Thứ năm 26/12/2024 22:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Giáo dục

Mô hình trường học ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam

15:56 | 25/01/2024

(Xây dựng) - Nếu mực nước biển dâng thêm 1m vào năm 2100, Sóc Trăng sẽ bị ngập trên 72% diện tích tự nhiên khi triều cường xảy ra. Mong muốn “thay đổi tương lai” này, dự án Innovation for Children đã ra đời để giúp cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến thông minh.

Mô hình trường học ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam
Đại diện UNICEF và Masterise tham gia các lớp học thuộc dự án Innovation for Children trong chuyến đi Sóc Trăng tháng 11/2023.

Nhà vệ sinh không phát thải đầu tiên tại Việt Nam đã có mặt tại Sóc Trăng

Anh Thơ, một học sinh tại Trường Tiểu học Long Phú C ở tỉnh Sóc Trăng chia sẻ về những khó khăn mà cộng đồng của em đang phải đối mặt. Với hơn 90% học sinh là người dân tộc Khmer và 80% trẻ em được ông bà chăm sóc vì sống xa bố mẹ bận sinh kế ở các tỉnh khác, vượt qua những con đường xa xôi giữa ruộng lúa để đến trường đã là một thách thức lớn. Nhưng điều mà Anh Thơ chia sẻ không chỉ dừng lại ở những khó khăn thực tế này, mà còn là về những ước mơ nhỏ nhất về một môi trường học tập tốt hơn.

Anh Thơ chia sẻ “Con thấy nhà vệ sinh trường con rất tối. Con muốn nhà vệ sinh có đèn, có nhiều nước hơn, có khu nữ riêng và nam riêng. Khu vực rửa tay cần có xà bông để chúng con rửa tay sau khi đi vệ sinh”.

Tại Sóc Trăng, có đến hơn 40% trường học không có nước sạch và cơ sở vật chất hợp vệ sinh. Nhà vệ sinh nơi Anh Thơ học đã xuống cấp và không được duy tu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh.

Mô hình trường học ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam
Đại diện UNICEF và Masterise khảo sát tình hình nhà vệ sinh tại các trường học tỉnh Sóc Trăng.

Với mong muốn giải quyết các vấn đề trẻ em gặp phải đối với biến đổi khí hậu, UNICEF đã phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về Nước Sạch và Vệ Sinh Môi Trường Nông Thôn để thực hiện đánh giá nhu cầu và khảo sát trên các trường học và cộng đồng tại Sóc Trăng. Mục tiêu chính là cải thiện tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, đồng thời nâng cấp và áp dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, cho bảy trường học và mở rộng mạng lưới cho hai trạm cấp nước cấp xã hoặc liên xã.

Trường Tiểu học Long Phú C đã trở thành điểm trường đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống nhà vệ sinh không phát thải được thiết kế và lắp đặt, với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, giáo viên và học sinh. Giải pháp tiên tiến này sử dụng năng lượng mặt trời, biến nước thải thành nước an toàn, không chứa vi khuẩn để tái sử dụng cho mục đích xả nhà vệ sinh, góp phần giải quyết các vấn đề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Mô hình trường học ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam
Cán bộ UNICEF và đại diện địa phương lắp đặt thiết bị của nhà vệ sinh không phát thải (trái).

Trong buổi lễ bàn giao công trình, đại diện Masterise Group chia sẻ niềm tin rằng một tương lai tươi sáng sẽ bắt đầu từ việc thay đổi ngay hôm nay, từ việc cải thiện cuộc sống và chất lượng giáo dục của trẻ em. Masterise cam kết tiếp tục đồng hành cùng UNICEF để mang đến những giá trị tuyệt vời hơn và hình thành một tương lai bền vững không chỉ cho trẻ em mà còn cho cộng đồng.

Các sáng kiến giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục

Song song với việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nước sạch, dự án cũng tập trung vào việc thúc đẩy công nghệ và sáng tạo trong giáo dục. Theo khảo sát của UNICEF, 70% học sinh ở Sóc Trăng có ít hơn hai quyển sách để đọc tại nhà. Để giải quyết vấn đề này, dự án đã giới thiệu Thư viện số toàn cầu - một sáng kiến Toàn cầu của UNICEF - giúp các em tiếp cận nguồn tài liệu học tập chất lượng cao, hoàn toàn miễn phí và không chỉ bằng tiếng Việt mà còn bằng tiếng Khmer và ngôn ngữ ký hiệu. Đối tượng học sinh tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật ở tỉnh Sóc Trăng cũng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án này, giúp các em nâng cao khả năng đọc hiểu và thu hẹp khoảng cách về tài nguyên học liệu.

Mô hình trường học ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam
Đại diện UNICEF và Masterise tham gia các hoạt động giáo dục và trải nghiệm sáng kiến Thư viện số Toàn cầu được UNICEF lần đầu tiên giới thiệu tại Sóc Trăng.

Khung chương trình giáo dục về ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu đã không chỉ đưa đến sự nâng cao về kiến thức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mà còn đem đến những lợi ích rõ ràng cho cả cộng đồng và trẻ em. Học sinh đã được trang bị và áp dụng kỹ năng xanh cùng với lối sống bền vững. Nhờ chương trình này, hơn 50.000 trường học trên khắp đất nước đã chứng kiến những thành tựu đáng kể.

Mô hình trường học ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam
Thông qua các hoạt động vừa học vừa chơi, các học sinh tại trường tiểu học Long Phú C học được các kiến thức về môi trường, vệ sinh và biến đổi khí hậu.

Anh Thơ và các bạn đều rất vui vì năm học này nhà vệ sinh đã trở nên sạch sẽ và an toàn hơn. "Để duy trì vệ sinh, chúng con sẽ nhắc nhau và nhắc những em nhỏ sau khi sử dụng phải xả nước. Hơn nữa, chúng con cũng nhớ rửa tay trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh", Anh Thơ chia sẻ.

“Từ khi có dự án tại trường con thì con được trải nghiệm những hoạt động thú vị, có năng lượng để học tập hơn, và có nhiều niềm vui”, Anh Thơ hào hứng nói.

Dự án này còn mở ra triển vọng rộng lớn trong tương lai. UNICEF và Masterise sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về năng lượng xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh, để góp phần vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí carbon. Đồng thời, sự hợp tác này cũng hỗ trợ việc thành lập các câu lạc bộ sáng tạo vì xã hội do trẻ em và thanh thiếu niên khởi xướng, nhằm phát triển kỹ năng lãnh đạo và sự linh hoạt phù hợp với thế kỷ 21 - một cách tiếp cận đầy tiềm năng, mang lại tương lai bền vững và tươi sáng cho thế hệ trẻ.

Kiến Tài

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load