(Xây dựng) - Thời gian qua, ngành Giao thông vận tải Hà Nội đã thực sự “đi trước mở đường”, đặc biệt trong công tác đầu tư hạ tầng giao thông, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông. Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn về vấn đề này.
Ông Ngô Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội. |
PV: Rất cảm ơn sự tham gia của ông Ngô Mạnh Tuấn vào buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Xin ông cho biết những đột phá đầu tư dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong năm 2020?
Ông Ngô Mạnh Tuấn: Năm 2020, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố và các đơn vị liên quan đưa vào khai thác, sử dụng các công trình góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, như: Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên; đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dưới thấp và trên cao; đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng, đường vành đai III dưới thấp qua hồ Linh Đàm và kết nối với Vành đai III trên cao.
Đồng thời triển khai hoàn thành 117 công trình sửa chữa, cải tạo chống xuống cấp, công trình thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông và các công trình xử lý khắc phục sự cố... Nhờ đó, giao thông đã và đang phát huy tích cực vai trò nguồn lực quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố.
PV: Phương tiện giao thông tiếp tục tăng nhanh, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chưa được bố trí, quy hoạch tương ứng. Sự phát triển mất cân đối này đã ảnh hưởng đến giao thông Hà Nội thế nào, thưa ông? Hiện Hà Nội còn bao nhiêu điểm ùn tắc giao thông?
Ông Ngô Mạnh Tuấn: Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông hiện mới đạt 10,07%, trong khi theo yêu cầu, tỷ lệ này phải đạt từ 20 - 26%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng ô tô lên tới 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phức tạp hơn. Điển hình như cầu Thanh Trì có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Một số tuyến giao thông chính như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng...vào các giờ cao điểm lưu lượng phương tiện cũng vượt 1,1 - 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.
Đối với các điểm ùn tắc giao thông, trong năm 2020, Sở đã xử lý 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 “điểm đen” giao thông. Năm 2021, tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10/26 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới.
PV: Vào giờ cao điểm, đặc biệt là Tết Nguyên đán đang đến gần, nhiều tuyến đường của Thủ đô rơi vào tình trạng hỗn loạn, ùn tắc kéo dài. Sở đã có phương án xử lý như thế nào để giải quyết tình trạng này, thưa ông?
Ông Ngô Mạnh Tuấn: Công tác tổ chức giao thông được Sở thực hiện thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, linh hoạt với nhiều giải pháp tích cực góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đặc biệt là công tác đảm bảo giao thông đi lại trong dịp Lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng. Thường xuyên chỉ đạo Thanh tra Sở, Ban duy tu phối hợp với Công an Thành phố, các quận, huyện trên địa bàn khảo sát, tổ chức lại giao thông, cải tạo hạ tầng, bổ sung đèn tín hiệu, điều chỉnh chu kỳ đèn cho phù hợp với lưu lượng thực tế trên các tuyến đường, nút giao thông.
Những điểm ùn tắc ngoài lực lượng chức năng chuyên ngành, các quận huyện cũng đã cử lực lượng dân phòng, an ninh trật tự của quận, huyện tham gia phân luồng tổ chức giao thông.
Sở cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành, thực hiện nhiệm vụ rà soát, khảo sát, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý đảm bảo an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Qua rà soát, Sở đã xác định 9 nhóm nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng ùn tắc giao thông là: Do quá tải của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; Do xung đột giao thông tại một số các nút giao thông có mật độ giao thông cao gây ùn tắc giao thông; Do đầu tư tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông; Do một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hay chưa hoàn chỉnh dẫn đến tạo thành các nút cổ chai; Do xảy ra sự cố giao thông trên các tuyến đường giao thông có mật độ giao thông cao; Một số các tuyến phố giao cắt với các ngõ nhỏ, tuyến phố có nhiều đường ngang giao cắt dễ gây ùn tắc giao thông; Ảnh hưởng của thời tiết khi mưa, bão gây ra tình trạng úng ngập cục bộ trên đường giao thông; Các khu vực trường học, bệnh viện, nơi tập trung đông người cũng dề ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; Do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đi sai làn, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè, đi điền vào chỗ trống, dừng đỗ xe trái quy định…dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Để từ đó đã đề xuất 9 nhóm giải pháp tương ứng.
Hà Nội đang từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, hiện đại (Ảnh: Lê Tùng). |
PV: Nhằm từng bước xây dựng giao thông thông minh, thành phố đang nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ quản lý, điều hành và điều tiết giao thông. Vậy giải pháp này đã được triển khai thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Mạnh Tuấn: Trong thời gian thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Giao thông vận tải đang phối hợp với các Sở ngành liên quan để xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh và nghiên cứu hợp tác với các đối tác nước ngoài để xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng và phương tiện giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến.
PV: Xin ông cho biết một số kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới của Sở?
Ông Ngô Mạnh Tuấn: Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố tập trung giải quyết một số yêu cầu về đầu tư để hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông nhằm kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh cũng như kết nối Thủ đô Hà Nội với các địa phương thuộc vùng Thủ đô, trong đó gồm: Tuyến đường hướng tâm: Quốc lộ (QL) 1A, QL 3, QL 6, QL 21, QL 21B; các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía nam...; các đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5, đường Vành đai 4, Vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông: cầu Tứ Liên; cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở (vành đai 4); cầu Ngọc Hồi (vành đai 3,5); cầu Ðuống 2 (trên QL 1A cũ)…
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải tham mưu để thành phố đẩy mạnh đầu tư mạng lưới giao thông của năm huyện theo đề án lên quận; từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối cho các địa phương còn khó khăn về giao thông... Cùng với đó là việc tiếp nhận từ Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Ðông) và hoàn thành tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai...
Để cụ thể hóa được các mục tiêu nêu trên, tôi cho rằng cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sắp xếp các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trong đó xúc tiến chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án mới, các dự án mang tính động lực.
Năm 2021, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất Thành phố triển khai đầu tư xây dựng 78 công trình giao thông. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá tạo nguồn thu, cũng như tạo mặt bằng phục vụ thi công, để các dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng đề ra.
PV: Cảm ơn ông đã tham gia buổi phỏng vấn!
Kim Thoa – Khánh Hòa
Theo