Thứ bảy 20/04/2024 13:56 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Một năm vượt “sóng thần”…

13:10 | 02/02/2022

(Xây dựng) - Cùng chung thảm họa thế giới, 2 năm qua, đất nước trải qua đại dịch Covid -19, dồn dập đương đầu với 4 đợt như “sóng thần”, gây “bầm dập” trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổn thất, mất mát nặng nề, thiệt hại về người, sức khỏe của Nhân dân và kinh tế là vô cùng lớn. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, Nhân dân và cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong sóng gió, đất nước vững vàng vượt lên, kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội…

mot nam vuot song than

Năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV - Hội đồng Nhân dân các cấp có ý nghĩa chính trị to lớn. Đại hội vạch ra con đường và xác định mục tiêu cho những mốc lịch sử trọng đại: Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng (2030), 100 năm thành lập nước (2045) với mục tiêu chiến lược trở thành một quốc gia công nghiệp, có mức thu nhập cao.

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid -19 chưa từng có trong tiền lệ, đặt vận mệnh dân tộc đứng trước thách thức nghiệt ngã, trong đó ngành Y tế phải gồng mình lên đương đầu. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 1.876.394 ca nhiễm, đứng thứ 28/224, nếu tính theo tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân thì đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân có 19.019 ca mắc trên 1 triệu dân). Số ca tử vong khoảng 32.000 người. Riêng đợt thứ 4 dịch bùng phát từ ngày 27/4/2021 ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam có 1.870.417 ca, trong đó có 1.485.221 ca đã khỏi bệnh. Trong trận chiến sinh tử này, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quyết sách táo bạo, kịp thời như “Chiến lược vắc xin”, “Ngoại giao vắc xin” và thành lập “Quỹ vắc xin”, huy động toàn dân và DN chung tay đóng góp. Khi đại dịch bùng phát ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam, ngành Y tế huy động 25.000 chuyên gia, cán bộ, y bác sĩ, sinh viên các trường đại học thành “đội quân áo trắng”, “Nam tiến” chống dịch. Quân đội và Công an cũng xung vào “chiến trường” hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, sát cánh cùng Y tế, cứu trợ người dân phòng, chống dịch, bảo đảm đời sống. Chiến dịch tiêm vắc xin diễn ra lớn nhất trong lịch sử, kịp thời, an toàn, khoa học. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước cơ bản hoàn thành chiến dịch: Tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 98,5 % (mũi 1), 88,5% (mũi 2) và 1,156 triệu liều (mũi 3), đang tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi hoàn thành cả 2 mũi trong tháng 1. Đối tượng từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm mũi 3 xong trong quý I/2022. Có thể nói, trên thế giới không có quốc gia nào người dân tự nguyện, mong muốn và hăm hở đi tiêm vắc xin như Nhân dân Việt Nam.

Nhờ có chiến lược vắc xin, kết hợp với 5K, công nghệ và ý thức của người dân đã hạn chế tổn thất do giảm mạnh số ca nhiễm, số người nhiễm mới, giảm hẳn số ca nặng, số người tử vong. Đó là cơ hội để Nhà nước quyết tâm chuyển hướng chiến lược từ “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ) chuyển sang “trạng thái bình thường mới”.

Đó là quyết sách táo bạo của Chính phủ đổi mới, sáng tạo, phục vụ Nhân dân, đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; vừa quyết liệt phòng, chống dịch, vừa ra sức khôi phục, phát triển kinh tế. Điều này khẳng định bằng thành tựu: Quý III/2021 tăng trưởng (GDP) âm 6% nhưng quý IV/2021 đạt mức 5,2% (cao hơn quý IV/2020). Nhờ đó, GDP cả năm đạt 2,58% là một thắng lợi. Cũng từ quyết sách này, trong tháng 11 có 11.902 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 149.900 tỷ đồng, 76.600 lao động; có 4.958 DN (từng đóng cửa) quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh muôn vàn khó khăn, nền kinh tế không chỉ phục hồi mà còn trong thế phát triển. Tổng thu ngân sách đạt 1.523,4 triệu tỷ đồng (bằng 113,4% dự toán, tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” cho nền kinh tế. Từ chiến lược “ngoại giao cây tre” tạo lợi thế cho kinh tế đối ngoại bám vào các Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại tự do (EU) và các thị trường truyền thống. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỉ lục: 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, xuất siêu hơn 4 tỷ USD (là năm thứ 6 xuất siêu liên tục). Có 35 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép; gỗ và sản phẩm gỗ; giầy dép; hàng dệt may; máy móc thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác). Năm 2021, đầu tư nước ngoài cán mốc 31,15 tỷ USD (tăng 9,2% so với năm 2020).Vốn đăng ký mới 1.738 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký 15,25 tỷ USD; điều chỉnh vốn 985 dự án, vốn tăng thêm 9,1 tỷ USD. Cả nước có 105.600 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng kí 1.454,2 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 84.200 người; có 2.219,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký thêm của 38.800 DN đăng ký bổ sung vào nền kinh tế…

Những kết quả đó, góp phần quan trọng vào duy trì, phục hồi, phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Nước ta được đánh giá là 1 trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài, ổn định, phát triển.

Trong năm đầu triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, vào những thời điểm khó khăn, thử thách gay gắt nhất của dịch bệnh, bên cạnh tập trung phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế, nước ta cũng tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác quốc tế, tạo thuận lợi phát triển đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo Tư tưởng Hồ Chí Minh như Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 tổng kết, nhấn mạnh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

mot nam vuot song than

Hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, chính quyền các cấp, DN, từng “pháo đài” và mỗi người dân đều “thích ứng”, “linh hoạt”, làm quen và thay đổi nhanh về thói quen. Đó là vận dụng công nghệ 4.0 trong chuyển đổi số, coi đó là đường hướng giúp đất nước bứt phá, phát triển, vượt bẫy thu nhập trung bình để đứng trong hàng các nước phát triển vào năm 2045. Sự thích ứng mới thể hiện trong nền tảng công nghệ các lĩnh vực hoạt động: Tổ chức hội nghị trực tuyến với các điểm cầu; học sinh, sinh sinh các cấp học trực tuyến; làm việc từ xa; khai thuế, hải quan, gửi báo cáo, cung cấp thông tin qua mạng… Đặc biệt, hệ thống chính trị và các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đang chuyển động mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc vừa an toàn, hiệu quả.

Năm 2022 sẽ là năm còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 trên thế giới và ở nước ta vẫn tiếp diễn phức tạp, khó lường do các biến chủng mới, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, kìm hãm và xâm hại phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung ưu tiên cho công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì cơ chế “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, là nhiệm vụ quan trọng cấp bách; đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin, tăng cường thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế (đặc biệt y tế cơ sở). Ra sức phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối của nền kinh tế; an sinh xã hội; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm… Thực hiện 3 đột phá chiến lược và xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, giành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu GDP năm nay đạt 6 - 6,5% và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác như Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Kim Quốc Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load