Thứ tư 15/01/2025 18:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Minh bạch ngân sách hơn sẽ giúp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

14:30 | 28/05/2020

Kết quả khảo sát toàn cầu về Chỉ số công khai ngân sách mở 2019 vừa qua cho thấy điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng mạnh so với các kỳ đánh giá trước đó. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN) thuộc Bộ Tài chính cho rằng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tạo cơ sở để thu hút thêm các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Cần cải thiện sự tham gia của công chúng

Ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ NSNN cho hay: Khảo sát ngân sách mở (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, do Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) tiến hành định kỳ 2 năm/lần, bắt đầu từ năm 2006 và đến nay đã được triển khai thực hiện tại trên 100 quốc gia trên thế giới.

Năm 2019 là kỳ thứ 3 liên tiếp, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan chức năng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước) tham gia vào quá trình đánh giá của IBP. Kết quả điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam năm 2019 đã có bước cải thiện mạnh so với kỳ đánh giá năm 2017, xếp hạng 77/117 nước, tăng 14 bậc, trong đó đạt 38/100 điểm đối với trụ cột Công khai ngân sách, tăng 23 điểm; 11/100 điểm đối với trụ cột Sự tham gia của công chúng, tăng 4 điểm; 74/100 điểm đối với trụ cột Giám sát, tăng 2 điểm so với năm 2017.

Kết quả đánh giá trên thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chế độ, chính sách nhằm tăng cường công khai minh bạch ngân sách.

Chính các cơ chế mới được triển khai cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã mang lại nhiều kết quả.

Cho đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện công bố nhiều tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai theo thông lệ tốt của quốc tế.

Nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, tham gia xây dựng dự toán ngân sách và giám sát quá trình quản lý, sử dụng NSNN, báo cáo ngân sách công dân được xây dựng với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Đồng thời, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính cũng đã mở chuyên mục “Công khai ngân sách” để công khai đầy đủ, kịp thời các tài liệu, số liệu về NSNN; chuyên mục Hỏi và đáp để tiếp nhận và giải đáp kịp thời các ý kiến thắc mắc, góp ý của người dân.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tuân cũng thừa nhận, kết quả đánh giá cũng chỉ ra hạn chế của Việt Nam hiện nay là điểm số đối với trụ cột “Sự tham gia của công chúng” còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do các tiêu chí đánh giá được xây dựng dựa trên thông lệ tốt của các nước OECD, nên chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Song về chủ quan thì Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng cũng cần rút kinh nghiệm trong việc thông tin, tuyên truyền cho người dân bảo đảm đầy đủ, kịp thời hơn và có giải pháp khuyến khích người dân tham gia chủ động, tích cực hơn vào việc hoạch định chính sách tài chính - NSNN.

Còn nhiều việc phải làm

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã lan rộng trong phạm vi toàn cầu và đang gây ra những tác động nghiêm trọng cho kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Việt Nam đã thực hiện kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vừa đẩy mạnh hoạt động khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Chính phủ đã chủ động cập nhật, thông tin kịp thời tình hình và biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân. Đồng thời, Chính phủ tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn và có đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của dịch bệnh COVID-19 tới nền kinh tế và cân đối ngân sách, từ đó ban hành và chỉ đạo thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Việc chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam gia tăng sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, để Việt Nam sẽ tiếp tục là địa điểm an toàn, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính đang chỉ đạo toàn ngành có giải pháp để nâng chất lượng công khai ngân sách.

Trước tiên, phải tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về công khai tài chính - NSNN, hướng tới chuẩn mực quốc tế, như công khai các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, công khai chi tiết kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm, công khai các dự báo về tình hình thực hiện NSNN cả năm từ giữa năm ngân sách…

Bộ Tài chính cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai ngân sách của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN.

Để triển khai tốt công việc, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân tiếp cận và khai thác thông tin NSNN.

Bên cạnh đó, đại diện Vụ NSNN lưu ý tầm quan trọng của việc phối hợp tích cực với các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao hiểu biết và thu hút sự quan tâm của người dân đối với hoạt động NSNN, giúp người dân thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN của các ngành, các cấp.

Theo Anh Minh/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load