(Xây dựng) - Đình Tiền Lệ nằm trên địa phận thôn Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Đây là một công trình kiến trúc cổ đã được người xưa hưng công từ lâu đời và là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Di tích còn giữ được những giá trị kiến trúc, nghệ thuật thời Lê và được gọi theo tên thôn là đình Tiền Lệ.
Đình Tiền Lệ tọa lạc theo hướng Tây ngay sát đê sông Đáy, phía trước là cánh đồng đất bãi ven sông, phía sau dựa vào triền đê uốn lượn. Đình được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 02/6/2011.
Đình kết cấu theo kiểu chữ “Đinh” với các hạng mục đại bái và hậu cung. Đại bái là một công trình đồ sộ gồm 5 gian, 2 trái dài 22m, chiều rộng lá mái 13,8m. Ba gian giữa có kích thước bằng nhau, hai gian kế bên nhỏ hơn.
Ở giữa bậc tam cấp tạc đôi rồng đá hướng mặt tiền tạo thành lối đi nhỏ dẫn vào gian giữa đại bái.
Từ sân bước lên là ngưỡng cửa đại bái, ngước đầu lên là những đầu bảy chìa ra đỡ lấy mái hiên được chạm khắc hình ảnh rồng đang vờn mây tinh xảo.
Giống như những ngôi đình thời Lê khác, đình Tiền Lệ là ngôi đình sàn với nhiều dấu tích lỗ mộng còn trên thân cột và ván. Chính giữa làm khảm lửng, hai bên là hai ban thờ, hậu cung là nhà dọc hai gian nối từ gian giữa vào trong.
Những họa tiết được trạm khắc kỳ công ở gian giữa với hình đầu rồng mang đậm dấu ấn thời Lê
Hậu cung được đắp hình hổ phù ngậm chữ “thọ” rất rõ nét làm tôn thêm tính thẩm mỹ cho ngôi đình cổ.
Trên bờ nóc được trang trí hệ thống hoa tranh và lưỡng long chầu nguyệt với hình tượng đôi rồng uốn lượn hình sóng nước đầu hướng cao mang đậm phong cách trang trí thời Lê.
Linh vật ngậm hoa chanh trong tư thế chạy lên bờ nóc đầu hướng phía trước, chân đạp phía sau, đuôi cuốn hình tròn nhô cao thành các tia lửa sống động.
Trải qua hơn 4 thế kỉ, qua biết bao thăng trầm, ngôi đình Tiền Lệ vẫn giữ được vẹn nguyên những giá trị của kiến trúc cổ thời Lê.
Kiều Nhung (sinh viên thực tập Báo ảnh K33)
Theo