Thứ sáu 29/03/2024 13:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nếu kiểm soát không tốt việc đưa dân về quê sẽ bùng phát dịch ở nhiều địa phương

19:06 | 27/07/2021

(Xây dựng) - Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đợt 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ngày càng phức tạp, số người nhiễm vẫn chưa giảm, các bệnh viện thu dung quá tải, lực lượng y, bác sỹ và tình nguyện viên tuyến đầu làm việc với công suất 200%, người dân trong các khu phong tỏa gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là dân lao động tự do, hợp đồng thời vụ, sinh viên… càng thêm thiếu thốn và vất vả. Do vậy, trong những ngày qua nhiều địa phương trên cả nước đã lên kế hoạch đón người dân về quê để họ bớt khó khăn, tuy nhiên điều này cũng dấy lên lo ngại về việc nhiều tỉnh thành không đủ điều kiện, hoặc ý thức chấp hành của người dân không tốt có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh tại địa phương.

neu kiem soat khong tot viec dua dan ve que se bung phat dich o nhieu dia phuong
Hãng hàng không Bamboo Airways phối hợp đưa người lao động Thanh Hóa từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê.

Nỗ lực đưa người về quê

Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, lãnh đạo các địa phương đã lên phương án hỗ trợ công dân tỉnh nhà về quê nhằm giảm áp lực cho tỉnh bạn và giúp người dân an toàn mùa dịch. Tuy nhiên, điều lo ngại là nguy cơ bùng dịch ở tỉnh khi lượng người về đông, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của một số tỉnh còn hạn chế.

UBND tỉnh Thanh Hóa mặc dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là về điều kiện nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, cơ sở vật chất cho các khu cách ly y tế tập trung, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn đề ra quyết tâm chính trị rất cao, đó là đón khoảng 1.000 đồng bào mình về quê an toàn vừa đảm bảo phòng, chống dịch, cũng nhằm giảm tải cho Thành phố Hồ Chí Minh trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp này. Hơn cả trách nhiệm, đó chính là tấm lòng, nghĩa đồng bào, tình người cao cả.

Một việc làm đòi hỏi sự khẩn trương, tuy nhiên cũng không thể vội vàng, việc tổ chức thực hiện đưa, đón đồng bào Thanh Hóa từ vùng dịch trở về quê phải được thực hiện theo các bước quy trình nhằm vừa đảm bảo an toàn vừa thể hiện được sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng, trách nhiệm và sẻ chia; cần sự quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong tỉnh cùng sự đồng thuận, chung tay của Hội đồng hương, người dân cả ở quê nhà và người dân đang sinh sống, lao động, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Hội đồng hương Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hiện nay số lượng người Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nguyện vọng về quê là rất lớn. Ngoài những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người già yếu, phụ nữ mang thai thì những người có điều kiện kinh tế cũng lo ngại cho sức khỏe của mình và gia đình nên muốn về quê. Tuy nhiên, nếu bà con về với số lượng đông thì tỉnh Thanh Hóa khó có khả năng đáp ứng điều kiện đưa đón, ăn ở, điều kiện cách ly, xét nghiệm. Chính vì vậy, chỉ có thể đăng ký cho những đối tượng thật sự khó khăn và cấp thiết để được về quê.

Theo ông Cầm Bá Thắng, Giám đốc Trung tâm y tế, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Thường Xuân cho biết, huyện có khoảng 11.000 người đang lao động ngoài tỉnh. Từ ngày 27/4 đến nay, huyện có hơn 1.100 người từ các vùng dịch trở về địa phương được cách ly tại khu cách ly tập trung và tại nhà. Nếu thời gian tới công dân ồ ạt về quê, huyện sẽ rất khó thu xếp nơi ăn chốn ở chu tất cho bà con. “Không chỉ lo ngại không đáp ứng đủ nơi ăn chốn ở cho bà con ở khu cách ly mà còn lo ngại nguy cơ bùng dịch sau khi cách ly tập trung 21 ngày. Thực tế cho thấy, có một số trường hợp dương tính sau khi công dân hoàn thành cách ly, trở về cộng đồng”, ông Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, nhiều người dân địa phương tỏ ra rất nóng lòng lo cho người thân ở vùng dịch, nhưng bên cạnh đó cũng bày tỏ quan ngại. Một tài khoản Facebook viết: “Thiết tha đề nghị mọi người đừng nôn nóng gây áp lực phải về quê để tránh dịch nữa. Xin hãy bình tĩnh. Hãy nhìn nhận vấn đề hiện tại vì sao mà lần lượt các tỉnh thành trong cả nước công bố thực hiện Chỉ thị 16. Vì dịch bệnh bùng phát mạnh, mọi người xem xét kỹ liệu có phải do di chuyển từ vùng dịch lớn về các nơi không?”.

Trước đó, ngày 21/7 tỉnh Thanh Hóa đã lên kế hoạch đón công dân là người Thanh Hóa đang làm việc, sinh sống, học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu thực sự cấp thiết và có nguyện vọng về quê. Cụ thể, công dân Thanh Hóa sẽ được UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn FLC đón về quê trên máy bay của Hãng hàng không Bamboo Airways.

Đối tượng tiếp nhận là người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do mất việc làm; người già trên 65 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em dưới 15 tuổi thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; phụ nữ mang thai thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn; người bị mắc kẹt do thăm người thân, đi công tác.

UBND tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ chỉ đón công dân từ vùng tâm dịch lớn nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh và chia thành 6 đợt với tổng số khoảng 1.000 người. Cụ thể các đợt vào các ngày 5/8, ngày 6/8, ngày 25/8, ngày 26/8, ngày 20/9 và ngày 21/9. Các chỉ tiêu về quê sẽ được phân bổ theo các huyện, thị, thành phố và do các Hội đồng hương 27 huyện, thị, thành phố xét duyệt, trình Hội đồng hương tỉnh và tỉnh phê duyệt. Bà con liên hệ đăng ký với các đầu mối 27 huyện, thị, thành phố đã được phân công chính thức, tạm ngưng liên lạc với các số điện thoại của một số cá nhân được phân công tạm thời lúc đầu.

Công dân sẽ được tiếp nhận tại Cảng hàng không Thọ Xuân. Khi trở về địa phương, công dân sẽ được tổ chức cách ly tập trung 21 ngày tại: các khu cách ly tập trung của tỉnh; tại cơ sở cách ly khách sạn, nhà nghỉ có thu phí (theo nguyện vọng của công dân); tự cách ly và theo dõi y tế tại nhà 14 ngày.

Hỗ trợ người ở lại

Ông N T H, công dân Thanh Hóa sống tại Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn: “Không biết liệu dòng người từ các tỉnh phía Nam ồ ạt về quê tránh dịch Covid-19, địa phương sẽ chuẩn bị như thế nào về nguồn lực, cơ sở vật chất cách ly cũng như công tác chống dịch. Không chỉ tỉnh nhà Thanh Hóa, các tỉnh khác cũng nguy cơ rất cao khi hiện nay nguồn lực kinh tế địa phương đang bị ảnh hưởng nhiều do Covid-19. Theo tôi biết, trang thiết bị y tế, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị ở địa phương hạn chế hơn so với các thành phố lớn, đặc biệt là nguồn vắc-xin ở các tỉnh chưa được cấp nhiều. Nếu như địa phương bùng phát dịch thì sẽ rất nguy hiểm!”.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12 cùng với chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhằm siết chặt quản lý, sớm đẩy lùi sự bùng phát của dịch bệnh, đồng thời quan tâm đến nguồn cung cấp thực phẩm, dịch vụ thiết yếu của người dân thông qua các chương trình hỗ trợ người dân với phương châm không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Trịnh Xuân Hải, công dân Thanh Hóa sinh sống và làm việc lâu năm tại Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm. “Trừ các trường hợp đặc biệt khó khăn hoặc vì lý do nhân đạo được hồi hương, nên ưu tiên ủng hộ cho việc chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hãy giúp đỡ những người con Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh để họ ổn định cuộc sống. Tránh tối đa việc di chuyển, sắp tới sẽ được tiêm vắc-xin, dịch bệnh sẽ qua đi”.

Bên cạnh đó, Hội đồng hương Thanh Hóa và CLB Doanh nhân Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam (HTBC) đã phát động phong trào kêu gọi các nhà tài trợ, các mạnh thường quân chung tay đóng góp tiền và lương thực thực phẩm ủng hộ bà con đồng hương yếu thế, thất nghiệp, lâm vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch. Chỉ chưa đầy một tuần kêu gọi đã quyên góp được gần 1,8 tỷ đồng và 30 tấn gạo cùng một số hàng hóa, lương thực thực phẩm.

neu kiem soat khong tot viec dua dan ve que se bung phat dich o nhieu dia phuong
Danh sách đại diện Ban liên lạc đồng hương Thanh Hóa tại miền Nam để người dân đăng ký khi có nhu cầu về quê.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Trưởng ban Hỗ trợ - Hội đồng hương Thanh Hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo đến đại diện đồng hương Thanh Hoá của 27 huyện, thị, thành phố tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tình nguyện viên hỗ trợ HTBC: Thu thập thêm các trường hợp gia đình, cá nhân đồng hương Thanh hoá tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tập hợp danh sách đợt 1 gửi về cho Ban hỗ trợ trong ngày 28/7 để Ban gửi đến Ban xã hội - HTBC xem xét cứu trợ gấp cho bà con bằng tiền, lương thực theo phê duyệt của Ban xã hội. Tiếp tục thu thập các trường hợp cần hỗ trợ sau đợt 1 và gửi đến Ban trước ngày 5/8/2021.

“Các ông, bà đầu mối Hội đồng hương 27 huyện, thị, thành phố, các tình nguyện viên tại Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng, chịu vất vả thêm để cứu giúp cho các cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có cơ hội về quê, yên tâm ở lại Thành phố Hồ Chí Minh hay đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để Hội đồng hương và HTBC cứu trợ kịp thời!”, ông Thắng nhấn mạnh.

Phương Mai – Minh Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load