(Xây dựng) – Ngày 22/01/2025, Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng ban hành Nghị quyết số 101–NQ/BCSĐ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 của ngành Xây dựng.
Bộ Xây dựng cần quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa) |
Năm 2025 là năm cuối để toàn ngành Xây dựng quyết tâm tăng tốc, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, hòa mình vào tâm thế tự tin của đất nước, Đảng, Chính phủ bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.
Theo dự báo, tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, không đồng đều, rủi ro gia tăng. Kinh tế nước ta dự báo duy trì đà tăng trưởng tích cực, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Ngành Xây dựng tuy đạt được một số chuyển biến tích cực trong những năm qua, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nội tại như năng suất lao động thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế, các vấn đề tồn đọng, tích tụ nhiều năm ngày càng khó giải quyết do tác động chung từ nền kinh tế trong và ngoài nước.
Để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành Xây dựng đề ra trong năm 2025, các đồng chí thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng theo nhiệm vụ được phân công phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ Xây dựng phải tiếp tục ưu tiên công tác hoàn thiện thể chế pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất, Bộ Xây dựng cần quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Bộ phải ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
Thứ hai, Bộ Xây dựng phải lãnh đạo các đơn vị thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Chính phủ giao như tốc độ tăng trưởng của ngành Xây dựng đạt khoảng 10,7% - 15%; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 45%; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 95%; diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt trên 27m2 sàn/người; phấn đấu hoàn thành khoảng 100.000 căn nhà ở xã hội...
Thứ ba, Bộ cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, xuyên suốt trong nhiệm kỳ, trong đó tiếp tục ưu tiên công tác hoàn thiện thể chế pháp luật để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng phải quan tâm thúc đẩy các chính sách phát triển nhà ở; chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững thị trường bất động sản; tập trung cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị.
Ngành Xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10,7 % - 15% trong năm 2025. (Ảnh minh họa) |
Thứ tư, Bộ Xây dựng phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các lĩnh vực quản lý của Bộ, chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình xây dựng; cập nhật, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức và giá xây dựng; phát triển vật liệu xây dựng gắn với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…
Thứ năm, Bộ Xây dựng cần tích cực phối hợp công tác vói các cơ quan liên quan, trọng tâm là tăng cường phối hợp thực chất giữa Bộ Xây dựng với các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng phải tiếp tục mở rộng, tăng cường đối thoại giữa Bộ với các doanh nghiệp, các Hiệp hội và người dân; làm tốt công tác thông tin, truyền thông để tuyên truyền chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Phương Trang
Theo