Ngày 11/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện đối với dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Du khách nước ngoài chọn mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại phố cổ Hà Nội.
Tại hội nghị, mười giải pháp phát triển du lịch đã được đề xuất gồm: tăng cường quản lý nhà nước về du lịch; tạo cơ chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch; nguồn vốn đầu tư; xúc tiến quảng bá du lịch và phát triển thương hiệu du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường; kết hợp phát triển du lịch với bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ...
Các đại biểu còn đề nghị Kế hoạch hành động cần nhấn mạnh hơn việc phân công nhiệm vụ các sở, ngành, quận, huyện, bởi đặc thù của du lịch là mang tính liên ngành, liên vùng, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương để xây dựng được các tua, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn và bảo đảm an toàn cho du khách. Việc phát triển du lịch làng nghề và liên kết vùng trong du lịch làng nghề cũng cần được nhấn mạnh và có lộ trình thích hợp. Ngoài ra, trong đào tạo nguồn nhân lực cần có giải pháp cụ thể bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa tại các phường, xã; nâng cao khả năng giao tiếp của người dân, nhân viên bán hàng trong vùng du lịch. Ðối với xây dựng hạ tầng du lịch, dự kiến thành phố xây dựng, nâng cấp các khu du lịch trọng điểm như khu du lịch Quốc gia Ba Vì - Suối Hai, quy hoạch chi tiết khu du lịch hồ chùa Hương - hồ Quan Sơn, khu du lịch tâm linh đền Sóc Sơn... Kế hoạch cần làm rõ việc huy động vốn và bố trí vốn sao cho hợp lộ trình.
Dự kiến, ngành du lịch Thủ đô phấn đấu đến năm 2020 đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt hơn 43 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 383,4 nghìn lao động.
Theo Nhandan
Theo