Nơi duy nhất ở Quảng Trị và có lẽ của cả nước nói không với bia rượu, thuốc lá là bản Cu Pua của đồng bào Vân Kiều, trên rẻo cao Đakrông. Và nhiều chuyện lạ nữa...
Thức uống trong đám cưới ở Cu Pua 15 năm nay là nước ngọt! Ảnh: H.T
Người đàn ông vô danh
Cu Pua, địa danh mà độc giả Tiền Phong hẳn còn nhớ bởi hình ảnh học trò qua sông trên chiếc cầu tự tạo bằng sợi dây cáp mỏng mảnh, hoen gỉ. Gặp lại tôi, Trưởng bản Hồ Ê Nót cười: “Sắp có cầu rồi, đã lên kế hoạch xây cầu trong năm 2016”.
15 năm nay kinh tế mỗi gia đình đạt 20-50 triệu đồng/năm, sau khi trừ mọi chi phí. Con em dân bản đều được học hành tử tế... Tất cả nhờ vào việc đồng bào Cu Pua vượt qua hủ tục, thực hiện thành công mô hình không uống rượu bia, không thuốc lá, chú tâm làm ăn, phát triển kinh tế”. Cán bộ văn hóa xã Đakrông Hoàng Vân Trinh |
Trước đó, sau khi Tiền Phong đăng bài: “Liều mình qua sông bằng… sợi cáp” (số 345 ngày 11/12/2015), có một người đàn ông từ TPHCM tìm về tận nơi, mang theo 30 triệu đồng vào thẳng nhà trưởng bản đề nghị cùng dân xây một cây cầu tạm bằng bê tông để người dân qua sông. Người này yêu cầu không nêu danh tính. Đó là buổi trưa 28/12/2015. Một cuộc thỏa thuận nhanh diễn ra ngay bên bờ suối. “Tui không giàu có, chỉ có 30 triệu đồng. Nếu dân bản đồng ý thì góp công, tui sẽ mua vật liệu xi măng, sắt thép”, người đàn ông đề xuất. Trưa 5/1, người đàn ông từ TPHCM trở lại Cu Pua cùng hai người bạn, một kỹ sư cơ khí, một kỹ sư cầu đường. Ngay chiều đó, họ động thổ xây cầu. Cầu được xây ngay chỗ trước đây người dân buộc hai sợi dây cáp để qua suối. Cả ba người đàn ông từ TPHCM đều mặc áo quần công nhân, cùng dân bản trộn vữa, đan rá sắt... Một tuần sau cầu hoàn thành, ba người đàn ông trở về TPHCM.
Ánh sáng về bản
Cán bộ văn hóa xã Đakrông Hoàng Vân Trinh.
Niềm vui như được nhân lên ở Cu Pua. Mấy bữa nay dân vui như trẩy hội trước sự kiện trọng đại lưới điện quốc gia về bản. Tại Cu Pua, hôm 18/12, Tổng Cty Điện lực miền Trung mở lễ mừng điện về các thôn, bản huyện Đakrông. Thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở 15 thôn, bản của Đakrông - 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước, UBND tỉnh Quảng Trị và ngành điện đã đầu tư 49 tỷ đồng cấp điện cho 800 hộ dân. Phó Giám đốc Tổng Cty Điện lực miền Trung Phạm Sĩ Hùng bảo, ngoài các hạng mục dựng mới đường dây trung áp, hạ áp, lắp đặt công tơ... thì mỗi hộ dân còn được đầu tư thêm dây dẫn từ công tơ vào nhà, mạng điện trong nhà, bảng điện, ổ cắm, bóng đèn. Tất tật một nhà dân được đầu tư 65,9 triệu đồng.
Không rượu bia, thuốc lá
Bao đời nay, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô sống giữa đại ngàn Trường Sơn, hễ có ma chay lễ lạt, cúng tế mà không rượu bia, thuốc lá thì bị coi đi ngược tập tục và sẽ bị thần linh bắt phạt. Nhưng, rượu bia, thuốc lá đã 15 năm qua không hề có mặt ở bản Cu Pua của xã Đakrông này. Tạt vào bất kỳ nhà nào trong bản cũng thấy dòng chữ phiên âm theo tiếng Bru Vân Kiều “Chõi ngoãi B long tâng dong” (Bản không bia rượu thuốc lá), được ghi trên tường trước cửa nhà hoặc ngay chính giữa cửa ra vào để khẳng định với mọi người và nhắc nhở đám thanh niên, con cháu trong bản không được uống bia rượu và hút thuốc lá. Rồi trên mỗi bức vách nhà sàn của dân bản còn có ghi những câu thơ tựa đề “Rượu xui đủ điều” (Đừng tưởng uống rượu là vui/ Khi đã quá chén rượu xui đủ điều/ Từ lương thiện trở thành yêu tinh/ Đã bao nhiêu vụ gây nhiều nỗi đau/ Tình người mất hết còn đâu/ Gia đình tan nát trước sau phải từ...).
Hình ảnh học sinh đu dây qua sông đã không còn khi cầu mới đã được xây bởi người đàn ông vô danh.
Trưởng bản Hồ Ê Nót bảo, hiện Cu Pua có 67 hộ gia đình với gần 300 nhân khẩu, nhưng không ai hút thuốc, uống rượu. Những năm qua, để tiếp khách quý hoặc có việc trong gia đình, đồ uống được dân bản thay thế bằng trà hoặc pha cà phê gói. Những ngày lễ tết, cưới hỏi, ma chay dân bản dùng nước ngọt chúc tụng thay cho bia rượu. Để chứng minh lời nói của mình, Trưởng bản Nốt dẫn tôi tới dự đám cưới của anh Hưm. Đám cưới được tổ chức ngay mảnh vườn nhà tương đối bằng phẳng ở trung tâm bản. Từng nhóm nam thanh, nữ tú diện những bộ áo quần đẹp đến dự đám cưới của Hưm. Họ ngồi vào bàn nói chuyện vui vẻ và mở những chai nước ngọt cùng nhau uống một cách từ tốn, rồi tham gia ca hát. Lúc chú rể và cô dâu tiến đến các bàn mời khách, các bàn cũng hưởng ứng “dzô” lại bằng những chai nước ngọt. Tuyệt nhiên không có thuốc lá.
Một góc bản Cu Pua.
Ê Nốt bảo, từ lúc thực hiện mô hình bản không uống rượu bia, thanh niên trong bản còn thay vợ con vào bếp nấu cơm, kho cá, luộc rau - một việc làm xưa nay hiếm với đồng bào dân sống ở Quảng Trị. Cụ Hồ Chuốc, 88 tuổi, cha của Trưởng bản Hồ Ê Nót nhớ lại: “Nói dân bản bỏ cuộc sống du canh du cư còn dễ, chứ nói bỏ rượu, thuốc lá ai cũng trố mắt rằng lão Chuốc này gàn, rỗi hơi, thế nào cũng bị giàng quở trách bắt tội mà xem. Nhưng rồi sự kiên trì của cán bộ bản đã khiến dân làng dứt khỏi bia rượu, thuốc lá đó!”, già Chuốc bảo. Còn chàng thanh niên Hồ Ê Nít thì cười tít mắt: “Em thấy, thanh niên không tụ tập rượu bia thì giúp vợ con lên nương lên rẫy, lo toan việc nhà, không đánh vợ đập con nữa”.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết, Đúng 30/4/2016 là chẵn 15 năm, bản Cu Pua thức hiện lời thề “Nói không với bia rượu, thuốc lá”. Đó là điều kỳ diệu mà chưa thôn, xã, phường nào dưới xuôi của tỉnh Quảng Trị làm được.
Theo Hữu Thành/Tienphong.vn
Theo