(Xây dựng) – Trong những năm qua, với những thành tựu nổi bật đã đạt được, cùng việc khắc phục có hiệu quả những khó khăn, ngành Xây dựng Sơn La đã và đang tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh
Mốc quan trọng đánh dấu sự đổi mới và phát triển toàn diện của ngành Xây dựng Sơn La từ năm 1986, trong khi cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành Xây dựng Sơn La, từ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường, thời gian đầu thực hiện theo cơ chế quản lý mới không tránh khỏi những băn khoăn. Đặc biệt là những chủ trương, chính sách mới đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của ngành như: Không đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh… Trước khó khăn, thách thức tập thể cán bộ, nhân viên, lao động trong Ngành đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vượt qua thử thách, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới của tỉnh. Chính vì vậy, giai đoạn này đã có hàng loạt các DNNN, DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ra đời, như nhà máy xi măng 8,2 vạn tấn/ năm, nhà máy gạch Tuy nel Chiềng Sinh 20 triệu/viên năm; nhà máy nước 12 nghìn m3/ngđ được đầu tư và tạo ra những sản phẩm cho ngành Xây dựng là những cơ sở công nghiệp quan trọng của tỉnh, là niềm tự hào của ngành Xây dựng Sơn La.
Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, để cụ thể hóa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh cho phép lập 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã đến kỳ điều chỉnh hoặc theo yêu cầu phát triển cần thực hiện điều chỉnh, lập mới quy hoạch chung xây dựng cho một số trung tâm cụm xã đã phát triển tiêu chí đô thị loại V, làm cơ sở nâng cấp đô thị và lập quy hoạch xây dựng các khu chức năng để thu hút, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Trong đó, nổi bật là triển khai lập 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ Sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc QL6; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện vùng cao, biên giới tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, phối hợp lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu và triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa quy hoạch chung, rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch cho 11/12 đô thị và lập mới, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc các đô thị trọng điểm như thành phố Sơn La, Mộc Châu, Mai Sơn… và lập quy hoạch cho những khu vực quan trọng theo yêu cầu phát triển, quản lý hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng, đặc biệt là các khu du lịch tiềm năng như Khu đèo Pha Đin, huyện Thuận Châu; khu du lịch Tà Xùa, huyện Bắc Yên; khu du lịch lòng hồ Thủy Điện Sơn La thuộc địa phận huyện Quỳnh Nhai…
Nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng
Ngành Xây dựng Sơn La trong những năm tiếp theo hết sức nặng nề và không ít khó khăn. Trước những thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu càng cao về không ngừng đổi mới trong quản lý nhà nước, góp phần xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá so với các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, ngành Xây dựng Sơn La tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh, HĐND, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, rà soát, đề xuất lập mới, điều chỉnh quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh nhằm quản lý, thu hút đầu tư trên cơ sở phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh; đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.
Hai là, tập trung xây dựng các Chương trình phát triển đô thị (toàn tỉnh và của từng đô thị), Chương trình phát triển nhà ở phù hợp với định hướng, lộ trình phát triển của quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển kinh tế - xã hội… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, bền vững, giàu bản sắc dân tộc, đảm bảo theo quy hoạch và kế hoạch; gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xác định lộ trình nâng cấp phù hợp với tình hình phát triển thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố; huy động tổng hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm từng bước nâng cao chất lượng đô thị cả về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nhà ở, chất lượng sống của người dân. Duy trì và phát triển thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh, bền vững. Tập trung tham mưu các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành Xây dựng trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hóa, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị.
Ba là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển VLXD, đặc biệt là xi măng và các VLXD chủ yếu, bảo đảm cân đối cung, cầu, bình ổn thị trường trong tỉnh; khuyến khích phát triển VLXD với bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, sản xuất khoáng sản làm VLXD thông thường.
Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất và quản lý của Ngành.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.
Phượng Nguyễn
Theo