Chủ nhật 13/10/2024 14:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

17:47 | 16/05/2022

(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích Tài chính (IEEFA) cho biết, nền kinh tế Việt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu, đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu.

nang luong tai tao tro thanh yeu to quyet dinh tuong lai kinh te viet nam
Điện gió và điện mặt trời hiện đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế và sẽ là chìa khoá giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững.

Việt Nam cần thích ứng với ưu tiên trung hòa carbon

Báo cáo của IEEFA ước tính, các tập đoàn đa quốc gia đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Họ cũng đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do đó, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Chính vì vậy, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung cấp điện bổ sung. 2 nguồn năng lượng mới còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế và sẽ là chìa khóa giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp.

Do đó, một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Năm 2021, tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh rất nhiều các tập đoàn toàn cầu coi việc giảm phát thải trong chuỗi cung ứng là mối ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phi carbon hóa. Đáng chú ý, rất nhiều các doanh nghiệp trong số này có chuỗi cung ứng sâu rộng và lâu năm tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang có tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch.

Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết kiệm chi phí cũng là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon. Đó là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp và danh tiếng của doanh nghiệp, nếu triển khai chậm trễ.

Các doanh nghiệp sản xuất tăng tốc đầu tư vào điện tái tạo

Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất là sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán.

Với sự ủng hộ của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các hệ thống điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại (KCN&TM) đang hỗ trợ nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giúp giảm áp lực cho lưới điện, đồng thời giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN.

Do đó, phân khúc điện mặt trời áp mái KCN&TM đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh Nhà nước tạm thời đóng băng chính sách phát triển loại hình điện mặt trời quy mô trang trại. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phát triển điện mặt trời KCN&TM đã nhanh chóng cập nhật mô hình kinh doanh mới để không còn lệ thuộc vào trợ cấp Nhà nước và tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã gia nhập thị trường như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF hay Tập đoàn kinh tế SK Group của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này đã liên doanh với các đối tác trong nước và cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường điện mặt trời áp mái KCN&TM tại Việt Nam trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam với các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, từ đó thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp.

Mới đây, Tập đoàn Sembcorp ở khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng tại Bình Dương đã thông báo sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn đạt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành công tác chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để thí điểm cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp (cơ chế DPPA). Đây là một chính sách được các doanh nghiệp nóng lòng chờ đợi, đặc biệt là các bên tiêu thụ điện lớn có mục tiêu giảm phát thải tham vọng, nhưng lại không có đủ nguồn năng lượng sạch tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai thí điểm từ giai đoạn 2023-2024 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW. Ưu điểm của DPPA là giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và nhà máy điện tái tạo.

nang luong tai tao tro thanh yeu to quyet dinh tuong lai kinh te viet nam
Các chủ đầu tư như Sembcorp đang chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ.

Báo cáo của IEEFA lưu ý rằng, thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, Việt Nam đang phải cạnh tranh với Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu khu vực với tổng công suất tích lũy là 5,2GW. Do đó, việc triển khai cơ chế DPPA nhanh chóng với quy mô lớn hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu và tài nguyên thiên nhiên dồi dào như hiện nay.

Dịch Phong (ảnh: Internet)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load