Thứ tư 24/04/2024 12:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghề mọn ở phố

20:00 | 23/09/2021

(Xây dựng) - Người ta hay nói Hà Nội là đất trăm nghề thực ra chỉ là ước lệ. Nếu tính theo chiều dài lịch sử nghìn năm thì trăm nghề là chưa đủ. Nhưng tính cho từng giai đoạn cụ thể thì lại quá nhiều. Nghề ngỗng ở Hà Nội luôn có tính phong trào. Nó buộc phải chạy theo phong trào từ tiêu dùng cho đến thương mại.

nghe mon o pho
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Thời khó khăn bao cấp Hà Nội sinh ra những nghề mọn rất lạ. Lạng mỏng lốp ô tô cũ lấy mành sợi chế thành lốp xe đạp thồ. Bởi vì xe thồ lúc ấy vẫn là phương tiện vận tải chủ lực ở tất cả các miền quê mà lại không có phiếu bán lốp cho xe thồ. Dán túi giấy thuê cho các cửa hàng bách hóa để đựng đường bán theo tiêu chuẩn. Gấp sách thuê cho các nhà in typo. Dán cặp ba dây cho các cơ quan Nhà nước lưu trữ tài liệu. Đơm khuy thùa khuyết thuê cho các hợp tác xã may mặc. Gõ thẳng đinh cong cho các hợp tác xã đóng giày để họ sử dụng lại. Dán túi ni lông. Quấn thuốc lá sợi Lạng Sơn. Luồn dải rút quần đùi cho bộ đội. Lúc mới giải phóng miền Nam có thêm nghề vẽ guốc bằng bút điện. Dệt áo len bằng máy thủ công Brother...

Trước khi có chiếc máy dệt len Nhật Bản Brother, Hà Nội đan tay. Đọc cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì biết ngay áo len không phải là trang phục cổ truyền dù rằng những ông vua cuối cùng triều Nguyễn hầu hết đều mặc nó. Trước khi người Pháp sang đô hộ Đông Dương nước mình không có thứ gì tên gọi là len (laine) bởi đơn giản chưa bao giờ có con cừu. Chẳng sao cả. Cừu không phải là con vật được kính trọng trong tâm thức người Việt. Người Pháp đã mang len sang và dạy dân bản xứ đan lát. Cũng có thể là tận dụng sức lao động thủ công bền bỉ của người Việt nhưng họ không ngờ đan len đã trở thành một nghề thủ công có tuổi thọ lâu dài đến thế ở thành phố này.

Ngay từ khi hòa bình mới lập lại 1954 ở Hà Nội đã thành lập những Hợp tác xã thủ công chuyên đan len. Các bà các chị Hà Nội cũ làm nội trợ ở nhà dĩ nhiên đan len từ trước đây khá lâu. Nữ cán bộ công nhân viên chức đan len. Trẻ em gái tranh thủ lúc học xong bài vở cũng đan. Hợp tác xã đan len là nơi giao nhận hàng. Tất cả các công đoạn còn lại được người ta thực hiện ở ngay trong chính căn nhà của mình. Đan len đã đi cả vào văn học nghệ thuật qua nhiều thời kì. Tranh của các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung đều vẽ cảnh đan len hết sức thân thuộc của gia đình Hà Nội cũ. Đó là đan len hạng sang trọng đài các. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng không ít lần đưa hình ảnh người phụ nữ đan len vào những câu thơ đằm thắm chân quê: Có người trong gió rét chiều đông,/ Chăm chỉ đan cho trọn áo chồng,/ Còn bảo “Đường len đi vụng quá!/Lần đầu đan áo kiểu đàn ông”. (Vâng - Nguyễn Bính)

Đan len vào thời chiến tranh bao cấp không còn vẻ sang trọng đài các nữa. Có hẳn một tập thơ của nữ thi sĩ Ý Nhi tên là “Người đàn bà ngồi đan”. Trong ấy có những câu dịu dàng đắng đót: “Giữa chiều lạnh/ một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ vẻ vừa nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời/ vội vã như thể đó là lần sau chót”.

Thật ngạc nhiên là giai đoạn này rất nhiều người Hà Nội đan len nhưng len lại là mặt hàng vô cùng khan hiếm. Ngoài việc đan thuế cho Nhà nước mà người ta quản lý chặt chẽ số cân lạng đến từng gram thì chỉ thi thoảng có ai đó đi nước ngoài mới cầm về được mươi cuộn len. Số còn lại là len tái sinh và sợi bông. Áo sợi đan có ưu điểm nổi trội ở chỗ càng mặc càng dài ra. Trẻ con có thể mặc chiếc áo sợi mẹ đan từ lớp một đến lớp năm mới phải tháo ra đan lại. Len và sợi thường được tháo từ áo cũ ra đan lại ít nhất ba lần. Cuối cùng ải mục đứt ra thành từng đoạn ngắn. Các bà các chị ngồi tỉ mẩn nối chúng lại hỗn độn các màu. Khi đan cho tất cả các mối nối ra mặt ngoài thành mốt áo mới tua tủa lông như thú giả nhồi bông.

Áo len lúc này cũng không còn là trang phục trưng diện nữa. Nó đơn thuần chỉ để ấm. Kiểu cách tối giản chỉ còn cổ lọ, cổ thuyền, cổ tim. Tay giắc-lăng (raglan) hoặc tay ghép nách, đan trơn hoặc cốt ăng-lê nổi gân. Những tay chơi Hà Nội nào mặc chiếc áo len mới cổ tim màu tím than bên ngoài sơ mi trắng cổ cồn thì rất dễ bị hiểu là đang trên đường đi tán gái. Không còn nhiều người mặc áo len, đan len đã trở thành nghề kiếm sống ở hạng bình dân nhất. Có ông nhà văn khét tiếng lên diễn đàn nói về bí quyết thành công trong văn nghiệp của mình chỉ là mỗi ngày cố gắng viết lấy vài trang về bất cứ thứ gì. Một ông họa sĩ tên tuổi ngồi dưới bình luận bỏ túi với các bạn văn nghệ sĩ, thằng cha ấy viết như đan len! Câu chuyện lan truyền trong giới khiến cho hai ông ấy giận nhau đến hết thời bao cấp.

Giờ thì đám trẻ tuổi teen Hà Nội là lực lượng chính gìn giữ nghề thủ công đan len. Có khá nhiều diễn đàn trên mạng sôi nổi trao đổi hướng dẫn nhau về kĩ thuật và thẩm mĩ. Họ làm với niềm thích thú mê say chứ không phải vì mục đích kiếm tiền. Chính vì thế sáng tạo ra rất nhiều mẫu mã đầy sức quyến rũ của tuổi trẻ. Những áo, những găng, những mũ, những khăn quàng cổ, ống xỏ tay, khăn trải bàn và đồ trang trí bằng len đan đẹp đến mê hồn. Trong mỗi món đồ ấy vẫn thấy toát lên vẻ dịu dàng tha thiết của bàn tay con gái Hà Nội.

Đỗ Phấn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load