Lợi thế cho các tỉnh thành Việt Nam
Trong quá trình hiện đại hóa đất nước, việc thu hút nguồn vốn FDI nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của đất nước là một yêu cầu tất yếu đặt ra ở các tỉnh thành Việt Nam. Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế lớn, có đội ngũ DN hùng hậu, bởi vậy việc thu hút FDI từ một đối tác như Nhật Bản là một định hướng chiến lược và chính sách hoàn toàn đúng đắn của các tỉnh thành Việt Nam. Công tác xúc tiến đầu tư được coi là yếu tố không thể thiếu nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn FDI. Hội nghị Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2013 (www.vietnamjapan40.org) chính là một trong những phương án kết nối, liên kết đầu tư trực tiếp, hỗ trợ xúc tiến đầu tư cho các tỉnh thành của Việt Nam.
Các địa phương sẽ được bố trí không gian trưng bày triển lãm
về quy hoạch, dự án của địa phương mình.
Chẳng phải đi đâu xa, ngay tại Hội nghị Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản 2013, các địa phương, DN, các tổ chức của Việt Nam vẫn có cơ hội được gặp gỡ, giới thiệu chi tiết và quảng bá trực tiếp về những dự án mà địa phương đang có nhu cầu thu hút đầu tư Nhật Bản. Tại đây, các địa phương sẽ được bố trí không gian trưng bày triển lãm về quy hoạch, dự án của địa phương mình. Ngoài ra, còn có không gian độc lập khi cần thương thảo với các nhà đầu tư. Cùng với đó là rất nhiều hoạt động bên lề có thể tạo điều kiện cho các tỉnh thành tiếp cận sâu với nhà đầu tư Nhật Bản. Sau sự kiện này, chắc chắn sẽ nhiều tỉnh thành, nhiều DN, tổ chức của Việt Nam có những thỏa thuận đầu tư hợp tác mới với đối tác Nhật Bản để góp phần đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH đất nước.
Lợi thế cho các nhà đầu tư Nhật Bản
Một trong những mục tiêu quan trọng của sự kiện Hội nghị này chính là sự kiện mang lại lợi thế cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong các lĩnh vực Nhật Bản có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu hợp tác. Với cách thức tổ chức phong phú cùng nhiều hoạt động song song, Hội nghị giúp đối tác, DN Nhật Bản tìm hiểu về cơ hội đầu tư vào Việt Nam và tìm hiểu chi tiết các tỉnh, TP hay DN cụ thể nào đó mà các đối tác Nhật Bản quan tâm. Hội nghị sẽ mang đến cơ hội cho các đối tác, DN Nhật Bản được tiếp cận với Lãnh đạo cao nhất đại diện cho các tỉnh thành địa phương của Việt Nam để hiểu rõ hơn về nội dung, chính sách ưu tiên cũng như hệ thống thu thuế mà địa phương sẽ áp dụng. Ngoài ra, các đối tác, DN Nhật Bản có thể hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam qua các buổi tham quan, tiếp xúc và giao lưu văn hóa bên lề sự kiện.
Đối tác Nhật Bản sẽ được thăm quan một số địa bàn dự án điển hình.
( Chi tiết tại: www.vietnamjapan40.org)
Các đối tác Nhật Bản được miễn phí toàn bộ chi phí ăn, nghỉ và đón tiếp trọng thị trong 03 ngày tham gia Hội nghị cùng các sự kiện bên lề. Trong ngày cuối của Hội nghị, các đại biểu, quan khách còn được tham gia khảo sát đầu tư thực địa tại một số địa phương và sẽ được giới thiệu trực tiếp các mô hình kinh tế và các hình thức đầu tư có thể triển khai. Qua đó, các đối tác có thể nắm được tình hình thực tế một cách cụ thể nhất, trực diện nhất cho những dự án tiềm năng mà mình quan tâm. Với những ý nghĩa như thế sự kiện “Hội nghị Kinh tế Hợp tác đầu tư Việt Nam - Nhật Bản 2013” có thể xem là sự kiện nổi bật với nhiều yếu tố độc đáo và ý nghĩa. Hy vọng, đây sẽ là sự kiện góp phần tăng cường các mối liên kết và thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Hữu nghị Việt - Nhật Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia nằm trong vùng khí hậu gió mùa, cùng thuộc trong vùng nông nghiệp trồng lúa nước lâu đời của châu Á. Hai quốc gia đều cùng chịu ảnh hưởng nền văn hóa phương Đông, vì thế có nhiều điểm tương đồng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo. Theo ghi chép lịch sử, vào nửa cuối thế kỷ XIII, cả hai dân tộc Việt - Nhật đều đã từng bị đế quốc Nguyên Mông xâm lược và quân Nguyên Mông đã bị 3 lần đánh bại ở Đại Việt vào các năm 1258, 1285, và 1288. Quân Nguyên Mông cũng bị Nhật Bản đánh bại 2 lần vào các năm 1274 và 1281. Mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam bắt đầu từ cuối thế kỷ XVI khi các lái buôn Nhật đến buôn bán ở Việt Nam tại cửa biển Hội An của Quảng Nam. Khoảng một thế kỷ sau đó, qua quá trình tiến triển Hội An trở thành "phố Nhật Bản" (có tên gọi Nhật là Nihon Machi) lớn nhất của Việt Nam. Đây là khu vực có vai trò và ý nghĩa như một trung tâm buôn bán, giao lưu của người Nhật với Đông Nam Á. Phố cổ Hội An, trước đây là một thương cảng sầm uất đã từng chứng kiến biết bao câu truyện về mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Ngày nay, ngay tại khu vực phố cổ Hội An và các khu vực lân cận vẫn còn ghi dấu qua những cổ vật hàng trăm năm. Sau đó, Việt Nam chính thức lập quan hệ ngoại giao với Nhật Bản vào ngày 21/9/1973. Nhân dân Việt Nam luôn khâm phục ý chí vươn lên và luôn đổi mới sáng tạo của nhân dân Nhật Bản trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời coi trọng và phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản là chủ trương nhất quán và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn nhất của Việt Nam và cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược bền vững. Quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản phát triển nhanh chóng ở mọi lĩnh vực. Năm 2013, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với những trang lịch sử của 40 năm thăng trầm trong quan hệ giữa hai quốc gia. Thủ tướng Shinzo Abe đã từng khẳng định việc ông lựa chọn Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài ngay sau khi nhậm chức cho thấy Nhật Bản coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam như một đối tác tin cậy tại khu vực, đồng thời cam kết sẽ góp phần thúc đẩy cho mối quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Trong cuộc điện đàm gần đây nhất (01/8/2013) giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe nhân dịp Thủ tướng Shinzo Abe đã giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua, hai Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽn hằm góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia ngày càng phát triển toàn diện. Hai Thủ tướng nhất trí triển khai hiệu quả các cơ chế đối thoại về các lĩnh vực hợp tác, tăng cường phối hợp nhằm triển khai hiệu quả các thỏa thuận giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ODA... Công tác tổ chức các hoạt động của Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013 sẽ được hai Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm tăng cường tình hữu nghị, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được ngày càng tốt đẹp và bền vững. Vũ Thắng |
Khánh Phương
Theo baoxaydung.com.vn