(Xây dựng) - Thời gian qua, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Nghệ An đang được dư luận và nhân dân quan tâm. Thế nhưng, việc phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng gần như mới chỉ cơ bản được thực hiện tại những khu vực thành phố, thị xã, thị trấn (những khu vực quy định phải cấp phép xây dựng). Còn lại đối với địa bàn các xã không quy định phải cấp phép xây dựng thì lãnh đạo chính quyền và cán bộ, công chức phụ trách gần như không nắm được trách nhiệm của mình trong quản lý trật tự xây dựng.
Công trình xây dựng thi công vượt 2 tầng so với Giấy phép chính quyền mới phát hiện hành vi vi phạm của chủ nhà. |
Trước tình hình đó, ngày 17/12/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND về ban hành quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Theo đó, quy chế này quy định nguyên tắc, phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ: Giám đốc Sở Xây dựng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Trách nhiệm của Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng, Trưởng phòng Quản lý đô thị và Đội trưởng Đội trật tự đô thị.
Đặc biệt, quy chế quản lý trật tự xây dựng đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và trách nhiệm của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn mà bấy lâu nay lãnh đạo, cán bộ cấp xã phường vẫn đang chưa nắm rõ trách nhiệm cũng như nhiệm vụ của mình.
Cụ thể, tại điều 11, quy chế đã quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn:
Chủ tịch UBND xã, phường chịu trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng và tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra việc thi công tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn quản lý kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành công trình xây dựng theo quy định mà không phân biệt chủ đầu tư, nguồn vốn (trừ công trình bí mật Nhà nước); Xử lý kịp thời, đúng quy định pháp luật các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động xây dựng trên đất không được phép xây dựng theo quy định của pháp luật về đất đai theo thẩm quyền. Khi phát hiện vi phạm đối với hoạt động xây dựng trên đất không được phép xây dựng, kịp thời chỉ đạo tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng theo thẩm quyền thông báo, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm đó theo quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai.
Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tổ chức và cá nhân trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng. Trong phạm vi quyền hạn được giao, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức theo thẩm quyền quản lý thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm thông tin kịp thời về tình hình thi công xây dựng các công trình trên địa bàn quản lý.
Kiến nghị xử lý những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng để xảy ra vi phạm mà không phát hiện, xử lý kịp thời; Để sai phạm quy mô lớn mới phát hiện; Xử lý hoặc tham mưu xử lý không đúng quy định, không dứt điểm vi phạm; Không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Hoàn thiện hồ sơ, kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trong trường hợp vượt thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần thiết, khi chủ đầu tư, nhà thầu, người vi phạm không chấp hành yêu cầu dừng thi công xây dựng công trình hoặc tái phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét. Đồng thời, có thể vận dụng các biện pháp khác để ngăn chặn việc tiếp tục thi công xây dựng tại công trình vi phạm như: Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc tạm giữ tang vật, phương tiện; Phong tỏa hiện trường không cho phép các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, công nhân đi vào thi công công trình; Tạm dừng cung cấp dịch vụ cấp điện, cấp nước và các dịch vụ khác theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ trì giải quyết theo đúng quy định của pháp luật việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại do thi công xây dựng công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); Gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác.
Ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng theo thẩm quyền; Lập phương án cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình, bộ phận công trình vi phạm trật tự xây dựng trình UBND huyện, thành phố, thị xã thẩm định; Sau khi có kết quả thẩm định thì tiến hành phê duyệt và tổ chức thực hiện cưỡng chế theo thẩm quyền.
Tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm và báo cáo kết quả xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo yêu cầu của UBND huyện, thành phố, thị xã hoặc Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam. Đề xuất Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế và đúng quy định của pháp luật nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.
Đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tại điều 12, quy chế quy định cán bộ công chức xã, phường, thị trấn phải thường xuyên kiểm tra việc thi công xây dựng các công trình trên địa bàn được giao quản lý; Kịp thời phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính khi mới bắt đầu xảy ra vi phạm trật tự xây dựng; Khẩn trương báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc dừng thi công công trình sau khi lập biên bản vi phạm hành chính. Trường hợp chủ đầu tư, nhà thầu, người vi phạm không chấp hành yêu cầu dừng thi công công trình thì phải lập biên bản và tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm hoặc tái phạm, xử phạt bổ sung theo quy định; Kịp thời báo cáo, tham mưu Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có thể vận dụng các biện pháp khác để ngăn chặn việc tiếp tục thi công xây dựng tại công trình vi phạm.
Chịu trách nhiệm về những sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thuộc thẩm quyền được giao. Tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Quy chế quản lý trật tự xây dựng quy định rõ trong công tác quản lý trật tự xây dựng theo nguyên tắc: Tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành việc xây dựng công trình theo quy định. Hành vi vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh. Hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật; Các thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật...
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm được giao thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quá trình phối hợp phải thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.
Quang Hợp
Theo