(Xây dựng) - Tình trạng dây điện chằng chịt, đặc biệt ở các khu vực dân cư đông đúc, là một vấn đề nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Những “mạng nhện” dây cáp điện không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy nổ, gây thiệt hại về người và tài sản.
Tình trạng “tổ hợp” dây điện, cáp viễn thông chằng chịt không khó để bắt gặp ở nhiều tuyến phố, con ngõ ở Thủ đô. |
Mới đây, vụ cháy cột điện gần nhà dân tại ngõ 65 phố Lê Thanh Nghị (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã minh chứng rõ ràng cho những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng này. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn được xác định là do chập dây truyền tải điện và viễn thông.
Tại khu vực gần hiện trường vụ cháy cột điện ở ngõ Lê Thanh Nghị vào ngày 28/7 vừa qua, có rất nhiều cột điện đang trong tình trạng “quá tải” tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. |
Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, tại nhiều con ngõ ở các tuyến đường như: La Thành, Thành Công (Đống Đa), Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy), Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng), Khương Đình (Thanh Xuân)... không khó để bắt gặp những “tổ hợp” dây điện và dây cáp mạng nối dài từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Thậm chí, có nhiều búi dây điện sà xuống thấp, cản trở giao thông và gây nguy hiểm cho người đi đường.
Sự xuống cấp của đường dây điện, nhu cầu sử dụng internet dịch vụ viễn thông tăng lên, không thu hồi dây cũ hỏng… là những nguyên nhân khiến cho số lượng các loại dây điện, dây cáp ngày càng nhiều.
Dây điện, dây cáp quang đan xen như mạng nhện tại phố Thành Công. |
Sinh sống và làm việc tại một ngõ nhỏ trên phố Thành Công, quận Đống Đa, anh H.N lắc đầu ngán ngẩm khi nhìn lên mớ dây điện. Theo anh N, dây điện ngày một nhiều hơn, đặc biệt là dây cáp mạng. Ít nhất mỗi nhà dân một dây điện, rồi dây của nhà mạng này chồng lên nhà mạng khác.
"Nhiều gia đình đổi nhà mạng nên đổi cả dây cáp. Dây cũ vẫn ở đó, dây mới được lắp thêm nên hệ thống điện không khác gì mạng nhện khổng lồ. Cũ mới cuộn với nhau mà chẳng biết trách nhiệm đó thuộc về nhà nào hay đơn vị nào cả", anh N chia sẻ.
Các cột điện sát nhà dân "cõng" trên mình dây điện, cáp viễn thông chằng chịt, cột chặt thành búi to. |
Cùng chung tình cảnh đó, chị T.H – cư dân sinh sống tại đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) cho biết, phía trước ngõ nhà chị dây điện chằng chịt như ma trận. “Vào mùa nắng nóng do ngõ nhỏ và hệ thống dây điện chạy sát tường, lan can, trên mái nhà khiến cho người dân khu này luôn phải sống trong nỗi thấp thỏm, nơm nớp lo sợ vì không biết sẽ cháy lúc nào” - chị H chia sẻ.
Cột điện sắp quá tải khi bị các loại dây bao quanh tại đường La Thành. |
Tương tự, anh P.T - chủ một cửa hàng tiện lợi nằm trong một con ngõ trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) cũng cảm thấy bất an với những đường dây điện loằng ngoằng trên đầu. Mặc dù biết rõ nguy hiểm, anh không biết làm gì ngoài việc sống chung với nó và cảnh giác hơn, đặc biệt sau các vụ cháy gần đây.
“Vài tháng trước, đã xảy ra vụ chập cháy trên cột điện gần đây. Người dân chỉ biết gọi điện ngay cho bên điện lực. May mắn là vụ cháy xảy ra vào ban ngày và được xử lý kịp thời. Nếu xảy ra vào ban đêm, cháy lan vào nhà dân ngay đó, không biết hậu quả sẽ như thế nào” - Anh T kể lại.
Những búi cáp điện chăng ngang bên cạnh cửa sổ của các hộ dân. |
Bà T.V - cư dân sinh sống tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) bày tỏ mong chính quyền, cơ quan quản lý sẽ có những biện pháp để thu gọn bớt mạng lưới dây điện. “Cửa sổ tầng ba nhà tôi sắp bị cột điện và dây điện chằng chịt che lấp, những hôm trời nắng thì sợ cháy nổ còn những hôm mưa gió lại lo đứt dây, đổ cột” – bà V nói.
Cột điện vốn được thiết kế để dẫn truyền dòng điện, nhưng nay lại trở thành một "mớ bòng bong" dây cáp thông tin, viễn thông… gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. |
Trước thực trạng nhiều khu vực vẫn phải sống chung với nguy hiểm từ hệ thống đường điện, cáp viễn thông chưa được ngầm hóa, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông, điện lực tại các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô trong giai đoạn 2021 - 2025. Với mục tiêu của Thành phố là hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực. Hiện đã thực hiện với hơn 450 tuyến phố ở Thủ đô (tỉ lệ ngầm hóa đạt 77% trong các quận nội thành).
Được biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Thành phố đã và đang nỗ lực trong việc hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông, dây điện trung, hạ áp tại các tuyến phố... Tuy nhiên, tình trạng dây điện, dây cáp chằng chịt vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, rất cần sớm được giải quyết để tránh nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt vào mùa nắng nóng và mưa bão.
Diệu Linh
Theo