Ðến nay, quá trình Cổ phần hóa (CPH) Doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam đã trải qua 17 năm. Trong giai đoạn thực hiện thí điểm, Nhà nước đã chọn một số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, kinh doanh có lãi và tự nguyện CPH và bước đầu đã cho kết quả. Từ đó, chủ trương đẩy mạnh và coi việc CPH các Doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn là khâu quan trọng để tạo bước chuyển cơ bản, nhằm nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp (DN).
Cảng Cái Lân Quảng Ninh đủ điều kiện cho tàu 74.000 tấn vào làm hàng
Xử lý tài chính là vấn đề cốt lõi
Nhìn vào hiện trạng của các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), có thể thấy nhiều DN chưa đủ điều kiện để CPH do âm vốn. Có những DN tuy đã CPH xong nhưng hết vốn và lâm vào nợ nần không thể trả, bị ngân hàng ngừng quan hệ tín dụng. Việc DNNN nợ xấu ngân hàng dẫn đến các hệ lụy, đặc biệt là đối với tiến trình đổi mới doanh nghiệp hiện nay. Ðối với các DN, nếu nợ xấu ngân hàng lớn và kéo dài, ngoài việc không được các Ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục cho vay, tất yếu hợp đồng bị hủy, thành công chỉ cách thất bại một tầm với về tài chính, mà không có cơ chế tháo gỡ thì ngân hàng cũng khó khăn không kém trong hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) và chuyển đổi của chính mình. Chính vì vậy, nhiều nhà kinh tế, chính trị học cho rằng, giải pháp kiên quyết giải thể, CPH, bán lại, cho thuê... các DNNN vẫn là những hướng giải quyết được đặt ra, nhưng giải pháp CPH được khẳng định là hướng đi cơ bản.
Ðể CPH được thì phải xử lý xong việc âm vốn chủ sở hữu (trong đó có nguyên nhân dẫn đến âm vốn là nợ vay quá lớn), vì vậy vẫn tạo nên vòng luẩn quẩn mà nhiều DNNN không tìm được lối thoát. Bên cạnh đó, nhiều DNNN cũng rơi vào tình trạng phải giải quyết tồn đọng tài chính "hậu CPH" rất phức tạp do không được giải quyết triệt để các tồn tại tài chính. Như vậy, với những vấn đề và thực trạng được đặt ra trên cả hai phương diện: lý luận và thực tiễn thì trong số các tồn tại, vướng mắc cơ bản của tiến trình chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN, nợ đọng tài chính vẫn là vấn đề xuyên suốt, kéo dài và phức tạp hơn cả, trong khi hạn thời gian cuối cùng để CPH thành công, hoặc bán DN hoặc phá sản đã tới gần.
Ðẩy mạnh tiến trình sắp xếp DNNN, góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính của DN, trong nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về cơ cấu lại tài chính của DNNN, trong đó có các quy định về xử lý nợ tồn đọng. Theo đó, DN được xử lý nợ tồn đọng thông qua nhiều biện pháp (tùy vào từng đối tượng cụ thể), trong đó có biện pháp bán nợ và tài sản tồn đọng cho Công ty mua bán nợ để thu hồi vốn. Và trong thực tế, nhiều DNNN dạng này đã tìm được lối thoát thông qua hoạt động của Công ty Mua bán nợ và xử lý tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) - một trong những công cụ, phương thức tài chính hữu hiệu của Nhà nước để cứu các DNNN thoát khỏi nguy cơ phá sản và tiếp tục phát triển.
Mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp
Từ những thực tế trên đây, để góp phần thực hiện được chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đã đề ra, DATC đã lựa chọn phương thức mua nợ để tái cơ cấu doanh nghiệp (TCCDN). Theo cách thức riêng của mình, DATC đã giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, bảo đảm cho DN có vốn tiếp tục hoạt động, đủ điều kiện để chuyển đổi sở hữu thông qua việc giảm một phần nghĩa vụ trả nợ và chuyển nợ thành vốn góp tại DN. Ðồng thời DATC tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vốn, hỗ trợ về kỹ thuật và quản lý để giúp DN cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý và hoạt động SX - KD để DN có thể phát triển có hiệu quả sau khi được chuyển đổi sở hữu, từ đó có nguồn trả nợ. Biện pháp xử lý nợ này vừa giúp cho chủ nợ (thường là các NHTMNN) thu hồi được vốn vay, từ đó góp phần đẩy nhanh quá trình CPH Ngân hàng TMNN, vừa giúp cho DN lành mạnh tài chính, vừa giúp Nhà nước hoàn thành tiến trình chuyển đổi sở hữu DNNN.
Tuy nhiên, không phải khoản nợ nào của doanh nghiệp nào cũng được DATC lựa chọn. Với hệ thống tiêu chí cơ bản khi quyết định mua bán nợ, như: DN có tiềm năng phát triển và có thể phát triển có hiệu quả nếu được hỗ trợ giải quyết những khó khăn tạm thời đang gặp phải; DN và các cơ quan liên quan (như các chủ nợ khác, cơ quan chủ quản của DN) sẵn sàng hợp tác với DATC trong việc áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm xử lý khó khăn cho DN, để DN tiếp tục tồn tại, phát triển có hiệu quả hơn; những tác động tích cực đối với xã hội của việc mua và xử lý nợ (như việc góp phần thúc đẩy quá trình sắp sếp lại, chuyển đổi sở hữu DNNN, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người lao động, ổn định chính trị - xã hội)..., từng khoản nợ, mọi phương án mua bán nợ và TCCDN đều được DATC nghiên cứu kỹ để bảo đảm đạt được hiệu quả, không để xảy ra tình trạng DN tiếp tục hoạt động không có hiệu quả sau khi được tái cơ cấu lại.
Những minh chứng từ thực tế
Không chỉ dừng lại trên những mô thức lý thuyết, kết quả áp dụng vào thực tế của doanh nghiệp bởi DATC đã đưa lại những khẳng định rõ ràng. Công ty Kinh doanh và chế biến XNK Ðà Nẵng (Procimex Ðà Nẵng) - một DNNN chuyên chế biến thủy, hải sản xuất khẩu đã bị thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu Nhà nước, không còn khả năng trả nợ và đã lâm vào tình trạng phá sản với tổng nợ phải trả của Công ty là 80,9 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu Nhà nước tại DN đã âm 45 tỷ đồng do lỗ lũy kế từ các năm để lại (tính đến 31-12-2006). Sau khi được DATC hỗ trợ, cổ phần lợi suất trên vốn sở hữu công ty này đạt 36%, tỷ lệ chia cổ tức cho các cổ đông đạt 20%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 20% so với trước khi được DATC tái cơ cấu. Hoạt động quản trị điều hành của DN đi vào nền nếp và ổn định, đặc biệt là các đối tác tin tưởng vào sự phát triển của DN. Chỉ sau hơn một năm được DATC giúp xử lý tồn đọng tài chính và tái cơ cấu, CTCP Procimex Ðà Nẵng đã đạt lợi nhuận sau thuế 8.655 triệu đồng, giá trị tài sản của DN tăng gần 11 tỷ đồng, lập quỹ dự phòng tài chính gần 500 triệu đồng.
Một minh chứng khác là câu chuyện hồi sinh Nhà máy gạch Thiên Thạch đã ngừng hoạt động từ tháng 5-2005 với nợ vay ngân hàng tới 117 tỷ đồng trên tổng số 147 tỷ đồng nguồn vốn; nợ phải trả khác 34 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Nhà nước âm gần năm tỷ đồng (tính tới hết 2006). Ðiều này dẫn tới nhiều hệ lụy, nhưng nhất là đại bộ phận người lao động của Nhà máy không có việc làm và thu nhập, tạo hiệu ứng xấu trong đời sống xã hội và dân cư. Sau khi được DATC xây dựng phương án khôi phục lại Nhà máy và phối hợp với các đối tác chiến lược khác, nhà máy này đã "lột xác" trở thành một CTCP mới có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, năm 2008 Công ty tiếp tục đầu tư thêm dây chuyền máy móc thiết bị, xúc tiến việc đầu tư cải tạo nâng công suất, sau đó tiếp tục phương án đầu tư mở rộng nâng công suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Và, điều đáng mừng nhất là đại bộ phận người lao động của Nhà máy đã được mời trở lại làm việc, có thu nhập ổn định, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Tái cơ cấu doanh nghiệp là một phương thức quan trọng giúp phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định và hiệu quả. Việc làm này của DATC là một sáng tạo mới trên thị trường tài chính - doanh nghiệp hiện nay. Thực tế xử lý tài chính để tái cơ cấu thúc đẩy chuyển đổi sở hữu DNNN theo mô hình DATC cũng đã cho thấy đây là phương thức tiếp cận hiệu quả đối với các DNNN không đủ điều kiện CPH, hoặc đã CPH không triệt để nhưng có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, hành lang pháp lý cho hoạt động này còn rất thiếu và yếu, đặc biệt trong hoàn cảnh đây là một trong những cách làm mới trên thị trường tài chính - doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể hoàn thành nhiệm vụ của một công cụ đắc lực của Ðảng và Chính phủ trong xử lý tồn tại tài chính, góp phần thúc đẩy chuyển đổi sở hữu các DNNN, rất cần có những thay đổi quan trọng, những quy định pháp lý đủ mạnh để phát triển phương thức tái cơ cấu DN thông qua hoạt động mua bán nợ.
Theo ND
Theo baoxaydung.com.vn