(Xây dựng) - Xác định xây dựng cơ bản, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một trong những bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Nghệ An tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông.
Nhà thầu đang thi công tuyến đường giao thông nông thôn kết nối xã Đồng Văn đi các xã của huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An). |
Phát triển giao thông nông thôn, tạo tiền đề phát triển kinh tế
Tỉnh Nghệ An đã ban hành các cơ chế, chính sách gắn việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối địa phương, thôn, bản, đặc biệt là các xã khó khăn. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đột phá, tạo nên thành tựu trong xây dựng cơ bản nhằm tạo tiền đề, chuẩn bị tốt công tác đại hội Đảng các cấp tại địa phương.
Nhiều tuyến đường quan trọng, kết nối vùng được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng như: Đường nối QL1 đi thị xã Thái Hòa (nay là QL48D), dài 29,123 km; đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) dài 28,5 km; đang triển khai đoạn từ Hòa Sơn (Đô Lương) lên Tân Long (Tân Kỳ) dài 28 km, đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (Tỉnh lộ 543D) dài 58 km. Tỉnh chú trọng nâng cấp nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh khu vực miền núi như Tỉnh lộ 544B, cầu Khe Ang 1, cầu Khe Ang 2... Xây dựng hoàn thành 50 cầu qua sông, suối phục vụ đi lại an toàn cho Nhân dân miền núi.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn toàn tỉnh Nghệ An nói chung, khu vực miền núi nói riêng tiếp tục được đầu tư. UBND tỉnh quyết định hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn, phong trào xây dựng đường bê tông xi măng được Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các huyện huy động sức dân, dùng ngân sách địa phương, lồng ghép các chương trình, dự án, vận động được Nhân dân hiến hàng trăm héc-ta đất làm đường giao thông. Từ khi triển khai hỗ trợ xi măng đến nay, các xã của các huyện miền núi đã xây dựng được 1.877 km đường bê tông xi măng. Đồng thời, tỉnh chủ động ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản ở các xã miền núi khó khăn, tạo động lực, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung và làm đường giao thông nói riêng ở thôn, bản, có sức lan tỏa.
Linh động trong xây dựng giao thông nông thôn
Qua thực tiễn xây dựng giao thông nông thôn tại các xã 30A và xã biên giới ở một số huyện miền núi, nhiều địa phương đã ban hành cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích các thôn, bản làm đường giao thông như: huyện Tương Dương hỗ 50 triệu đồng để bản, làng đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, trong đó có đường giao thông; huyện Tân Kỳ hỗ trợ 30 tấn xi măng/km làm đường giao thông ngõ, xóm...
Mặt khác, việc triển khai xây dựng đường giao thông cấp thôn, bản giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, đẩy lùi tư tưởng trông chờ ỷ lại, tạo khí thế thi đua trong toàn xã.
Qua đó, tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn miền núi của tỉnh ngày càng tăng cao. Năm 2023, tỉnh Nghệ An xây dựng thêm 303 km đường giao thông nông thôn, với kinh phí hơn 373 tỷ đồng, nâng tổng số ki-lô-m ét giao thông đã xây dựng của tỉnh đạt 11.280,4 km, tổng kinh phí hơn 13.897,4 tỷ đồng; xây dựng thêm 188 km kênh mương, lũy kế đến nay làm được 3.537 km kênh mương các loại, cải tạo nâng cấp hàng trăm công trình thuỷ lợi, với tổng số tiền 3.429,6 tỷ đồng. Xây dựng, nâng cấp 587,285 km hệ thống đường điện các loại với kinh phí thực hiện 619,548 tỷ đồng, nâng tổng số km hệ thống đường điện được xây dựng, nâng cấp từ khi thực hiện chương trình đến nay là 5.743 km với tổng kinh phí 3.479,228 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm thành công của giai đoạn qua, cùng các cơ chế, chính sách được quan tâm trong thời gian tới, sự quyết tâm đồng lòng khắc phục khó khăn của các cấp ủy, chính quyền, sự chung sức của Nhân dân; hệ thống giao thông nông thôn miền núi ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tạ̣i địa phương.
Quang Hợp
Theo