(Xây dựng) – Theo kế hoạch, trong các ngày 13 - 14/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy công trình xanh: Hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26”. Đây là một trong những chương trình hành động của ngành Xây dựng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26: Phát thái ròng bằng “0” vào năm 2050.
Phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26. |
Thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng
Theo Bộ Xây dựng, Tuần lễ công trình xanh Việt năm 2022 gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề diễn ra song song, bàn luận, trao đổi kinh nghiệm quy hoạch, phát triển công trình xanh và xây dựng đô thị bền vững, hướng tới thiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
3 hội thảo chuyên đề gồm: “Kiến tạo công trình bảo vệ sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống”, “Vật liệu xây dựng xanh: Giải pháp đảm bảo môi trường sống và chất lượng công trình”; “Giải pháp thiết bị và công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng”.
Trong phiên toàn thể, các nội dung chính được đề cập gồm: Giải pháp và kế hoạch hành động của ngành Xây dựng thực hiện mục tiêu cam kết trong COP26; Thiết lập cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công trình xanh; Cơ chế tài chính và phát huy các nguồn lực cho dự án xanh; Đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số thúc đẩy xây dựng công trình xanh bền vững…
Phiên toàn thể còn bao gồm Diễn đàn cấp cao thảo luận về khung chính sách nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững; Đề xuất, kiến nghị về mô hình điều kiện gia tăng nguồn cung - cầu về các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Triển vọng dài hạn của khu vực tư nhân hướng tới công trình cân bằng năng lượng vào năm 2050; Cơ chế thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, những đề xuất mới, mô hình mới về công trình xanh tại Việt Nam…
Trong khuôn khổ của Tuần lễ công trình xanh 2022 còn diễn ra triển lãm công nghệ, vật liệu xây dựng, dự án đô thị xanh, công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng; lễ vinh danh các đơn vị có đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Trước đó, năm 2020, Bộ Xây dựng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc lần đầu tiên chủ trì Tuần lễ công trình xanh Việt Nam, hưởng ứng Tuần lễ công trình xanh thế giới.
Thông qua chuỗi sự kiện của Tuần lễ công trình xanh, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành cùng các bên liên quan trong thị trường xây dựng như các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu, các hội chuyên môn, các tổ chức tài chính, tổ chức đánh giá chứng nhận công trình xanh... cùng phân tích thực trạng, cơ hội, rào cản từ đó đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định: Tuần lễ công trình xanh Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Qua đó, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành các dự án, công trình theo tiêu chuẩn công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, đô thị xanh, hướng đến mục tiêu tăng chất lượng, tiện nghi sử dụng, đảm bảo sức khỏe người sử dụng, bảo vệ môi trường…
Theo ước tính, năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng chiếm gần 35% tổng năng lượng của các quốc gia. Kết quả khảo sát và đánh giá thực tế của của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới) cho thấy: Các công trình xây dựng tuân thủ quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD (về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả) tiết kiệm được 15-35% năng lượng so với các công trình được thiết kế và xây dựng theo cách thông thường. Do đó, tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng rất quan trọng. Việc thúc đấy phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng là vô cùng cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: Các thành phố và các tòa nhà cũng chính là một nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm không khí. Song nếu các thành phố và tòa nhà được xanh hóa với các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, thì chúng có thể đóng góp đáng kể vào ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Bà Caitlin Wiesen ủng hộ việc tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng.
“Việc thúc đẩy phát triển công trình xanh thông qua tích hợp các yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng trong thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành tòa nhà… chỉ có thể thực hiện được với sự nâng cao nhận thức và năng lực của các chủ đầu tư công trình, nhà phát triển xây dựng, những người vận hành công trình, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và cán bộ nghiệm thu công trình”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Phấn đấu hình thành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp vào năm 2025. |
Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả
Việc chủ trì tổ chức Tuần lễ công trình xanh Việt Nam chỉ là một trong những chương trình hành động của Bộ Xây dựng nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26.
Ngày 12/5/2022, tại Quyết định 385/QĐ-BXD, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Kế hoạch hành động).
Kế hoạch hành động xác định rõ 3 đối tượng, lĩnh vực ưu tiên gồm quy hoạch, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; Khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng; Xây dựng và quản lý công trình.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch hành động là nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó của ngành Xây dựng với tác động của biến đổi khí hậu; Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả, phát triển ngành Xây dựng bền vững góp phần đạt được cam kết của Việt Nam tại COP 26 về phát thái ròng bằng “0” vào năm 2050.
Kế hoạch hành động sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn 2022 – 2030 và giai đoạn sau năm 2030
Ở giai đoạn 2022 – 2030, ngành Xây dựng thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính nhằm đạt mức giảm phát thải tối thiểu 74,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2td) so với kịch bản phát thải thông thường (BAU).
Đối với đô thị, lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính vào đồ án quy hoạch chung đô thị, vào trong các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. 100% các đô thị từ loại III trở lên khi lập quy hoạch đô thị mới hoặc điều chỉnh quy hoạch đô thị phải lồng ghép nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải các-bon thấp.
Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp; Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển khu đô thị xanh, phát thải các-bon thấp.
Đối với công trình xây dựng, đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá công nhận công trình xây dựng phát thải các-bon thấp. Đến năm 2030, lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành nhà ở chung cư giảm ít nhất 25% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2020. 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đối vật liệu xây dựng, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, phát thải các-bon thấp. Đến năm 2030, 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh…
Ở giai đoạn sau năm 2030, Kế hoạch hành động đặt ra mục tiêu: 100% các công trình xây dựng mới thực hiện kiểm kê khí nhà kính và áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Phát triển rộng rãi vật liệu xây dựng, công trình xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, đô thị theo hướng xanh, phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới; 10% đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải các-bon thấp; trên 50% công trình có vốn đầu tư công đạt tiêu chí công trình xanh; 100% các tòa nhà thương mại, chung cư có mức tiêu thụ năng lượng trên 1.000TOE tương đương được chứng nhận tòa nhà phát thải các-bon thấp…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch hành động đồng thời đề ra nhiều giải pháp như khuyến khích các doanh nghiệp ngành Xây dựng sử dụng vật liệu xanh, phát thải các-bon thấp trong thi công xây dựng công trình; Nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất vật liệu xanh, xây dựng công trình, hạ tầng, đô thị xanh, phát thải các-bon thấp phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Với các chương trình hành động nói trên, ngành Xây dựng đang thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “Thực hiện đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp”.
Phúc Minh
Theo