Thứ bảy 14/09/2024 18:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nam Định: Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai

19:05 | 06/08/2024

(Xây dựng) - Ngày 6/8/2024, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Nam Định: Chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai
UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Công điện số 20/CĐ-UBND về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Theo nội dung công điện, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra mưa lớn, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và hư hỏng một số công trình phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và các địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa và chủ động khắc phục ngay khi xảy ra, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Sở, ngành có liên quan, các địa phương, các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi thực hiện nghiêm túc Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung công điện giao: Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong đó, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước; Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ lụt; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra;

Chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ theo quy định; Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, khu vực bị ngập sâu ven sông, biển để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Đài khí tượng thủy văn tỉnh tiếp tục chỉ đạo, theo dõi diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động đôn đốc các Sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 132/TB-VPUBND ngày 09/7/2024 của Văn phòng UBND tỉnh về kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh tại cuộc họp giao ban ngày 04/7/2024. Kịp thời tổng hợp tình hình thiệt hại, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan báo cáo, đề xuất hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả khi vượt quá khả năng xử lý của địa phương; Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu, công trình bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang; bảo đảm an toàn tàu thuyền hoạt động thủy sản, bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Giám đốc Sở Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện; chỉ đạo khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông (kể cả trên biển, trên sông, đường bộ) khi có tình huống thiên tai, hỗ trợ địa phương kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính.

Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định.

Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hỗ trợ địa phương và nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nam Định và các cơ quan truyền thông địa phương tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai, nhất là thiệt hại về người.

Các Sở, ngành khác theo chức năng quản lý Nhà nước được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh: Căn cứ tình hình thực tế, chủ động tổ chức tiêu thoát nước để phòng, chống ngập úng cho các diện tích đất sản xuất nông nghiệp; vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác, nhất là các trạm bơm để tiêu thoát nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi: Bắc Nam Hà, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Thành đảm bảo duy trì mực nước tại các điểm khống chế theo đúng quy trình vận hành hệ thống được phê duyệt.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, địa phương, thực hiện nghiêm túc Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh.

Văn Đạt

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load