Thứ sáu 26/04/2024 14:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Ngày ấy bên bờ sông Lam”

14:00 | 28/01/2020

(Xây dựng) - Cậu bạn người Nghệ gọi đi café, loanh quanh câu chuyện lại bàn về nỗi niềm xứ Nghệ. Từng có khoảng thời gian không ngắn vào Vinh công tác, tất ba tất bật, việc cuốn đi không lúc nào ngơi nghỉ. Về lại Thủ đô, mới nhận ra mình nhớ Vinh vô cùng, mà không được quay lại xứ Nghệ trong thời gian dài. Ký ức về xứ Nghệ, về thành Vinh trong tôi cứ bâng khuâng, nhớ thương đến hoang hoải.

ngay ay ben bo song lam
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tháng 02/2016, ở Vinh diễn ra một sự kiện lớn, đó là Hội thảo phát triển du lịch Nghệ An. Sự kiện thu hút nhiều nhà quản lý, nhiều doanh nghiệp lớn. Trong sự kiện đó, cái tâm muốn đưa xứ Nghệ phát triển bền vững, nâng tầm hình ảnh thật bùng cháy, khát vọng. Trong suy nghĩ của người đã đến Nghệ An nhiều lần từ công việc đến du lịch, cái chất của Nghệ An không phải cứ làm xơi xơi, làm ồ ạt là thành công, mà chúng ta cần phải cố gắng lưu giữ cái tâm, cái tình của cuộc sống.

Tôi nhớ lại hơn hai mươi năm trước, nhìn từ thành Vinh, ta thấy những con đường trải dài bóng nắng nhưng vẫn lác đác phồn sinh. Cửa Lò vẫn còn hoang vắng, rừng phi lao bạt ngàn xào xạc như muốn nâng đỡ những tâm hồn cô đơn. Có thể lúc đó chúng ta nghĩ như vậy là đủ, nhưng đủ trong hoàn cảnh đó. Bây giờ đất nước hội nhập, con người thay đổi, những kỷ niệm sẽ chỉ mãi lưu dấu như hồi ức, còn con người phải năng động, vươn lên.

Rồi tết về Nghệ. Bên quán Café tôi nghe “Ơ... ơ... hò… Chừ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác ờ... xuống ớ... ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi”.

Giọng hát truyền cảm của NSND Thu Hiền vang vọng trong tâm thức. Ai đến với xứ Nghệ chắc cũng ít nhiều biết bài hát này. Ngoài cảm giác rùng mình vì giọng ca quá truyền cảm, tôi còn cảm thấy ở đó một sự khát vọng. Khát vọng mà chí tình, mến thương. Bên quán café nhỏ ở thành Vinh đầy nắng gió, một người đất Bắc đã được sống trong cảm giác kỳ lạ chưa từng trải trong đời. Nôn nao, da diết mà đậm đà tình cảm. Những khúc dân ca mang âm hưởng xứ Nghệ cứ vang lên, làm tôi ngần ngừ mãi không muốn về. Rồi tôi nhận ra, rồi cảm cái tình ấy, khi ai cũng có thể hòa mình vào xứ Nghệ.

Tôi ở lại Vinh thêm một ngày để sống thêm chút nữa trong không khí ấy. Thứ tình cảm trọn nghĩa, vẹn tình. Rồi ăn thêm mấy bát cháo lươn, súp lươn do những bàn tay đầu bếp đường phố làm ra. Rồi cũng kiếm được một lọ nhút Thanh Chương, một thứ đặc sản nổi tiếng xứ Nghệ. Những sản vật độc đáo ấy nếu không đến Nghệ An sẽ chẳng nghe tiếng, biết tên. Đi lên đồi, ăn miếng dứa nhỏ ngọt thơm, thấy vị khác hẳn dứa ở nơi khác. Chính cái nắng, cái gió xứ Nghệ đã hun đúc, nuôi dưỡng nên trái ngọt hoa thơm, cũng bởi tính tình chịu thương chịu khó của người nông dân nên mới cho ra thành quả tuyệt vời như vậy. Ông trời cho xứ Nghệ không nhiều, nhưng lại cho bà con một tinh thần hay lam hay làm, một sự đồng lòng đến kinh ngạc. Một người mệt, người còn lại cố công giúp đỡ.

Gần Tết, Thủ đô cũng có xứ Nghệ. Quán cà phê vỉa hè, phía trong vọng ra những bản dân ca bất hủ: “Ngày ấy bên bờ sông Lam/ Anh nghe câu hò ví giặm…”. Nhạc trẻ nghe nhiều, các cậu thanh niên cũng thấy kỳ lạ. “Chú nghe đi để khi nào vào đó còn biết bài gì”. Bây giờ, sự phân biệt cũng chẳng thấy. Người Nghệ ở Hà Nội hòa mình vào cuộc sống nơi đây, nhưng vẫn giữ cái chất hào khí, nghĩa tình của người xứ Nghệ. “Anh có việc à, để em tính cách giúp. Anh đang ở mô?”. Chỉ một câu thế thôi mà cũng đã thấy ấm lòng, dù chưa chắc cậu ta giải quyết được công việc. Cậu người Thanh Chương, đất đai ở đó cũng như con người cậu vậy. Chăm chỉ, gai góc nhưng khi cần thì tình nghĩa hơn bao giờ hết. Người xứ Nghệ là thế, bản chất đã ăn sâu vào tiềm thức. Người Nghệ cũng luôn đau đáu về quê hương, dù xa xôi nhưng có việc cũng vội vã về nhà, cũng mời anh em bạn bè về cùng ăn bữa cơm bình dị. Guồng quay cuộc sống đã cuốn chúng tôi đi, vào xô bồ, vào thao thức. Tìm đâu ra giây phút bình yên bên nắng, bên gió?

Tết sắp đến. Hà Nội lạnh, những cơn gió mùa đông bắc cứ vi vu, vun vút. Vinh chắc cũng lạnh. Tôi nhớ năm đó đến chơi cũng phải khăn nọ áo kia, thấy bà mẹ mong manh áo mỏng bên đường. Chỉ vậy mà thấy Nghệ An như khúc ruột. Nghệ An da diết quá. Chuyển mình cùng sự phát triển của đất nước cũng không mất đi cái chất, cái tình. Xứ Nghệ qua từng ấy tháng năm, vẫn còn đó nỗi đau của chiến tranh, của một trong những vùng đất hứng chịu bao tấn bom đạn. Nhưng giờ đây, sức sống năng động đã tràn khắp nơi nơi. Đô thị phát triển, hội nhập. Những khu công nghiệp lớn, những công trình đồ sộ, uy nghi. Rồi những trung tâm thương mại, mua sắm lớn không kém gì Hà Nội, Sài Gòn. Liên kết vùng gần đây là khái niệm ngày càng được nhắc đến nhiều và Nghệ An đã tận dụng tốt những lợi thế của mình, kết nối từ giao thông đến kinh tế, văn hóa với miền Trung và cả nước. Tất cả những điều đó đã làm hình ảnh Nghệ An trở nên đặc biệt, được nhiều người biết đến hơn. Nói một cách tổng hợp, đó là sự nâng tầm thương hiệu, hình ảnh của một địa phương. Nghe có vẻ lớn lao, trìu tượng nhưng đó lại là điều cần thiết và bắt buộc phải làm trong kỷ nguyên số, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Ai cũng mong muốn cuộc sống người dân được cải thiện, nhưng để đạt được mục tiêu cao cả đó thì phải làm nhiều thứ, từ chiến lược đến các kế hoạch, cần đến cả sự ủng hộ của giới doanh nghiệp, doanh nhân.

Thời gian vẫn cứ trôi, đất nước vẫn ngày ngày phát triển. Xứ Nghệ thân yêu vẫn vững vàng vượt qua từng thử thách, đi trên con đường có những chông gai chờ đón. Nghệ An có truyền thống, có ký ức và có tình người. Thời gian cũng đã qua, dù ta thêm tuổi nhưng ký ức sẽ vẫn còn đọng lại. Tết lại mong về xứ Nghệ thân yêu với những kỷ niệm nơi đó, những khát vọng vươn cao…

Đinh Thành Trung

Theo

Cùng chuyên mục
  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

  • Quảng Ninh: Kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ đỗ tiến sỹ

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, xã Lê Lợi, thành phố Hạ Long nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức Lễ dâng hương kỷ niệm 513 năm ngày cụ Vũ Phi Hổ, người dân của địa phương đỗ tiến sĩ.

  • Hoàn thành giai đoạn 1 tu bổ nơi Tổng Bí thư Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

    Bệnh viện Chợ Quán xây dựng xong vào năm 1864, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận là "Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam."

  • Khai hội đền Đô: Tái hiện lịch sử hào hùng của dân tộc

    (Xây dựng) - Sáng 23/4, tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đã long trọng diễn ra Lễ khai hội đền Đô 2024 và hướng tới kỷ niệm 1014 năm Vua Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load