Thứ bảy 20/04/2024 22:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nên giải oan cho pin mặt trời!

19:26 | 08/12/2020

(Xây dựng) - Hôm mới đây, nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ea Sup tại Đắk Lắk giai đoạn I có công suất 600 MWac/831 MWp, với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, điện lượng 1,5 tỷ kWh/năm đã thực hiện đấu nối và đóng điện trạm biến áp 500 KV. Theo chủ đầu tư, với công suất hiện có, đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á với gần 2 triệu tấm pin mặt trời.

nen giai oan cho pin mat troi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Nghe tin thì nhiều người cũng vui nhưng đồng thời cũng không khỏi ám ảnh khi nhớ lại một câu hỏi khá nóng trên diễn đàn Quốc hội gần đây, có đại biểu đặt vấn đề xử lý độc hại của pin mặt trời khi hết hạn sử dụng.

Đã từ lâu, pin và ắc quy nói chung luôn luôn là nguồn chất phế thải được các nhà khoa học khẳng định là chất thải độc hại đối với cuộc sống con người, cần phải được quản lý chặt chẽ. Nay, vào thời buổi người người làm điện mặt trời, nhà nhà lắp pin mặt trời trên mái nhà…, ai mà không nóng lòng nóng ruột!

Thế nhưng, theo các nhà khoa học, cũng là “pin” đấy nhưng chúng khác nhau ghê gớm, cũng tựa như thuộc “họ cỏ” đấy nhưng cây lúa thì được loài người nâng niu, còn nhiều loại cỏ khác thì chỉ cần thấy là diệt vậy.

Cụ thể đơn giản được diễn giải rằng, trong các thành phần cấu tạo chủ yếu của pin mặt trời, tấm kính cường lực và tế bào quang điện được sản xuất từ cát với thành phần chủ yếu là Oxit Silic (SiO2), là vật liệu để sản xuất các đồ dùng thường thấy trong đời sống hàng ngày như chai lọ thủy tinh đựng thức ăn...

Bên cạnh đó, lớp phủ polymer là lớp bảo vệ tế bào quang điện tránh bị mài mòn do môi trường thì phần lớn các nhà sản xuất pin mặt trời sử dụng PVF để làm nguyên liệu. PVF là một vật liệu polymer chủ yếu được sử dụng trong nội thất máy bay, làm áo mưa... Một số pin cao cấp hơn thì sử dụng lớp bảo vệ này được làm bằng kính cường lực…

Các nguồn thông tin cũng cho hay, nhiều cơ quan kiểm soát ở các bang và liên bang Mỹ đã cho tiến hành thí nghiệm để kiểm tra tính nguy hại đến môi trường của pin mặt trời, nhưng phần lớn các sản phẩm đều vượt qua các yêu cầu nghiêm ngặt và được các cơ quan này không đưa vào diện kiểm soát chất thải nguy hại.

Cũng theo các chuyên gia, tuổi thọ các tấm pin mặt trời kéo dài 20 - 30 năm, có những panel pin mặt trời từ những năm 1970, 1980 hiện vẫn còn đang được sử dụng. Đồng thời, có nhiều biện pháp khác nhau để xử lý những tấm pin mặt trời hết han, nhưng chung quy lại là tách các thành phần vật liệu cấu tạo nên panel (kính, cell, kim loại, plastic/polymer) để tái sử dụng, như các tấm thủy tinh thì làm chai lọ, các cell thì được xử lý hóa học để các nhà máy tái sử dụng sản xuất các cell cho panel mới có hiệu suất/hiệu quả cao hơn...

Vậy xin có đôi lời minh oan đỡ cho pin mặt trời so với các loại “pin” khác, cũng tựa như nỗi oan của việc loài người đưa lúa vào họ cỏ vậy!

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load