Ngày 17/7/2010, chợ Thủy Triều chính thức được khởi công với quy mô lớn, thiết kế hiện đại, sẽ giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên tuyến đường 10 và đáp ứng nhu cầu giao thương của hàng vạn dân trong vùng. Việc xây chợ mới trả lại đất để xây dựng Cổ Lôi Tự còn là việc làm có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với nhân dân địa phương.
Chợ Chùa được xây dựng trên khuôn viên chùa Cổ Lôi dần trở thành đầu mối giao thương phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa cho không những 4 vạn dân trong vùng mà còn trở thành nơi tập kết hàng hóa của nhiều địa phương khác. Chợ họp từ khoảng 3-4 giờ đến 8-9 giờ sáng, trong chợ bán đủ loại hàng hóa, từ rau, hoa quả đến thịt, cá, nhưng chủ yếu vẫn là rau củ và hoa quả các loại. Hàng hóa được bày bán chủ yếu do người dân địa phương tự sản xuất và chuyển về từ nhiều vùng khác theo những chiếc ô tô tải. Hàng ngày, số rau, quả trung chuyển qua chợ Chùa lên tới gần 100 tấn. Từ đây, chúng theo chân những thương nhân tỏa đi nhiều chợ khác trong thành phố Hải Phòng và theo các xe tải hàng đổ ra Móng Cái - Quảng Ninh, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc tồn tại chợ Chùa đồng nhất với việc chùa Cổ Lôi trở nên “lọt thỏm” tròng lòng chợ. Một trung tâm tín ngưỡng được xây dựng từ thế kỷ XVI hàng ngày được bao quanh bởi hàng loạt những âm thanh ồn ào, huyên náo, tiếng ngã giá, cò kè bớt một thêm hai, tiếng la ó, tranh giành, cãi lộn… Đây là một vấn nạn từ lâu đã gây phản cảm, bức xúc không chỉ cho nhân dân địa phương nơi đây.
“Chú ạ, hàng ngày, tôi dậy từ lúc 3 giờ sáng đến chợ để bán vài mớ rau, khi hết hàng, trời cũng đã sáng. Thế nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, khi quẩy quang gánh về, nhìn thấy ngôi chùa được dựng tạm nằm lọt thỏm giữa những gian hàng trong chợ, lại thấy buồn tủi. Tôi mong “người ta” sẽ chuyển chợ đi để xây dựng lại chùa, để cho con chiên phật tử chúng tôi có nơi đi về”- bà Trần Thị Kiên, (70 tuổi, nhà ở thôn 7 xã Thủy Triều, đã gắn bó với chợ Chùa gần 50 năm) tâm sự với PV.
Ông Trần Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Thủy Triều |
Chợ ngày càng sầm uất nên khuôn viên vốn có trở lên quá chật hẹp. Vì thế, người ta tràn cả ra lòng đường 10 để buôn bán. Tuyến đường vốn dẫn tới khu công nghiệp thuộc địa phận xã Tam Hưng, Ngũ Lão phía dưới nên cảnh tắc đường, đặc biệt vào những ngày rằm, tháng Tết, diễn ra triền miên. Có khi, ô tô tải “xếp hàng” dài nhiều cây số để qua được chợ.
Anh Bùi Văn Quế (xã Ngũ Lão, Thủy Nguyên) tâm sự: "Hàng chục năm nay, các hộ kinh doanh và bà con trong vùng rất bức xúc với chợ Chùa. Cánh lái xe tải, xe khách rất “ngán” khi phải đi qua khu vực này vào những ngày rằm và tháng Tết Nguyên đán. Có khi, cả đoàn xe dài 3-4km nối đuôi nhau để “bò” qua khu vực họp chợ”. Không những gây ùn tắc giao thông, chợ còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi những người buôn bán thường vứt rau, quả hỏng bừa bãi.
Giải quyết vấn đề giữa chợ và chùa đối với địa phương ngày càng cấp thiết. Người dân địa phương cần xây dựng lại chùa để có nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Càng cần giải phóng tuyến đường dẫn xuống khu công nghiệp để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của huyện, thành phố.
Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách nêu trên, việc di dời chợ và xây dựng lại chùa được nhiều cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương rất quan tâm.
Chủ tịch UBND xã Thủy Triều - Trần Văn Tuấn cho biết: Nhiều năm qua, chính quyền địa phương lập kế hoạch đề nghị cấp trên cho di dời chợ. Đích thân ông Tuấn đã mời đoàn nghiên cứu của Bảo tàng Hải Phòng về tìm hiểu lịch sử chùa. Bên cạnh đó, ông cùng chính quyền địa phương đã đề nghị lên cấp trên chuyển chợ để xây dựng chợ mới tương đối hiện đại.
Chợ Chùa được xây dựng đã lâu theo dạng chợ truyền thống, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, môi trường bị ô nhiễm nặng nề nên đã không còn đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa, mở rộng hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh trong chợ cũng như nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cơ sở hạ tầng của chợ chưa đạt yêu cầu vì không có bãi đỗ xe, lối vào nhỏ hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hệ thống điện nước và phòng chữa cháy không đảm bảo quy chuẩn. Đây cũng chính là nhu cầu cấp thiết của dự án đầu tư xây dựng chợ Thuỷ Triều để thay thế chợ Chùa hiện nay đã xuống cấp, chật hẹp, gây mất cảnh quan và gây ách tắc giao thông. Khởi công ngày 17/7/2010, dự kiến dự án chợ Thủy Triều sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán để thu hút bà con tiểu thương ở chợ cũ vào kinh doanh dịp Tết. Các hạng mục còn lại của chợ được xây dựng ngay gần chợ cũ với diện tích rộng 12.000m2, tổng số vốn đầu tư lên tới gần 18 tỷ đồng sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2013.
Anh Lê Thành Công - chủ đầu tư cho biết: “Trên thực tế, số vốn đầu tư có thể lớn hơn vì chúng tôi quyết định đầu tư thêm để các hạng mục của chợ mới kiên cố và hiện đại hơn. Đặc biệt, các khu bán hàng trong chợ đều có mái che, các hộ kinh doanh và bà con đi chợ không phải lo ngại vấn đề mưa nắng”.
Chợ Thuỷ Triều được xây dựng rộng lớn, đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu của nhân dân khu vực trong tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn về địa thế kinh doanh cho các hộ kinh doanh, phục vụ hoạt động mua bán trao đổi hàng hoá thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu phát triển chung, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, ngoài ra còn thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển theo định hướng “Văn minh thương mại”. Đồng thời là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển một số sản phẩm truyền thống của huyện Thuỷ Nguyên và các vùng phụ cận.
Về mặt kinh tế: Dự án xây dựng chợ Thuỷ Triều vừa là chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua bán phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân, giải quyết địa điểm kinh doanh đối với các hộ kinh doanh tại chợ cũ, là nơi tổ chức bán buôn, là chợ đầu mối cung cấp nguồn hàng cho các chợ nhỏ trong huyện và các khu vực lân cận. Chợ Thuỷ Triều còn có nhiệm vụ quan trọng khác là thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại dịch vụ thông qua vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, mở rộng giao thương trong và ngoài huyện.
Về mặt xã hội: Chợ Thuỷ Triều được xây dựng sẽ thu hút một lượng lớn lao động của huyện và khu vực. Ngoài mục đích trao đổi, mua bán hàng hoá - chợ Chùa cũ được xây dựng trên diện tích đất của chùa Cổ Lôi, cho nên dự án được thực hiện còn giải toả một khát vọng từ nhiều năm của người dân nơi đây đó là có đất để xây dựng chùa Cổ Lôi - một trung tâm tín ngưỡng của nhân dân địa phương.
Về mặt kiến trúc: Công trình xây dựng đảm bảo cảnh quan chung theo quy hoạch kiến trúc của khu vực, là công trình có giá trị văn hoá nghệ thuật kiến trúc đẹp cho cảnh quan của huyện. Cùng với các công trình phụ trợ đây sẽ là nơi người dân tiếp cận với xu hướng tiêu dùng mới, văn minh hiện đại có thể coi là phong cách tiêu dùng công nghiệp tiết kiệm thời gian cho việc mua sắm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng nâng cao đời sống vật chất.
Khác với khu vực chợ cũ, chợ mới không những không gây ùn tắc giao thông mà còn hưởng lợi thế rất lớn từ giao thông. Hướng Tây là tuyến đường rộng 6m đảm bảo cho ô tô vào tận chợ giao, nhận hàng. Hướng Bắc có dự án tuyến đường Thủy Nguyên - Kinh Môn (Hải Dương). Khi dự án này được hoàn thành, sẽ tạo điều kiện cho việc giao thương với khu vực Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên… Hàng hóa từ những tỉnh bạn chuyển về sẽ khiến hàng hóa trong chợ phong phú hơn. Ngoài ra, các mặt hàng bày bán trong chợ sẽ tìm được đầu ra toả đi các chợ nội thành Hải Phòng và Quảng Ninh.
Ông Trần Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thủy Triều, cho biết: Dự án chợ Thủy Triều là ước mơ của cả chính quyền địa phương và bà con trong nhiều năm nay. Khi vợ chồng anh Công, chị Vĩnh lập dự án chính quyền huyện, thành phố cũng như nhân dân địa phương cũng rất ủng hộ kế hoạch này. Từ khi có dự án đến khi khởi công, mọi việc đều rất thuận lợi. Đây là một trong những dự án suôn sẻ nhất trên địa bàn huyện bởi nó kết hợp đủ cả 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Văn Trường
Theo baoxaydung.com.vn