(Xây dựng) - Tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những dòng mương bị ô nhiễm nặng nề, đầy ắp rác thải, thường xuyên bốc lên mùi hôi thối khiến môi trường sống của nhiều người dân xung quanh bị ảnh hưởng về sức khoẻ, đồng thời, không tránh khỏi nguy cơ bùng phát những dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa hè oi bức.
Tại ngõ 196 Đại Mỗ (Nam Từ Liêm), trên bề mặt mương tràn ngập rác thải và những chất ô nhiễm khác tích tụ không chỉ gây mất thẩm mỹ còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân nơi đây. |
Mặc dù hàng năm, cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác cải tạo mương, cầu, đường, thu gom rác, cải thiện cảnh quan đô thị... nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, nhưng tình trạng đáng báo động từ những con “mương chết” vẫn chưa được cải thiện và người dân đang phải ngày ngày chống chọi và sống chung với chúng.
Dòng nước đen kịt, đặc quánh, bốc mùi. |
Theo tìm hiểu được biết, từ đoạn đầu ngõ 196 Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) đến cuối ngõ, hàng ngày rác thải sinh hoạt cũng như chai lọ đã qua sử dụng bị đổ thẳng xuống mương, ứ đọng và bốc mùi hôi thối. Tất cả tích tụ lâu ngày khiến nước dưới lòng mương đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Phóng viên Báo điện tử Xây dựng có trao đổi với một số người dân sống gần đó, anh Nguyễn Mạnh Đức (30 tuổi) chia sẻ: “Mặc dù nước thải sinh hoạt của các hộ dân sinh sống tại đây không xả thẳng ra ngoài mương nhưng mương vẫn thường xuyên bốc mùi hôi thối rất khó chịu, muỗi, nhặng nhiều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh đây”.
Con mương tại ngõ 168 Thụy Khuê cũng bị bao phủ bởi những đống rác thải đổ nát, hệ thống thoát nước đều xả trực tiếp ra mương, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng trầm trọng. |
Phế liệu, rác thải xây dựng cũng nằm hai bên bờ mương. |
Sinh sống tại nơi đây quá nửa đời người, bà Nguyễn Thị Nữ (64 tuổi, Thụy Khuê, quận Tây Hồ) bức xúc: 20 năm trở lại đây con mương bị ô nhiễm trầm trọng, trước đó mương rất sạch nhưng do nước xả thải của các hộ gia đình trong khu vực này đều xả trực tiếp ra mương, rác thải để lại của những hộ gia đình di cư chuyển nhà vì có dự án cải thiện mương, cầu, đường thì không được dọn dẹp hết, trông rất mất mỹ quan. Có dịch bệnh gì như sốt xuất huyết hay các bệnh về đường hô hấp thì những nhà ở cạnh mương này đều bị nhiễm đầu tiên. Chúng tôi đã đề xuất đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhưng cũng chưa có những biện pháp cụ thể gì để xử lý được triệt để vấn đề đáng quan ngại này.
Mương chết tại ngõ 168 Thụy Khuê nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối nồng nặc. |
Bên cạnh đó, đoạn mương nằm trong ngõ 115 phố Trần Cung (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cũng được những người dân sinh sống xung quanh khẳng định rằng: Chúng tôi không thể chịu được cái mùi hôi thối bốc lên từ con mương này khi trời nắng nóng hay trời nó bị nồm ẩm. Chưa kể vào cuối mỗi buổi chiều tối, muỗi cứ bay hàng đàn vào nhà. Đề xuất cho các cơ quan chính quyền thì chúng tôi cũng đề xuất rồi nhưng ý thức của người dân là chính, cứ mỗi buổi cuối tuần thì chúng tôi cũng đã tổng vệ sinh dọn rác, đốt lá cây khô… tuy nhiên về việc nước xả thải lộ thiên từ các hộ gia đình quanh đây ra môi trường thì vẫn cứ tiếp diễn mà chưa có một giải pháp nào được đưa ra cụ thể từ phía cơ quan chính quyền.
Xả thải lộ thiên làm cho nước mương bị đen kịt, đặc quánh, bốc mùi tại ngõ 115 phố Trần Cung (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy). |
Mương đầy ắp rác thải tại ngõ 34 Xuân La, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội. |
Không chỉ vậy, theo phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn quận Hà Đông, bên cạnh sự ô nhiễm tới từ những con “mương chết” thì một số “cây cầu” cũng đã và đang bị ảnh hưởng, ô nhiễm nghiêm trọng vì ý thức của nhiều cơ sở sản xuất hiện đang hoạt động tại khu vực cầu Ỷ La và cầu Dương Nội (Hà Đông).
Rác thải bị vứt ngổn ngang không có người xử lý tại khu vực cầu Ỷ La (Hà Đông). |
Nước thải, hóa chất xả bừa bãi tại khu vực cạnh cầu Ỷ La. |
Rác thải được xử lý không đúng nơi quy định tại chân cầu Dương Nội. |
Tồn tại từ nhiều năm nay giữa lòng Thủ đô, hàng trăm tuyến kênh mương thoát nước thải như những miệng cống lộ thiên đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân về ô nhiễm môi trường. Theo rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, 8 nhà máy xử lý nước thải thành phố chỉ đáp ứng được dưới 30% số lượng nước thải ra hàng ngày, còn 70% đang được xả thẳng ra môi trường. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt các kênh mương thoát nước thải ứ đọng bùn thải, rác thải, ô nhiễm.
Thực tế trên ở Hà Nội đã đến mức báo động, ngoài các giải pháp liên quan đến vấn đề thu gom, xử lý chất thải, nước thải, nguồn thải của các cấp chính quyền đô thị, ý thức của mỗi người dân tại khu dân cư, trong cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm hiện nay. Hiện nay, cũng đã có quy định cụ thể xử phạt các hành vi vi phạm, cụ thể, theo Điều 46 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định mức phạt vi phạm quy định về khai thác sử dụng hệ thống thoát nước như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi đổ đất, đá, vật liệu, rác xuống sông, hồ, kênh, mương, hố ga, cống, rãnh thoát nước làm cản trở dòng chảy. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xả chất độc hại vào hệ thống thoát nước công cộng; Vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước. Như vậy, có thể thấy, mặc dù các chế tài, văn bản đều đã có, tuy nhiên thực tế việc xử phạt hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi gặp không ít khó khăn. Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế, trong khi công tác tổ chức tuyên truyền về vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước chưa được nêu cao.
Diệu Anh – Nam Nguyễn
Theo