Thứ tư 15/01/2025 11:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Ngành thép tránh "tầm ngắm" phòng vệ thương mại từ các nước

14:54 | 07/10/2019

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép là một trong những ngành phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống lẩn tránh thuế, bán phá giá.


Công nhân nhà máy thép thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn NS BlueScope (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang đóng gói thành phẩm thép mạ. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng lợi không còn là vấn đề mới đối với ngành thép cũng như nhiều ngành hàng khác.

Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp thép trong nước thua thiệt về sức cạnh tranh trên trường quốc tế mà còn có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của cả ngành thép.

Nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp cho rằng, không có cách nào khác là tăng cường hơn nữa việc xác minh xuất xứ hàng hóa và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong việc chống gian lận.

Xuất khẩu khó khăn

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép là một trong những ngành phải đối mặt với các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, bán phá giá...

Chỉ trong vài tháng gần đây, xuất hiện nhiều vụ khởi xướng điều tra và kết luận sơ bộ về các sản phẩm thép Việt lẩn tránh thuế, bán phá giá.

Đơn cử như Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo quyết định sơ bộ khẳng định thép carbon chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) hay Hiệp hội Thép Việt Nam và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cảnh báo những nguy cơ thị trường Canada có thể sẽ áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế của thép Việt...

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, tự vệ thương mại, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế... khiến thị trường xuất khẩu có nguy cơ gặp nhiều khó khăn.

Số liệu từ Hiệp hội Thép cho thấy, sản xuất thép thành phẩm tháng 8/2019 chỉ đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 1,15% so với tháng trước; sản lượng tiêu thụ đạt 1,8 triệu tấn, giảm 10,34% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thép chỉ đạt hơn 355.000 tấn, giảm 2,74% so với tháng 7/2019 và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Phòng vệ thương mại cho hay các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng.

Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng như sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử...

Bên cạnh đó, các nhãn hiệu thép trong nước bị làm giả, làm nhái cũng đã xảy ra.

Chẳng hạn mới đây, Công an Thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả sản phẩm ống thép “nhái” của Tập đoàn Hòa Phát.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc xâm phạm thương hiệu, làm giả hàng hóa được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Theo đại diện Tập đoàn Hoà Phát, tình trạng làm giả trong nước không đáng lo ngại bằng việc các doanh nghiệp gian lận về xuất xứ hàng hóa, khai gian các mã hàng để hưởng lợi.

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh mà còn làm xấu đi hình ảnh thép Việt và rất dễ bị đưa vào “tầm ngắm” phòng vệ thương mại của các nước.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, rất nhiều vụ kiện đối với ngành thép trong nước thời gian qua xuất phát từ việc sản phẩm nước ngoài chuyển sản phẩm qua Việt Nam gia công để lấy xuất xứ từ Việt Nam.

Việc gian lận thương mại này gây ảnh hưởng lớn đến hàng Việt khi xuất khẩu sang các thị trường, làm thu hẹp thị trường hàng Việt.

Trong khi đó, hàng gian lận của nước ngoài lại được hưởng lợi một cách thiếu minh bạch khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính bị mất uy tín trên thị trường.

Đặc biệt, với thủ đoạn lách thuế, nhiều sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam có giá rất rẻ so với các sản phẩm trong nước và lúc này rất cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan.

Chia sẻ quan điểm của mình, tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng, sẽ là thảm họa nếu hàng hóa nước ngoài "mượn" mác Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang các thị trường khác. Điều này sẽ tác động tiêu cực trong dài hạn tới cả ngành hàng.

Chống gian lận bằng cách nào?


Sản xuất phôi thép tại nhà máy luyện thép. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Để giải quyết và xử lý hiệu quả các vi phạm về hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ các ngành hàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại thành lập Tổ thường trực Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" và sớm hoàn thiện kế hoạch hành động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.

Trước mắt, tập trung vào nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao như gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản, thép, nhôm.

Bộ trưởng cũng đề nghị các tổ chức cấp C/O (chứng nhận xuất xứ), cơ quan hải quan siết chặt việc cấp C/O, tăng cường kiểm tra đối với các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng đột biến.

Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các hiệp hội, ngành hàng có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh, gian lận xuất xứ; rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất...

Đây là động thái cần thiết để nâng cao công tác kiểm soát xuất xứ hàng hóa, chống gian lận.

Ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, các cơ quan chức năng cần có chính sách bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ “sân nhà”, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

Đặc biệt, đẩy mạnh sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, ngăn chặn hàng kém chất lượng, bán phá giá tại thị trường Việt Nam nhằm bảo vệ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở các doanh nghiệp. Là ngành chịu nhiều áp lực từ phòng vệ thương mại nên sự chủ động trong cung ứng nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng.

Hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) để sản xuất thép tấm lá và các loại tôn.

Điều này giúp doanh nghiệp tránh được việc khởi kiện, áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường lớn, điển hình như Hoa Kỳ hay các thị trường khác.

Thực tế cho thấy, trong rất nhiều vụ việc liên quan đến kiện phòng vệ thương mại, thép Hòa Phát là đơn vị phòng tránh tốt nhờ chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ, năng lực cạnh tranh của mình.

Tập đoàn Thép Hòa Phát đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra trong việc trả lời và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu, phản biện các lập luận của nguyên đơn...

Do vậy, Tập đoàn không bị áp thuế khi xuất khẩu sang EU hay phía Australia tuyên bố thép Hòa Phát không bán phá giá thép cuộn sang thị trường này là những minh chứng rõ nét khi doanh nghiệp chủ động hợp tác giải quyết vấn đề.

Ngoài việc phối hợp trong các vụ kiện, đại diện lãnh đạo Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho rằng, áp dụng công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, rõ ràng về xuất xứ cũng là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp.

Với khu liên hợp gang thép Dung Quất, Hòa Phát sẽ sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối.

Qua đó, giúp nâng năng lực cạnh tranh và giảm thiểu tối đa việc “dính” tới kiện lẩn tránh thuế, chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu.

Khuyến cáo tới các doanh nghiệp thành viên, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp phải cùng phối hợp, cung cấp thông tin cho Hiệp hội để tránh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nóng sang các thị trường mới như Canada, Mexico.

Bởi, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, việc này sẽ giảm những thiệt hại khi các quốc gia khởi xướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường bảo vệ sản xuất trong nước bằng các hàng rào kỹ thuật, thương mại với các công cụ phòng vệ thương mại hiệu quả.

Đặc biệt, ngăn chặn việc chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những công nghệ không thích hợp, tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường như các lò điện cảm ứng sản xuất thép./.

Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Thay đổi khung thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông

    (Xây dựng) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực khoáng sản; trong đó có Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

  • Nhà đẹp 2025: Cửa nhôm kính có thực sự là yếu tố quyết định?

    (Xây dựng) - Khi nhắc đến một ngôi nhà hiện đại, chúng ta thường hình dung ra không gian mở, tràn ngập ánh sáng tự nhiên và đầy tính thẩm mỹ. Nhưng liệu cửa nhôm kính – một yếu tố đang rất thịnh hành – có thực sự giữ vai trò quyết định trong việc tạo nên vẻ đẹp của ngôi nhà?

  • Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam: Phát triển công nghệ bê tông Việt Nam bền vững, đáp ứng yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng trong kỷ nguyên mới

    (Xây dựng) – Là tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội Bê tông Việt Nam không chỉ hoạt động chuyên môn về lĩnh vực vật liệu mà còn quan tâm cả công nghệ thi công đến thiết kế kết cấu công trình. Trước yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong kỷ nguyên mới, Hội Bê tông Việt Nam xác định các nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các dự báo, định hướng phát triển cho công nghệ bê tông ở Việt Nam, đáp ứng thực tiễn xây dựng của đất nước cũng như đảm bảo tính bền vững của công trình. Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam về những nhiệm vụ quan trọng này.

  • Đôn đốc các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống phát điện từ nhiệt thải

    (Xây dựng) - Bộ Xây dựng vừa có Văn bản 75/BXD-VLXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại các dây chuyền sản xuất xi măng.

  • Bắc Giang: Tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trong diện tích dự án đầu tư xây dựng

    (Xây dựng) – Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, sử dụng khoáng sản trong diện tích dự án trên địa bàn tỉnh.

  • Vụ mỏ cát 370 tỷ: Hủy kết quả đấu giá, phạt Công ty MT Quảng Đà 17 triệu đồng

    (Xây dựng) – UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vừa đưa ra quyết định hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B tại xã Điện Thọ được tổ chức vào ngày 19/10/2024. Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (Công ty MT Quảng Đà) cũng bị xử phạt 17 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá này.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load