Hòa vào cảnh sắc làng quê, những cây cổ thụ sống qua 4 - 5 thế kỷ đến nay vẫn xanh tốt đang là niềm tự hào của người dân xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Người dân xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) tự hào vì địa phương có nhiều cây cổ thụ được vinh danh Cây di sản Việt Nam. Tại đền mẫu Cây Sanh (xã Minh Phú) có một cây bồ kết sống qua 5 thế kỷ đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy đã bị rỗng ở phần gốc song cây bồ kết vẫn đứng vững trước nhiều cơn bão mạnh, và phần vỏ cây hiện đang dần liền lại.
Xung quanh thân cây có 4 chồi đang vươn lên mạnh mẽ, đến nay chiều cao đạt gần 10 mét.
Cây bồ kết 500 tuổi trong đền mẫu Cây Sanh.
Cũng nằm trong khuôn viên đền mẫu, cây sanh 500 tuổi có tán che phủ khoảng sân rộng hàng trăm mét vuông.
Theo ông Dương Văn Thơm (thủ nhang đền mẫu Cây Sanh) phần thân chính đã không còn, bộ rễ của cây hiện phát triển mạnh mẽ, che phủ cả một vùng rộng lớn tạo thành vòm như đi dưới tán rừng già.
Phần thân chính của cây sanh đã được thay thế bằng bộ rễ chắc khỏe. Tại đền mẫu Cây Sanh, cả cây bồ kết và cây sanh đều có tuổi khoảng 500 năm, cùng được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cũng tại xã Minh Phú, chùa Phú Thịnh có tới 4 cây di sản quí hàng trăm năm tuổi. Trong ảnh là cây táo ta cổ thụ trên 100 năm tuổi.
Người dân cho biết, vì là giống táo ta nên quả nhỏ, ăn có vị ngọt vừa phải, khi nhai không giòn mà bột.
Cạnh cây táo ta là cây đa lông có bộ rễ rất đẹp cùng nằm trong khuôn viên chùa Phú Thịnh.
Các rễ rủ của cây đa lông đã phát triển thành như một thân mới chắc khỏe, cho thấy vẻ bề thế và vững chắc.
Từ thân chính, cây đa lông chia thành 8 nhánh vươn lên và xòe rộng rất đẹp.
Tại chùa Phú Thịnh hiện nay có 1 cây táo ta, 2 cây đa lông, 1 cây đa tía đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Một cây đa lông khác nằm tại Nhà văn hóa thôn Phú Thịnh cũng được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Như vậy toàn xã Minh Phú đã có đến 9 cây cổ thụ được công nhân là Cây di sản Việt Nam. Trước đó một cây nhãn cổ thụ, một cây sanh cổ thụ đã bị chết.
Theo Hữu Nghị/Dantri.com.vn