- Đảm bảo người dân Thủ đô không thiếu nước sạch
- Hà Nội: Cư dân KĐT Xa la lo lắng về chất lượng nước sạch
(Xây dựng) - Bước vào mùa nắng nóng, vấn đề nước sạch sinh hoạt đối với người dân Thủ đô lại trở nên bức thiết. Không những thế, hệ thống đường dẫn nước sạch Sông Đà - một trong những nguồn cung cấp nước sinh hoạt quan trọng cho người dân Thủ đô lại rất dễ bị tổn thương. Trong khoảng 2 năm qua, đường ống này đã 6 lần bị vỡ, khiến người dân Thủ đô lại càng thêm lo lắng.
Lo chất lượng nước sạch không đảm bảo, người dân KĐT Xa La chuyển sang mua nước đóng chai về sử dụng.
Nhiều khu vực có nguy cơ thiếu nước
Tuần qua, người dân nhiều khu vực ở Hà Nội đã phải chạy đôn chạy đáo để lo những thùng nước về sử dụng vì nguồn nước máy liên tiếp bị gián đoạn. Những địa bàn có truyền thống mất nước từ nhiều năm nay, sang hè năm 2014, tình trạng vẫn chưa khả quan. Nguyên nhân là hệ thống đường ống cũ, dẫn đến rò rỉ, thất thoát nước sạch. Mặc dù lượng nước sạch cấp đến đường ống vẫn đủ nhưng nước lại không đến được nhà các hộ dân.
Ngoài khu vực Đồng Bát, Quan Hoa của Q.Cầu Giấy, thì khu vực Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, khu vực Khương Trung, Khương Đình, Q.Thanh Xuân hay khu vực Định Công, Q.Hoàng Mai... cũng nằm trong khu vực có nguy cơ cao về mất nước sạch. Trên thực tế, thời gian vừa qua, những khu vực này đã bị tình trạng thiếu nước sạch đày đọa. Anh Trần Văn Thịnh - Khu tổ 3a, 3b P.Định Công, Q.Hoàng Mai cho biết: "Chúng tôi đã bị mất nước sạch sinh hoạt suốt 10 ngày nay mà chưa thấy đơn vị cấp nước cho người về sửa chữa".
Là một trong những đơn vị chính cung cấp nước sạch sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô, Cty Nước sạch Hà Nội cho biết, do tỷ lệ giếng ngầm suy thoái bình quân 4 - 6% mỗi năm, trong khi phạm vi cấp nước ngày càng mở rộng, số lượng khách hàng tăng lên trong năm 2014. Tuy nhiên, một trong hai nguồn cấp nước sạch cho hệ thống là từ Sông Đà thì chỉ duy trì ở mức xấp xỉ 60.000m3/ngđ, tương đương mức hiện nay do hạn chế của mạng truyền dẫn không cấp tăng cho Hà Nội được, nên tổng lượng nước thiếu hụt sẽ vào khoảng 6 - 10%, tương đương 60.000 - 70.000m3/ngđ.
Lo chất lượng nước không đảm bảo
Không chỉ bị đe dọa bởi nguy cơ thiếu, mất nguồn cung cấp nước sạch bất cứ khi nào, người dân Thủ đô còn phải sống trong nỗi lo về chất lượng nước sạch không đảm bảo. Mới đây, người dân KĐT Xa La, Q.Hà Đông nháo nhác vì phát hiện nguồn nước sạch của gia đình xuất hiện nhiều vẩn đục, tạo cặn và có mùi khó chịu. Bất an với hiện tượng, một số hộ dân KĐT Xa La đã đem mẫu nước đến xét nghiệm tại Viện Hàn lâm và Khoa học công nghệ Việt Nam. Kết quả là, các mẫu nước không chỉ bị nhiễm asen, amoni vượt ngưỡng cho phép nhiều lần mà còn nhiễm khuẩn Ecoli và Coliform.
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Hoàng Văn Thắng - Phó tổng giám đốc Cty Nước sạch Hà Đông cho biết, việc nước tại KĐT Xa La xuất hiện vẩn đục và cặn là có thật. Nguyên nhân là do đường ống nước Sông Đà bị vỡ nhiều lần, dẫn đến không đủ khả năng cung cấp nước cho khu vực này. Vì vậy nước Hà Đông đã phải chuyển sang dùng nguồn nước từ cơ sở 2 Ba La. Quá trình chuyển giao nguồn nước này đã khiến nước tại khu vực Xa La bị vẩn đục và có cặn.
Cùng với đó, ông Thắng cho biết thêm, khi 2 nguồn nước khác nhau (Nước Sông Đà là nước mặt, còn nước cơ sở 2 là nước ngầm) hòa trộn vào nhau sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Khi thay đổi nguồn nước, Cty sẽ phải thay đổi điểm đấu nối, nước sẽ bị xâm thực trong quá trình Cty triển khai. Ngoài ra, do công suất sử dụng nước vào mùa nóng tăng cao, nên nước sạch Hà Đông buộc phải đóng van luân phiên các khu vực. Khi bị đóng van, không có nước lưu thông, cặn sẽ bị lắng đọng và khi có nước sẽ đẩy đi khiến cho nước có màu vàng và bị vẩn đục. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ chỉ xuất hiện khi mở vòi nước trong 1 - 2 phút đầu. Khi dòng nước lưu thông ổn định, hiện tượng này sẽ hết.
Về lượng Amoni trong nguồn nước sạch ở KĐT Xa La, ông Thắng cho rằng hàm lượng Amoni trong nước nguồn nước ngầm ở Hà Đông từ trước đến nay đúng là có cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trước kia không có hiện tượng này, nhưng gần đây hiện tượng này mới xảy ra do nước Hà Đông buộc phải tăng công suất hoạt động của các giếng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Triều Phong - Ninh Toàn
Theo