(Xây dựng) – UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và các huyện, thành, thị về việc tăng cường chấn chỉnh công tác đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng hạ tầng các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn.
Một khu đô thị tại thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương. |
Theo Văn bản số 6279/UBND-CN: Trong những năm qua, các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tỉnh hình thành, đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết nhu cầu thiết yếu về nhà ở, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số dự án đã đưa vào sử dụng nhưng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án chưa được đầu tư đồng bộ, hoặc đã đầu tư xây dựng nhưng một số hạng mục có dấu hiệu xuống cấp.
Cụ thể, bề mặt đường bị nứt, lún; vỉa hè bị bong bật (trong đó có một số dự án hoặc một số đoạn tuyến chưa xây dựng vỉa hè; hệ thống thoát nước bị bồi lắng, xuống cấp; một số dự án/tuyến đường đi qua dự án thiếu hệ thống báo hiệu an toàn giao thông, chiếu sáng; tình trạng mất vệ sinh môi trường đô thị tồn tại ở nhiều dự án; tiêu thoát nước kém bị ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn...). Một số dự án đã được UBND tỉnh cho gia hạn tiến độ thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa thi công xây dựng hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án, hoặc hoàn thành nhưng chất lượng không đảm bảo.
Để tăng cường công tác đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng công trình, đảm bảo an toàn giao thông, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, thị xã, chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã đưa dự án vào khai thác sử dụng (kể cả các dự án đưa một phần vào khai thác sử dụng) phải thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý chất lượng, tiến độ thi công xây dựng công trình; quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; chấp hành nghiêm về trật tự xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành.
Cùng với đó, tăng cường quản lý thi công xây dựng công trình, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ xây dựng.
Lựa chọn các tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn, thi công phải đủ điều kiện năng lực; thực hiện đầy đủ thủ tục kiểm tra, nghiệm thu vật liệu xây dựng, sản phẩm cấu kiện xây dựng, thiết bị đưa vào sử dụng cho công trình. Nghiệm thu công việc xây dựng, nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng; nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng. Tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD an toàn trong thi công xây dựng ngày 20/12/2021 của Bộ Xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai tại hiện trường của nhà thầu thi công về: Bố trí các phương tiện, dụng cụ, thiết bị thi công, phương pháp thi công… phù hợp với biện pháp thi công được chấp thuận; biện pháp đảm bảo an toàn lao động, thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công theo đúng quy định.
Rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án. Trường hợp có tồn tại thì khẩn trương có kế hoạch sửa chữa, khắc phục để đảm bảo chất lượng theo đúng hồ sơ thiết kế được thẩm định, phê duyệt và quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Cùng với đó, rà soát, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Vỉa hè, hệ thống an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng công cộng, nhà văn hóa, trường học, khu sinh hoạt công cộng... để đảm bảo sự đồng bộ dự án, đảm bảo an toàn và chất lượng công trình theo đúng quy hoạch, hồ sơ thiết kế được thẩm định, phê duyệt, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Kiểm tra, rà soát đấu nối hạ tầng kỹ thuật để khắc phục ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn; thu gom, vận chuyển rác thải đi đổ đúng nơi quy định; cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn và cảnh quan môi trường.
Rà soát, hoàn thiện quy trình bảo trì công trình đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định. Lập kế hoạch bảo trì và tổ chức thực hiện bảo trì công trình xây dựng trong quá trình khai thác sử dụng.
Mặt khác, xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra, đánh giá chất lượng và đầu tư xây dựng, sửa chữa hạ tầng tại dự án gửi kế hoạch về Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có dự án trước ngày 15/8/2024. Tổ chức khắc phục, sửa chữa, xây dựng bổ sung các hạng mục công trình (nếu có), hoàn thành và báo cáo kết quả về Sở Xây dựng, UBND cấp huyện nơi có dự án trước ngày 30/12/2024.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn tập trung nguồn lực để khắc phục, sửa chữa, đầu tư xây dựng bổ sung các hạng mục công trình (nếu có) theo tiến độ, thời gian UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện. Trường hợp có chủ đầu tư chậm trễ hoặc không thực hiện thì báo cáo Sở Xây dựng để xem xét xử lý theo quy định.
Xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn kiểm tra hoặc thanh tra (nếu cần thiết) sau ngày 30/12/2024 để tổ chức kiểm tra việc khắc phục, sửa chữa, xây dựng bổ sung (nếu có) đối với các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của pháp luật nếu có sai phạm. Báo cáo kết quả về Sở Xây dựng trước ngày 01/3/2025.
Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả và tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan trước ngày 30/4/2025. Phối hợp, hướng dẫn UBND cấp huyện xử lý các nội dung liên quan khi có đề nghị.
Quang Hợp
Theo