Thứ bảy 12/10/2024 07:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

16:07 | 11/03/2010


Các luật liên quan chưa đủ điều chỉnh toàn diện hoạt động đầu tư công.

Nâng cao hiệu quả đầu tư

Nói về sự cần thiết phải xây dựng Luật Đầu tư công, ông Nguyễn Xuân Tự - Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT), đại diện Ban Soạn thảo cho biết, thực trạng về đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước vào các lĩnh vực phục vụ công ích, không nhằm mục đích kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội. Phần vốn này được Nhà nước giao cho các bộ, ngành và các địa phương, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, xã hội quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

Hiện hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn của Nhà nước chịu sự điều chỉnh bởi nhiều luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Quản lý nợ công, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước… Tuy nhiên trên thực tế hiện nay thì các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư công chưa đủ điều chỉnh toàn diện hoạt động đầu tư công.

Các thành viên của Ban Soạn thảo Luật Đầu tư công cho rằng, hiện nay trong hoạt động đầu tư công, Luật Xây dựng không bao gồm các nội dung quan trọng như kế hoạch đầu tư, phân bổ quản lý vốn và các nguồn lực đầu tư qua các chương trình và dự án đầu tư, tổ chức quản lý quá trình đầu tư từ khâu quy hoạch, kế hoạch đến khâu quản lý khai thác, sử dụng các dự án; Luật Đầu tư chưa điều chỉnh việc sử dụng ngân sách nhà nước và nguồn vốn khác của nhà nước đầu tư vào các dự án không nhằm mục đích kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản chưa bổ sung nội dung về đầu tư công…

Tiếp tục hoàn thiện

Theo Dự thảo Luật Đầu tư công thì phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không nhằm mục đích kinh doanh; quyền hạn và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến đầu tư công và quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư công. Tuy nhiên, trao đổi về những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện của dự thảo Luật, một thành viên ban soạn thảo của Bộ Xây dựng cho rằng, trong phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công cần thay đổi cụm từ “Sử dụng vốn nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không nhằm mục đích kinh doanh” bằng cụm từ “Sử dụng vốn nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội không có khả năng hoặc khả năng thu hồi vốn thấp”. Một số đại biểu cũng cho rằng Ban Soạn thảo cần lưu ý đến tỷ lệ góp vốn của nhà nước vào các dự án vốn hỗn hợp, dự án ODA và các dự án PPP.
 

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, giai đoạn từ năm 2000 - 2005 phần vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ công ích, không nhằm mục đích kinh doanh chiếm trên 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2006 - 2010 là trên 20%, vì vậy việc quản lý và sử dụng phần vốn đầu tư trên là rất quan trọng và cấp thiết. Cụ thể trong năm 2009, có khoảng hơn 1.000 dự án đầu tư công được triển khai trong cả nước với tổng mức đầu tư lên đến trên 70 nghìn tỷ đồng

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, giai đoạn từ năm 2000 - 2005 phần vốn nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ công ích, không nhằm mục đích kinh doanh chiếm trên 22% tổng mức đầu tư toàn xã hội; giai đoạn 2006 - 2010 là trên 20%, vì vậy việc quản lý và sử dụng phần vốn đầu tư trên là rất quan trọng và cấp thiết. Cụ thể trong năm 2009, có khoảng hơn 1.000 dự án đầu tư công được triển khai trong cả nước với tổng mức đầu tư lên đến trên 70 nghìn tỷ đồng

Đức Tuân

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load