(Xây dựng) - Xin nói ngay, đó là việc thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác cấp giấy phép xây dựng (GPXD) từ 122 ngày xuống còn 42 ngày, tựa như “một cuộc cách mạng”.
Ảnh minh họa
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đây là con số có tính “cách mạng” thứ hai về cải cách hành chính sau việc Bộ Công Thương cắt giảm 675 “giấy phép con” thuộc ngành mình phụ trách.
Tuy nhiên, không ít người vẫn còn băn khoăn lo ngại về tính khả thi của nỗ lực này.
Theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Đất Lành, người đã từng nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” trong các thể loại giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, cho dù có thực hiện cả 3 bước cùng lúc thì câu chuyện rút ngắn thời gian cấp phép cũng mới đang là lý thuyết, bởi mỗi bước đều có những khó khăn nhất định.
Một vấn đề được đặt ra: Tại sao không cắt hẳn một bước nào đó?
Ông nhận xét: Luật Xây dựng quy định quy trình cấp GPXD đối với những công trình có quy mô lớn (bệnh viện, trường học, chung cư cao tầng…) phải qua 3 bước tuần tự: thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, và cuối cùng là GPXD. Bây giờ, Sở Xây dựng TP.HCM có sáng kiến gộp lại thành “3 trong 1”. Nhưng thực tế, đây vẫn là 3 bộ phận tách rời, 3 đơn vị thụ lý và xét duyệt, DN vẫn phải làm 3 bộ hồ sơ.
Chẳng qua là thúc ép, thay vì lộ trình 3 bước được thực hiện trong 122 ngày thì bây giờ “ép” lại trong 42 ngày, nhưng cũng không có cơ sở gì để nói chỉ 42 ngày DN có thể được nhận giấy phép. Do trong quá trình làm có thể nảy sinh nhiều vấn đề cần xử lý, bổ sung, mỗi bộ phận không thể giải quyết thay công việc của nhau và tổng thời gian có thể vẫn kéo dài ra”.
Cho dù vậy, việc UBND TP.HCM đưa ra con số 42 ngày nêu trên vẫn là một thông điệp rất đáng ghi nhận.
Và cũng không phải đây là cải cách lần đầu, bởi cách đây ít lâu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã từng chỉ đạo giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu thí điểm bỏ thủ tục cấp phép riêng lẻ trên địa bàn TP đối với những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (quy định rõ số tầng, chiều cao, lộ giới đường, hẻm, quy mô xây dựng…).
Thay vào đó người dân hoàn thiện hồ sơ, chỉ cần đăng ký xây dựng với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.
Ông khẳng định: “Những khu vực đã được quy hoạch chi tiết, bài bản rồi thì người dân chỉ cần dựa vào đó mà lập hồ sơ thiết kế, trình cơ quan chức năng thẩm định đạt yêu cầu chất lượng, đúng quy định thì triển khai xây dựng, không nhất thiết phải xin phép nữa để giảm thủ tục, tránh phiền hà, tiêu cực phát sinh”.
Tinh thần này có lẽ cần nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo