(Xây dựng) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để góp một phần sức lực của mình, hơn 100 thầy trò trường Đại học Y tế công cộng từ Hà Nội đã tình nguyện lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch.
Giảng viên Nguyễn Duy Tiến họp, tổ chức công việc mỗi buổi sáng. |
Thầy trò trường Đại học Y tế công cộng vào Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ chống dịch bắt đầu từ ngày 16/7. Đoàn có 105 người gồm 5 giảng viên và 100 sinh viên, được chia về các quận, huyện để làm công tác truy vết các ca nhiễm Covid-19.
Công việc tại nơi mỗi ngày có hàng ngàn ca nhiễm Covid-19 luôn trong trạng thái quá tải. Tuy nhiên, tinh thần làm việc của thầy và trò trường trường Đại học Y tế công cộng luôn ở mức cao nhất, ai cũng mong muốn hoàn thành tốt công việc, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, PGS.TS Lã Ngọc Quang – Phó hiệu trưởng nhà trường cùng TS. Lưu Quốc Toản – Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm cũng tham gia vào Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tễ hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh phòng chống dịch.
PGS.TS Lã Ngọc Quang cho biết: “Công việc chính của chúng tôi là truy vết các ca nhiễm Covid-19. Trước khi vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, sinh viên của nhà trường đều đã được tập huấn kỹ càng và có kinh nghiệm từ những đợt dịch ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Chúng tôi chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một khu vực tại nhiều quận, huyện khác nhau. Hàng ngày trước khi bắt đầu làm việc, các tổ đều họp để thống nhất công việc, sau đó sẽ bắt tay vào truy vết, xử lý thông tin, chốt số liệu…”.
Là một trong những giảng viên của trường Đại học Y tế công cộng ghi tên tình nguyện vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch lần này, anh Nguyễn Duy Tiến cùng 10 bạn sinh viên được phân thành một tổ, làm công tác truy vết tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Anh Tiến chia sẻ, trong những ngày làm việc tại đây, thầy trò trường Đại học Y tế công cộng luôn được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ về cơ sở vật chất và nhân lực. Do số lượng công việc lớn, nên lãnh đạo xã Bình Hưng đã yêu cầu các giáo viên đang làm việc tại xã đến hỗ trợ trong việc hỏi thông tin của những trường hợp nằm trong diện truy vết.
“Những ngày đầu làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò chúng tôi gặp khó khăn trong việc lấy thông tin vì chưa quen với giọng địa phương, một số người dân không hợp tác. Từ khi có các giáo viên hỗ trợ, công việc cũng dễ dàng hơn nhiều. Thay vì việc tra hỏi dịch tễ người dân thì thầy trò chúng tôi đã xây dựng các mẫu hỏi thân thiện để người dân cởi mở chia sẻ, trao đổi thông tin với mình”, giảng viên Nguyễn Duy Tiến chia sẻ.
Anh Tiến mong muốn các cấp chính quyền địa phương, trung tâm y tế các quận huyện, CDC và đặc biệt là người dân hiểu rõ công việc truy vết và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để công việc này thực sự có hiệu quả.
Từng có kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, nhiều sinh viên trường Đại học Y tế công cộng ngay sau khi vào Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào công việc. Mọi người đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát.
Vũ Thị Lan Anh, sinh viên K17 Đại học Y tế công cộng tâm sự: “Công việc của chúng em bắt đầu từ sáng sớm đến tối muộn, yêu cầu sự tập trung và độ căng thẳng cao. Có những hôm thầy trò phải thức tới khuya để xây dựng những kế hoạch, nhưng ai cũng cố gắng, không nản chí”.
Sinh viên Đại học Y tế công cộng hỗ trợ nhau trong công tác truy vết. |
Mỗi nhóm truy vết bao gồm 2 - 3 người, một bên sẽ gọi điện đến các F1 để lấy thông tin, một người khác sẽ nhập số liệu, ai cũng luôn chân, luôn tay. Công việc này nếu không được làm cẩn thận thì khả năng làm sai rất cao và phải truy vết lại từ đầu. Như thế sẽ ảnh hưởng tới nhiều người và mất thời gian.
Có những trường hợp gọi điện người dân không hợp tác, không có địa chỉ và số điện thoại khiến công việc trở nên khó khăn hơn. Có hôm gọi điện đến F1 thì gia đình người ta thông báo ca này đã trở thành F0 và tử vong. “Chúng em rất sốc, chỉ còn biết chia buồn với gia đình người quá cố. Nhưng công việc thì vẫn phải hoàn thành, nên vừa động viên, an ủi người nhà vừa xin thông tin. Không chỉ em mà tất cả mọi người đều hy vọng dịch bệnh Covid-19 nhanh hết để cuộc sống quay trở lại bình thường…”, Vũ Thị Lan Anh kể.
Diễm Hằng
Theo