(Xây dựng) – Mường Lay (Điện Biên) là một thị xã nhỏ nhất cả nước với diện tích hơn 11.266ha, gồm 2 phường và 1 xã, trung tâm thị xã nằm trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Tuy nhiên, diện mạo của thị xã mini này đang từng bước thay đổi hướng tới đô thị văn minh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc và là một điểm du lịch hấp dẫn.
Một góc thị xã Mường Lay (ảnh: Phượng Nguyễn). |
Xây dựng tái thiết đô thị mới
Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay chia sẻ, thị xã Mường Lay được quy hoạch như một đô thị, nhưng các nét đẹp văn hóa dân tộc ngày càng phát huy giá trị trong đô thị hiện đại đó. Thông qua các lễ hội, đặc biệt một số di sản như nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Lễ hội đua thuyền đuôi Én, phù hợp với đô thị đặc thù của Mường Lay vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Bên cạnh đó, về hệ thống cây xanh trên địa bàn đang từng bước phát triển, phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, giữ gìn môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững. Năm 2023, thị xã Mường Lay đã nhận giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia về Phát triển đô thị xanh do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao giải.
Trong giai đoạn đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mường Lay đã linh hoạt tận dụng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế. Năm 2023, thu nhập bình quân người lao động đạt 37,02 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế theo ngành, lĩnh vực dịch chuyển đúng hướng, thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm 65,88%; nông, lâm nghiệp thủy sản đạt 16,73%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng đạt 17,39%. Tổng sản lượng cây lương thực có hạt đạt 3.563,53 tấn (tăng gấp 9 lần so với năm 1971); tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,4%. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng bình quân theo giá so sánh 2010 đạt 138,05 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trung bình đạt 334,69 tỷ đồng.
Thời gian qua, Mường Lay luôn tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực kinh tế phát triển lành mạnh và cạnh tranh bình đẳng trên địa bàn. Trong đó, ban hành các giải pháp tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình đầu tư, thủ tục hành chính, cấp giấy phép kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu tư; chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành tuyên truyền, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của địa phương và khuyến khích các cơ sở, hộ kinh doanh tiếp tục phát triển, mở rộng các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh. Tính đến nay, thị xã đã có 09 hợp tác xã với 91 thành viên, có 375 hộ kinh doanh các thể, đã thực hiện giải quyết và cấp phép kinh doanh cho 124 hộ.
Bên cạnh đó, Mường Lay đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm, hiện nay thị xã đã có 2 sản phẩm OCOP (khẩu xén và bánh chí chọp). Năm 2023, Mường Lay đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu, trồng gần 80ha cây quế, bước đầu được đông đảo nhân dân hưởng ứng và thời gian tới sẽ có nhiều mô hình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương, vừa tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Lò Văn Vén - Trưởng bản Tạo Sen chia sẻ, cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi thay với những ngôi nhà mới khang trang và những con đường trải nhựa, bê tông hóa được mở rộng, sạch đẹp, nhà văn hóa thôn bản được nâng cấp, xây mới... người dân chúng tôi rất tự hào với mảnh đất quê hương mình.
Đến với Bản Huổi Min du khách có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những cảnh quan hữu tình mùa nước nổi (ảnh: Phượng Nguyễn). |
Đô thị du lịch thông minh
Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Mường Lay cho biết, để đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ của du khách đến với thị xã, ngoài hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, những năm gần đây, Mường Lay thường xuyên khuyến khích nhân dân tổ chức đón khách, thúc đẩy dịch vụ homestay, cơ bản đáp ứng đủ điều kiện lưu trú và trải nghiệm văn hóa, du lịch của du khách. Hiện nay, thị xã có hơn 30 hộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng với sức chứa gần 500 du khách, tập trung chủ yếu ở xã Lay Nưa và phường Na Lay.
Để đưa Mường Lay trở thành một đô thị du lịch, nhất là "du lịch thông minh", chính quyền địa phương luôn bám sát kế hoạch và song hành cùng doanh nghiệp, cũng như nguồn lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp, nhất là nâng cấp giao thông, tăng cường nâng cao hình ảnh cho địa phương, thông qua các kênh truyền thông, quảng bá trên không gian mạng.
Thời gian qua, thị xã Mường Lay đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển du lịch và gắn phát triển du lịch với công tác bảo tồn, phát huy các thiết chế văn hóa của địa phương. Trong đó thị xã đang tập trung thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025.
Mường Lay luôn quan tâm bảo vệ, tôn tạo và khai thác các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn gắn với hoạt động du lịch. Hàng năm, huyện tổ chức các Lễ hội đua thuyền đuôi én và giải vô địch các câu lạc bộ dù lượn quốc gia. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu sản phẩm du lịch, liên kết quảng bá các sản phẩm văn hóa và du lịch, tạo chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch hấp dẫn, góp phần hình thành hệ sinh thái du lịch trên địa bàn.
Trên địa bàn Mường Lay có bản Du lịch cộng đồng Quan Chiêng đã chính thức đi vào hoạt động, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, được du khách tín nhiệm và đánh giá cao. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng trên địa bàn đáp ứng được nhu cầu phục vụ dịch vụ du lịch. Trong năm 2023, Mường Lay đã đón 31.616 lượt khách du lịch.
Bà Lò Chúc Chi, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Ban Trắng tại Bản Bắc II, xã Lay Nưa (Mường Lay) chia sẻ, để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, chí chọp, là món ăn đặc trưng không thể thiếu của đồng bào Thái trắng truyền lại. Khi khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm làm bánh, chúng tôi đều giới thiệu rất tỉ mỉ, hướng dẫn nhiệt tình ai nấy đều hài lòng, phấn khởi.
Phượng Nguyễn
Theo