàm về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới tổ chức, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nêu lên một rủi ro rất đáng lưu tâm: Lạm phát!

"Những năm qua, mức lạm phát ở Việt Nam không cao nhưng xu hướng thời gian tới sẽ tăng cao. Đó là do các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế đã bung ra, tới độ trễ vài tháng nữa sẽ thấy tác động. Hiện tại, các yếu tố đầu vào cho sản xuất, tiêu dùng cũng đã tăng mạnh, xăng dầu tăng 30%, các loại hàng hóa, nguyên vật liệu khác đã tăng 16%...".

Có lẽ bây giờ là hơi sớm để đặt vấn đề về lạm phát kèm suy thoái (Stagflation) - điều kiện tăng trưởng kinh tế chậm và tỉ lệ thất nghiệp tương đối cao, hoặc trì trệ kinh tế kèm theo giá cả tăng hoặc lạm phát.

Tuy nhiên, khi quan sát về mức tăng của thị trường nguyên/nhiên liệu trên thế giới, thậm chí giới nghiên cứu kinh tế còn tính đến một siêu chu kỳ hàng hóa. Giá dầu tăng, nguyên liệu tăng, doanh nghiệp (nếu may mắn) vượt qua cú "sốc" Covid-19 rồi lại đương đầu với cơn bão lạm phát đầu vào, kèm sức mua của nền kinh tế suy giảm… có thể thấy, rất nhiều việc phải làm để vực dậy sức khỏe nền kinh tế thời gian tới.

Tính đến nay, Chính phủ mới kiện toàn do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu, mới vận hành được hơn 60 ngày. "Thủ tướng nhấn mạnh với các cơ quan của Chính phủ khi đối diện những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp là "không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm" - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay và nhận xét thêm rằng: Một Chính phủ hành động với tinh thần trách nhiệm được đề cao sẽ tạo ra những cơ hội cho phát triển đất nước.

Chúng ta tin rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tới đây sẽ có những chính sách và quyết sách kịp thời (từ tài khóa đến tiền tệ - như gói kích thích, chính sách giãn, hoãn thuế, chính sách khoanh nợ) để hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh.

Tuy nhiên, câu chuyện muôn thuở vẫn là sự "đồng bộ", tính nhất quán từ trên xuống dưới, không "trên nóng, dưới lạnh". Như ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI phản ánh: "Rất nhiều doanh nghiệp phát nản nói, muốn nhận chính sách hỗ trợ thì lên tivi".

Đó là thách thức nội tại và lực cản rất lớn, hay cũng là một thứ "dịch bệnh" về chây ỳ, cửa quyền mà người viết thiết nghĩ, Chính phủ sẽ phải giải quyết rốt ráo bên cạnh cuộc chiến cam go chống Covid-19 hiện nay.

Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load